Chính trị - Xã hội

"Nghề chơi cũng lắm công phu"

08:38, 01/05/2015 (GMT+7)

ĐNĐT - Đến hẹn lại lên, cứ tới mỗi mùa pháo hoa là những nhiếp ảnh gia chuyên và không chuyên, các phóng viên ảnh đều rục rịch chuẩn bị đồ nghề, tư trang cho việc “săn” ảnh pháo hoa. Để "bắt" được những khoảng khắc đặc biệt của bông pháo bay trên trời, những người “thợ săn” này đã "hao tổn" không ít tâm sức.

Để có được bức ảnh đẹp chị Mùa Thu đã phải chuẩn bị đồ nghề và chọn góc từ trước.
Để có được bức ảnh đẹp, chị Mùa Thu đã phải chuẩn bị đồ nghề và chọn góc từ trước.

Là nhiếp ảnh gia không chuyên ở Đà Nẵng, chị Mùa Thu bắt đầu đến với thú vui chụp ảnh từ vài năm trước. Đây là lần thứ 3 chị đi chụp ảnh thi pháo hoa nhưng lần nào cũng thấy rất hào hứng, thích thú. Ngay từ những ngày trước, chị đã chuẩn bị đồ nghề, chân máy, lựa chọn ống kính phù hợp. Theo chị, để có một tấm hình đẹp, quan trọng nhất là phải lựa góc chụp đẹp.

Trong Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2013, chị Thu chẳng ngại chuyện lội nước sông Hàn để săn ảnh. Chị kể, lúc bắt đầu lội xuống sông, nước còn cạn nhưng khi chụp các đội bắn xong, thủy triều lên nên phải lội bì bõm. Người có thể ướt nhưng máy móc, thiết bị thì phải bảo quản hết sức kỹ càng bởi chỉ cần bị ướt là đành bỏ tiền ra sắm mới.

Chụp được pháo hoa đẹp là một phần nhưng để có ý nghĩa thì phải gắn với phong cảnh nơi đó, xem có gì đặt trưng, vì vậy trước khi chụp, phải chọn góc thật kỹ từ trước. Đêm 28-4, chị đứng ở tòa nhà Azura để chụp được pháo hoa gắn với toàn cảnh thành phố, còn đêm 29-4, chị vào khu vực dành cho phóng viên, nhiếp ảnh gia tác nghiệp để lấy được hình ảnh pháo hoa gắn với dòng sông Hàn nổi tiếng.

Khoảnh khắc đẹp của pháo hoa chỉ đến trong tích tắc, có được một vài tấm đẹp đã là thành công với người chụp.
Khoảnh khắc đẹp của pháo hoa chỉ đến trong tích tắc, có được một vài tấm đẹp đã là thành công với người chụp.

Đã từng đoạt nhiều giải thưởng lớn ở các cuộc thi ảnh trong nước, anh Nguyễn Công Hưng, hội viên Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam cho rằng, mình có điều kiện đến đâu thì sắm trang thiết bị đến đó nhưng để có một bức ảnh đẹp, nhất là ảnh pháo hoa thì phải có sự tính toán từ trước. Do khoảnh khắc của pháo hoa đến rất nhanh, chỉ trong tích tắc và không trở lại nên việc chọn chỗ ngồi ở đâu, góc nào để “chớp” được bức ảnh đẹp nhất cũng là cả một vấn đề.

Ngay bản thân anh, đã qua 6 mùa chụp pháo hoa, có kinh nghiệm chụp nhưng năm nay anh vẫn đi từ 16 giờ chiều để chọn góc độ, đặt chân máy sẵn sàng cho buổi “đi săn” khoảnh khắc thú vị này. Anh tâm sự, có được bức ảnh đẹp phải rất công phu vì phải thực sự tâm huyết, thực sự đam mê mới theo đuổi được. Mọi người thường cho rằng đây là thú vui “xa xỉ”, đi làm mà như đi chơi vì bên cạnh việc tốn kém về vật chất, mất thời gian, thì không phải cứ xách máy đi là chụp được ảnh đẹp. Có khi chụp cả 100 tấm, được một vài tấm đẹp đã là thành công rồi.

Cao Minh, phóng viên một tờ báo trên địa bàn thành phố Đà Nẵng chia sẻ, dù rất thích pháo hoa nhưng những mùa trước, chưa khi nào cô chụp được một tấm hình ưng ý, do cứ thấy pháo hoa là đưa máy lên và bấm. Thành ra những bức hình cô chụp, tấm thì nhòe nhoẹt, tấm bị rung, tấm lấy được pháo tầm cao thì mất pháo tầm thấp.... Năm nay, trước khi sự kiện diễn ra, cô đã tranh thủ “tầm sư học đạo” từ những anh chị đi trước, nhờ họ bày vẽ những kinh nghiệm cũng như cách chụp pháo hoa. Lúc đó, cô mới vỡ lẽ “hóa ra nghề chơi cũng lắm công phu", cùng với đồ nghề, phụ kiện còn cần rất nhiều kỹ năng khác nữa. "Sau mỗi đợt bắn, kiểm tra lại những gì đã chụp chỉ cần được một hai tấm là đã sung sướng lắm rồi”, Cao Minh cho biết.

Không phải là dân chuyên nghiệp nhưng cũng mong muốn được sở hữu những tấm ảnh đẹp về pháo hoa, anh Đức Hiệp, du khách đến từ Hà Nội đã “canh” từ rất sớm để ra bờ sông Hàn đặt máy chụp pháo hoa. Tuy không quá xuất sắc nhưng chùm ảnh về pháo hoa trên trang mạng cá nhân của anh cũng đã thu hút được rất nhiều lượt xem và bạn bè vào bình luận xôm tụ. Anh bảo: “Mình đi du lịch là chính nhưng thấy các đội bắn đẹp quá nên phải tranh thủ ghi lại để khoe với bạn bè ở nhà. Tuy nhiên, mình chỉ chụp được những đội bắn đầu thôi, mấy đội sau khói nhiều, máy của mình không bắt được hình ảnh nên đành đứng xem trong tiếc nuối”.

Mỗi người có một mục đích khi đi chụp pháo hoa, nhưng tựu chung đều muốn ghi lại khoảnh khắc của cái đẹp, đó là tài sản vô giá của riêng mỗi người. Nói như chị Mùa Thu, ban đầu là chụp cho mình, sau thấy có cuộc thi nào phù hợp thì đem đi dự thi. Đây cũng là một cách để quảng bá hình ảnh đẹp về thành phố Đà Nẵng tới đông đảo người dân và du khách.

Chắc hẳn, sau hai đêm của Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2015, nhiều bức ảnh đẹp sẽ được giới thiệu tới công chúng khắp nơi trên cả nước và thế giới qua nhiều hình thức khác nhau.

Bài, ảnh: Thu Hà - Hoàng Hân

.