Chính trị - Xã hội

Bệnh viện "gồng mình" vì nắng

07:37, 02/06/2015 (GMT+7)

Hôm qua (1-6) tiếp tục là ngày quá tải đỉnh điểm tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi và Bệnh viện Đà Nẵng. Các bác sĩ cho biết, qua nhiều năm tham gia khám chữa bệnh, đây là năm đầu tiên họ chứng kiến nắng nóng kéo dài và khắc nghiệt như hiện nay. Bệnh viện vì thế cũng “gồng mình” trước lượng bệnh nhân tăng đột biến.

Người già và trẻ em nằm, ngồi la liệt tại các bệnh viện.                    Ảnh: THU HOA
Người già và trẻ em nằm, ngồi la liệt tại các bệnh viện. Ảnh: THU HOA

Quá tải

Tại Bệnh viện Đà Nẵng, từ khu vực khám, cấp cứu đến tất cả khoa, phòng đều có đông đúc bệnh nhân cao tuổi. Những ngày nắng nóng, người già, nhất là người có bệnh huyết áp, vào viện nhiều hơn.

Theo bác sĩ Nguyễn Trường Minh, Trưởng khoa Khám - Cấp cứu, Bệnh viện Đà Nẵng, thời tiết nắng nóng gay gắt dễ khiến người già nhập viện vì tăng huyết áp, suy hô hấp, phổi tắc nghẽn, viêm phế quản, nhồi máu cơ tim, mạch máu não, rối loạn thần kinh, v.v... Trong tháng 5 vừa qua, Bệnh viện Đà Nẵng tiếp nhận 4.036 người già trên 65 tuổi đến khám và điều trị.

Cũng theo bác sĩ Minh, thời tiết oi bức kèm với lượng bệnh quá tải càng khiến khả năng hồi phục của người già chậm hơn so với bình thường. Cách tốt nhất giúp người già hạn chế mắc bệnh trong tình hình thời tiết thay đổi đột ngột như hiện nay là tránh nắng. Khi nhiệt độ không khí tăng cao hơn thân nhiệt (37 độ C) thì cơ thể con người, đặc biệt người già, sẽ suy yếu, dễ nhiễm bệnh.

Hôm qua, Bệnh viện Phụ sản - Nhi chứng kiến thêm một ngày “nghẹt thở” với 1.000 bệnh nhi đến khám. Trước đợt nắng nóng, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận trên dưới 600 bệnh nhi khám và điều trị. Tuy nhiên, những ngày vừa qua, ít nhất mỗi ngày tại đây khám 800 em. Ngày cao điểm lên đến 1.100 em.

Bệnh nhi chủ yếu mắc các bệnh viêm phổi, viêm thanh quản, viêm tiểu phế quản. Bác sĩ Lê Thanh Cẩm, Phó trưởng khoa Khám đa khoa - Cấp cứu, Bệnh viện Phụ sản - Nhi chia sẻ: “Tham gia khám chữa bệnh cho trẻ em nhiều năm, nhưng chỉ năm nay tôi mới thấy đợt nắng “hành hạ” bệnh nhi đến vậy. Thông thường mỗi đợt nắng nóng kéo dài một tuần, rồi giãn ra nhiều ngày, sau đó mới có đợt nắng kế tiếp. Nhưng năm nay, nắng nóng đã nửa tháng mà chưa thấy giảm. Số lượng bệnh nhi vì thế tăng gần gấp đôi so với ngày thường, trong đó 40% trẻ em ngoại tỉnh”.  

Loại bệnh nặng và nguy cơ cao không đột biến hơn ngày thường, nhưng bệnh hô hấp tăng và phổ biến. Theo bác sĩ Lê Thanh Cẩm, trời nóng, trẻ thích uống nước có độ lạnh. Tuy nhiên, càng uống nước lạnh thì cơ thể càng bị mất nước tế bào. Chỉ có nước ấm mới giúp cơ thể hấp thu nước tốt nhất. Do đó, để “chống nóng” cho con, phụ huynh lưu ý cho trẻ sử dụng nước ấm nóng thay vì nước mát hay nước đá.

Người già và trẻ em nằm, ngồi la liệt tại các bệnh viện.
Người già và trẻ em nằm, ngồi la liệt tại các bệnh viện.

Tăng bàn khám, huy động bác sĩ

Để ứng phó với tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài và dự báo diễn biến còn nhiều phức tạp, khu khám Bệnh viện Đà Nẵng tăng cường thêm một phòng dự phòng, trong khi nơi này hiện đã có 25 phòng khám.

Bác sĩ Võ Thị Thu Hà, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp - Bệnh viện Đà Nẵng, cho biết bệnh viện có quy mô 1.400 giường nhưng số giường thực kê bao giờ cũng ở mức 2.000, công suất giường bệnh đạt 150%.

Số lượng bệnh nhân cao tuổi chiếm 25% tổng lượng bệnh nhân toàn viện. Người già thường mắc bệnh mãn tính. Khi thời tiết thay thổi theo hướng tiêu cực, bệnh lại chuyển biến nặng hơn. Để giải quyết tình trạng dồn bệnh nhân cao tuổi nằm chung với người bệnh các độ tuổi khác, Bệnh viện Đà Nẵng đã có phương án xây dựng khoa Lão với quy mô 30 giường, 7 bác sĩ, 19 điều dưỡng và nhân viên phục vụ. Hiện Sở Y tế thành phố đã lập hội đồng thẩm định khoa Lão - Bệnh viện Đà Nẵng. “Dự kiến 30 giường nhưng chúng tôi đoán con số bệnh nhân cao tuổi điều trị tại đây sẽ tăng lên nhiều”, bác sĩ Hà nói.

Trong khi đó, các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản - Nhi phải bắt đầu làm việc từ 6 giờ 30 để khám cho bệnh nhân (sớm hơn ngày bình thường 30 phút). Bác sĩ Lê Thanh Cẩm cho biết, nhiều bệnh nhân ở tỉnh xa đến đợi từ rất sớm. Bên cạnh đó, để giải quyết hết lượng bệnh trong ngày, thời gian làm việc của bác sĩ phải bắt đầu sớm và kết thúc muộn hơn.

Khoa Khám đa khoa - Cấp cứu, Bệnh viện Phụ sản - Nhi có 6 bác sĩ nhi trong tổng số 63 cán bộ, nhân viên. Tuy nhiên, những ngày qua, các khoa, phòng khác đã được huy động lực lượng cho bộ phận khám để bảo đảm 13 bàn khám, tương đương 13 bác sĩ hoạt động liên tục.

Cùng với tăng cường nhân lực là kê thêm giường đến mức tối đa... Bác sĩ Cẩm cho hay, các khoa không bị quá tải như tim mạch phải “nhường” giường cho khoa hô hấp. “Chắc còn cần phải tăng bàn khám lên nữa mới đáp ứng tình hình bệnh tăng”, bác sĩ Cẩm nói.

Bài và ảnh: THU HOA

.