Chính trị - Xã hội

Phát triển kinh tế - xã hội quận Cẩm Lệ

Bảo tồn các giá trị văn hóa - lịch sử

07:26, 11/05/2015 (GMT+7)

Người Cẩm Lệ ngày nay bảo tồn các giá trị văn hóa/lịch sử để phát triển kinh tế - xã hội thì trước hết là giữ gìn và phát huy những giá trị riêng có của Cẩm Lệ…

Việc “hố thiêng” tại khu phế tích Chăm Phong Lệ (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) được khai quật năm 2012 thu hút sự quan tâm của công chúng.  											            Ảnh: THANH TÂN
Việc “hố thiêng” tại khu phế tích Chăm Phong Lệ (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) được khai quật năm 2012 thu hút sự quan tâm của công chúng. Ảnh: THANH TÂN

Nói đến việc bảo tồn các giá trị văn hóa/lịch sử ở quận Cẩm Lệ, tôi nhớ Cẩm Lệ có hai thương hiệu đã nhất khứ bất phục phản/một đi không trở lại (thơ Thôi Hiệu) mà hoàn toàn không phải do lỗi của bảo tồn - một là lễ hội mục đồng làng Phong Lệ và hai là thuốc lá Cẩm Lệ.

Lễ hội mục đồng làng Phong Lệ từng vang bóng một thời nhưng với địa phương có tốc độ đô thị hóa cao như Đà Nẵng hiện nay thì rõ ràng không còn trẻ chăn trâu làm cơ sở xã hội để khôi phục lễ hội này. Những động thái sân khấu hóa lễ hội mục đồng làng Phong Lệ thời gian vừa qua chủ yếu nhằm phục dựng để lưu giữ cách người Cẩm Lệ/người Phong Lệ xưa từng tổ chức ra sao một lễ hội độc đáo thể hiện khát vọng dân chủ của các mục đồng, cũng là của đông đảo dân nghèo ở nông thôn trước Cách mạng Tháng Tám.

Thuốc lá Cẩm Lệ - kết tinh bao nhiêu công sức của người trồng cây thuốc và phơi phong sao tẩm từng lá thuốc - sớm gầy dựng được thương hiệu hàng hóa trên phạm vi rộng, được nhiều người hút thuốc, thậm chí ăn trầu trong Nam, ngoài Bắc trước đây ưa chuộng, tuy nhiên mấy chục năm nay hầu như vô tăm tích trên thị trường, và bây giờ cũng khó có thể khôi phục làng nghề này trong xu hướng toàn thế giới đang nói không với thuốc lá.

Trong cuộc tọa đàm khoa học tổ chức gần đây ở Cẩm Lệ, có người cho rằng, nên sưu tầm những công cụ lao động liên quan đến thuốc lá Cẩm Lệ để trưng bày nhằm giúp du khách hình dung về một nghề/một làng nghề truyền thống từng góp phần quảng bá tên tuổi của Cẩm Lệ.

Trân quý những giá trị hiện tồn

Có lẽ chính vì ý thức được sự mất mát này mà người Cẩm Lệ rất trân quý những giá trị văn hóa/lịch sử hiện tồn - chẳng hạn như Nghĩa trủng Khuê Trung; hay như tấm gương yêu nước của các danh nhân quê Cẩm Lệ: Ông Ích Khiêm, Ông Ích Đường, Ông Ích Mắn, Bùi Thúc Nguyên, Thái Phiên, Thái Thị Bôi…; hay như các cây cầu trên địa bàn: cầu Đỏ, cầu Cẩm Lệ, cầu Hòa Xuân, cầu Nguyễn Tri Phương và cầu vượt Hòa Cầm/cầu vượt Ngã ba Huế (Đà Nẵng từ xưa đến nay có cả thảy ba cầu vượt, ngoài cầu vượt sớm nhất là cầu Vồng ở quận Hải Châu thì có tới hai cầu vượt nằm trên đất Cẩm Lệ hoặc một phần đất Cẩm Lệ), hay như một số cơ sở kinh tế/văn hóa có bề dày lịch sử và gắn bó sâu nặng với đời sống người Cẩm Lệ: Tổng Công ty CP dệt may Hòa Thọ, tiền thân là Nhà máy dệt Hòa Thọ thuộc Công ty Kỹ nghệ Bông vải Việt Nam/SICOVINA thành lập từ năm 1962; Trường Trung học Hòa Vang một thời là nơi đào tạo học sinh trung học không chỉ cho các phường thuộc quận Cẩm Lệ mà còn cho nhiều xã lân cận đang thuộc huyện Hòa Vang…

Chính vì rất trân quý những giá trị văn hóa/lịch sử cả cổ lẫn kim hiện tồn nên Cẩm Lệ đã tổ chức được gần như thường niên nhiều sinh hoạt văn hóa và học thuật có ý nghĩa giáo dục truyền thống.

Cẩm Lệ cũng đang có lợi thế về các di tích có nguồn gốc Chămpa bản địa. Ngoài phế tháp Hóa Quê và Miếu Bà cùng với giếng cổ Chăm hình vuông được bảo tồn từ nhiều năm nay thì phát hiện khảo cổ học gần đây ở Phong Lệ chứng tỏ Đà Nẵng từng là một trung tâm tôn giáo lớn của người Chăm cổ. Cách đây mấy năm, tôi từng khảo sát thực địa và đề xuất nên hình thành ở Phong Lệ - nơi đang tiến hành khai quật một quần thể phế tích đền tháp Chămpa lần đầu tiên được phát hiện trên đất Đà Nẵng này - một bảo tàng điêu khắc Chămpa mới.

Đây là nơi sẽ có đủ chỗ để trưng bày hết số cổ vật đang được bảo quản trong kho cộng với số dự báo sẽ tiếp tục được sưu tầm trong nửa thế kỷ đến; có đủ chỗ để phục dựng những tháp Chămpa nổi tiếng - tất nhiên dưới dạng mô hình; cũng như có đủ chỗ để khách tham quan có thể nghe các nhà Chămpa học ở Đà Nẵng, ở trong nước cũng như đến từ nước ngoài giới thiệu những thành tựu mới về nghiên cứu Chămpa nói chung và nghệ thuật điêu khắc Chămpa nói riêng.

Đây còn là nơi mà du khách được thưởng thức các vũ công trình diễn những điệu múa Chămpa - từ múa dân gian cho đến múa cung đình, hoặc để mua những mặt hàng lưu niệm cao cấp khó có thể mua được ở đâu khác liên quan đến nền văn hóa Chămpa vang bóng một thời.

Văn hóa tâm linh

Cuộc chiến đấu dưới chân thành Điện Hải hơn 155 năm trước hiện còn lưu dấu ở 3 địa phương: Hải Châu với Thành Điện Hải và mấy ngôi mộ ven đường Nguyễn Văn Linh, Hòa Vang với Nghĩa trủng Phước Ninh mới được di dời về và Cẩm Lệ với Nghĩa trủng Khuê Trung. Trong 3 địa phương ấy, có thể nói Cẩm Lệ là địa phương thường xuyên tiến hành các hoạt động văn hóa tâm linh nhằm tưởng nhớ các nghĩa sĩ đã hy sinh vì nước.

Mô hình lễ tế vong linh nghĩa sĩ và tiền hiền làng Hóa Khuê Trung/Khuê Trung tại Nghĩa trủng Hòa Vang vào ngày 16-3 âm lịch hằng năm là phù hợp. Tuy nhiên, Cẩm Lệ có thể tổ chức lễ dâng hương tại Nghĩa trủng Khuê Trung vào dịp mồng 1-9 dương lịch hằng năm để Đảng bộ và nhân dân trong quận, nhất là thế hệ trẻ, có thêm dịp nhớ lại quá khứ hào hùng của Đà Nẵng từng thay mặt cả nước và cùng cả nước đánh Pháp trận đầu.

Cũng cần nói thêm rằng, Cẩm Lệ nên quan tâm đến hình thức liên kết để đa dạng hóa các sự kiện văn hóa/lịch sử trên địa bàn quận, chẳng hạn liên kết với huyện Hòa Vang/xã Hòa Phong - chợ Túy Loan là nơi mà quân thù đã xử chém Ông Ích Đường, hoặc liên kết với huyện Điện Bàn/xã Điện Thọ - quê của Trần Cao Vân, người đồng chí/đồng hương cùng hy sinh một ngày/cùng chôn chung một chỗ với Thái Phiên, hoặc liên kết với quận Hải Châu/huyện Hòa Vang - hai địa phương có liên quan đến việc tưởng niệm các nghĩa sĩ 1858-1860…

Cũng nhân nói chuyện kết hợp trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa/lịch sử để phát triển kinh tế/xã hội, không thể không nhắc đến nỗ lực của Cẩm Lệ vừa tranh thủ sự hỗ trợ về tài chính và nghiên cứu của GS Donyun Kim, Trưởng khoa Kiến trúc Trường Đại học Sungkyunwan (Hàn Quốc) và Công ty TNHH JungLim Architecture Việt Nam, vừa phối hợp với quận Ngũ Hành Sơn, quận Liên Chiểu và huyện Hòa Vang hình thành Dự án Quy hoạch Đài tưởng niệm liệt sĩ Hòa Vang nhằm tạo một điểm nhấn kiến trúc cho thành phố trên địa bàn Cẩm Lệ, đồng thời làm tăng thêm sức hấp dẫn để thế hệ trẻ - trước hết là thế hệ trẻ Cẩm Lệ - có thể thường xuyên đến với Đài tưởng niệm liệt sĩ Hòa Vang hiện nay. Trước mắt, trên cơ sở quy hoạch mới, các địa phương này dự tính khởi công xây dựng một nhà chuông vào dịp kỷ niệm 50 năm ra đời Vành đai diệt Mỹ Hòa Vang.

Nghĩ đến tiếng chuông đồng sẽ vang ngân trên đỉnh dốc Hòa Cầm trong tương lai không xa, tôi chợt nhớ đêm trừ tịch năm 1979, chùa Hàn San - một trong 10 ngôi chùa nổi tiếng bên Trung Quốc từng đi vào thế giới nghệ thuật thơ Đường - đã tổ chức thành công lần đầu tiên hoạt động nghe tiếng chuông chùa Hàn San, với sự tham gia của hàng trăm du khách Nhật Bản, mở ra một hình thức mới đầy triển vọng về quảng bá du lịch tâm linh...

Xin được nhấn mạnh rằng tôi rất có ý thức khi nói liên quan đến văn hóa/lịch sử Cẩm Lệ. Tôi nghĩ văn hóa/lịch sử Cẩm Lệ không khép kín trong phạm vi địa giới hành chính của Cẩm Lệ ngày nay mà là hòa quyện vào văn hóa/lịch sử huyện Hòa Vang, vào văn hóa/lịch sử thành phố Đà Nẵng, vào văn hóa/lịch sử đất Quảng và vào văn hóa/lịch sử Việt Nam. Cho nên người Cẩm Lệ ngày nay bảo tồn các giá trị văn hóa/lịch sử để phát triển kinh tế - xã hội thì trước hết là giữ gìn và phát huy những giá trị riêng có của Cẩm Lệ nhưng phải biết đặt trong toàn cuộc bảo tồn các giá trị văn hóa/lịch sử chung của cả đất Quảng và cả nước…

Bảo tồn các giá trị văn hóa/lịch sử không ở đâu sâu rộng và căn bản bằng các trường học. Năm 2013 là năm đầu tiên Hội Khoa học Lịch sử thành phố tổ chức Ngày Hội Sử học Đà Nẵng, qua đó đã phối hợp với Sở GD&ĐT và Thành Đoàn chỉ đạo các trường THCS và THPT tổ chức thi hùng biện trong học sinh để chọn người giới thiệu hay nhất tiểu sử danh nhân hoặc lịch sử địa danh mà trường mang tên, đồng thời tổ chức thi chọn tốp ca hay nhất bài hát về các danh nhân hoặc địa danh ấy. Cẩm Lệ cũng có thể vận dụng cách làm này đối với các trường mang tên danh nhân và địa danh liên quan đến văn hóa/lịch sử Cẩm Lệ.

BÙI VĂN TIẾNG

.