Chính trị - Xã hội
An toàn cho tàu ra khơi
Để bảo đảm tính mạng, tài sản cho chính mình trên biển mỗi khi gặp sự cố chìm tàu hoặc hỏa hoạn, ngư dân cần phải trang bị đầy đủ hệ thống áo phao, phao cứu sinh và hệ thống phòng cháy chữa cháy (PCCC).
Lực lượng Bộ đội Biên phòng kiểm tra an toàn tàu ngư dân trước giờ ra khơi. |
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xử lý, tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Phải trang bị đủ áo phao
Âu thuyền – Cảng cá Thọ Quang là nơi tập trung hàng trăm tàu, thuyền của Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung khai thác xa bờ. Tuy nhiên, qua tìm hiểu của chúng tôi, trong khi những con tàu lớn của Đà Nẵng được trang bị khá đầy đủ phao cứu sinh, áo phao trên tàu thì ngược lại, không ít tàu ngoài tỉnh lơ là công tác này.
Ngư dân Lê Văn Xin, thuyền trưởng tàu ĐNa 90026, có công suất 780CV cho biết, để bảo đảm an toàn trên biển cho người lao động, ông Xin luôn sắm đầy đủ phao cứu sinh trên tàu cũng như trang bị áo phao cho các lao động. Thuyền trưởng Trần Văn Mười, chủ tàu câu mực ĐNa 90567, có công suất gần 1.000CV cũng cho biết rất chú trọng đến công tác an toàn trên biển. Với đặc thù là câu mực, các thuyền viên thường lênh đênh trên biển với chiếc thúng chai giữa biển khơi, rất dễ gặp bất trắc. Vì vậy, chiếc áo phao luôn là người bạn đồng hành của mỗi thuyền viên. “Mặc dù ngư dân ai cũng bơi giỏi, nhưng không vì thế mà chủ quan. Do đó, tôi nhắc nhở anh em luôn phải sẵn áo phao bên mình khi xuống thúng câu mực”, anh Mười cho biết.
Vừa qua, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu hộ, cứu nạn trên sông phối hợp với Đồn Biên phòng Sơn Trà, Phòng Kinh tế quận Sơn Trà triển khai chuyên đề kiểm tra các phương tiện tàu, thuyền. Qua kiểm tra 121 chiếc (trong đó Đà Nẵng 24 chiếc, Quảng Ngãi 85 chiếc, Quảng Nam 6 chiếc, Quảng Bình 3 chiếc và Thừa Thiên – Huế 3 chiếc), cho thấy, gần 100% phương tiện của ngư dân Đà Nẵng được trang bị áo phao, phao cứu sinh; Quảng Ngãi có gần 50 phương tiện không trang bị; Quảng Bình 100% phương tiện không trang bị áo phao. Một chủ tàu Quảng Ngãi biện bạch: “Hầu như đội tàu của anh em chúng tôi ít ai trang bị áo phao, bởi ai cũng bơi giỏi nên trang bị sợ cồng kềnh, chiếm diện tích trên tàu”.
Trung úy Dương Hữu Hưng, Trạm phó Trạm Biên phòng Mân Quang (Đồn Biên phòng Sơn Trà) cho biết, những năm gần đây, Bộ đội Biên phòng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố, các cơ quan chức năng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho ngư dân trong việc bảo đảm an toàn khi đánh bắt trên biển, nhờ vậy ngư dân đã tự giác trang bị áo phao, phao cứu sinh. Bên cạnh đó, chính quyền thành phố cũng đã có nhiều đợt hỗ trợ áo phao, phao cứu sinh cho ngư dân, nên mỗi chuyến tàu xa khơi của ngư dân Đà Nẵng đều tuân thủ tốt.
Không lơ là công tác phòng cháy chữa cháy
Đại tá Lê Hồng Tư, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ trên sông (Cảnh sát PCCC thành phố Đà Nẵng) cho biết, tàu đánh bắt xa bờ luôn có một lượng dầu từ vài trăm lít đến vài nghìn lít, cùng với đó là nhiều ngư lưới cụ, bình gas, điện cao áp, bình ắc-quy… nên tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao.
Những năm gần đây, trên địa bàn Quảng Nam, Đà Nẵng cũng như một số tỉnh lân cận đã xảy ra nhiều vụ cháy tàu cá, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng, nhiều ngư dân trắng tay, nợ nần chồng chất. Nguyên nhân chính là do lơ là, bất cẩn, mất cảnh giác của ngư dân trong vấn đề an toàn PCCC.
Qua công tác kiểm tra của lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ trên sông cho thấy, khá nhiều tàu bè neo đậu tại Âu thuyền Thọ Quang, đều không trang bị phương tiện chữa cháy. Thực tế như vậy đặt ra cho ngành chức năng phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động ngư dân nâng cao ý thức trong công tác PCCC. “Tài sản mỗi con tàu trị giá hàng tỷ đồng nhưng họ lại không trang bị PCCC. Để an toàn, mỗi con tàu đánh bắt xa bờ cần phải trang bị ít nhất từ 1-2 bình chữa cháy”, Đại tá Lê Hồng Tư khuyến cáo.
Theo Đại tá Lê Hồng Tư, để bảo đảm an toàn PCCC trên những con tàu xa khơi, đơn vị này vừa đề nghị các địa phương, đơn vị phối hợp kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện công tác PCCC trên tàu; mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về PCCC cho chủ tàu và những lao động trên tàu đồng thời yêu cầu chủ tàu trang bị dụng cụ, phương tiện PCCC và cứu hộ cứu nạn để phục vụ cho công tác PCCC, cứu hộ cứu nạn ban đầu.
Bài và ảnh: NGỌC PHÚ