Chính trị - Xã hội

Ngày thế giới không thuốc lá (31-5): Chuyện "làm điếu" tại bệnh viện

08:02, 01/06/2015 (GMT+7)

Không ở nơi nào người ta có thể thấy hậu quả nhãn tiền của thuốc lá rõ như tại bệnh viện; và có lẽ không ở nơi nào bảng “cấm hút thuốc” được trưng ra nhiều nhưng lại “vô tác dụng” như tại bệnh viện.

Bệnh nhân bị hoại tử ngón chân do quá trình hút thuốc lá.
Bệnh nhân bị hoại tử ngón chân do quá trình hút thuốc lá.

Đâu chỉ có viêm phổi

Một lần tác nghiệp tại phòng tim mạch của một bệnh viện lớn trên địa bàn thành phố, tôi thấy có một bác trai lớn tuổi cầm hồ sơ bệnh án đi vào kèm theo lời đề nghị bác sĩ xem giúp ngón chân vừa phẫu thuật của bác ấy có bị nhiễm trùng không. Tưởng bác vào nhầm, bởi suốt buổi, tôi chỉ thấy toàn bệnh nhân mắc các bệnh về tim và huyết áp đến đây, trong khi bệnh của bác lại nằm ở ngón chân. Tôi càng ngạc nhiên hơn khi thấy bác sĩ vẫn khám chân và trao đổi chi tiết với bác về bệnh tình mà không hề bảo bệnh nhân sang phòng khác. Bác sĩ hỏi: “Ông hút thuốc nhiều không?”. Bác trai trả lời: “Tôi bỏ rồi”. Bác sĩ cười cười: “Bác bỏ cách đây vài tháng chứ gì, còn mấy chục năm qua là hút liên tục mỗi ngày một, hai gói”. Nghe bác sĩ nói “trúng tim đen”, bác trai gật đầu.

Thấy tôi mắt tròn mắt dẹt ngạc nhiên, bác sĩ hiểu ý, giải thích: “Thuốc lá đâu chỉ gây ra bệnh về tim, phổi. Còn nhiều bệnh khác vô cùng nguy hại. Như bác vừa rồi bị cưa ngón chân là do các mạch máu ở ngón chân bị hoại tử. Quá trình hút thuốc lá của bác đã dẫn đến hậu quả đó”.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thuốc lá còn gây ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ của não bộ, tăng nguy cơ đục thủy tinh thể, là nguyên nhân chủ yếu gây bệnh ung thư lưỡi, tuyến nước bọt, miệng, vòm họng gấp 6 lần và nguy cơ gây ung thư mũi cao gấp 2 lần so với người thường. Thuốc lá gây ra bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính, tắc nghẽn mạch máu, tăng nguy cơ đột tử. Chất độc trong thuốc lá tiêu diệt lợi khuẩn trong dạ dày và phá vỡ cấu trúc tế bào tinh trùng nên làm giảm mật độ và tính di động của tinh trùng…

Cảnh đốt thuốc trong sân Bệnh viện Đà Nẵng.
Cảnh đốt thuốc trong sân Bệnh viện Đà Nẵng.

Vào bệnh viện… làm điếu

Dưới cái nóng gắt buổi trưa gần 40 độ, người người ra vào Bệnh viện Đà Nẵng chỉ muốn chạy thật nhanh trốn nắng. Vậy mà trong sân bệnh viện, nơi không có mái che, nhiều người đàn ông vẫn thản nhiên đốt thuốc cho thêm phần… ấm cúng!

Một người vào đây chăm bệnh cho biết, ngồi buồn thì hút thuốc chớ biết làm chi. Đặc biệt, do ở khu vực khám và điều trị hoàn toàn cấm hút thuốc nên những người có nhu cầu hút đều tranh thủ ra sân bệnh viện “làm bù”. Cũng vì thế, dù theo Khoản a, điểm 1, Điều 11 của Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, cơ sở y tế, trong đó có bệnh viện là nơi cấm hút thuốc hoàn toàn trong nhà và cả trong khuôn viên, nghĩa là cứ bước vào cánh cổng bệnh viện thì đã đặt chân vào “vùng cấm”. Vậy mà vẫn có nhiều người thích thì hút…

Quan sát khoảng 5 phút, có thể dễ dàng đếm được vài người liên tục lấy thuốc lá và bật lửa. Điều đáng nói, lực lượng nhân viên, bảo vệ của các bệnh viện hầu như không quan tâm nhắc nhở và có lẽ muốn nhắc cũng làm không xuể.

Tại căn-tin bệnh viện, người ta càng “mặc định” đó là nơi nghỉ ngơi, thư giãn nên hút thuốc là… đương nhiên. Thế nên, từng có căn-tin một bệnh viện nọ ngập tàn thuốc và mùi thuốc lá. Trước đây, sau khi báo chí lên tiếng về tình trạng này, bệnh viện trên đã “ra quân” dẹp nạn thuốc lá. Việc “quét” thuốc lá ra khỏi bệnh viện như trên chỉ diễn ra ở một nơi và một thời điểm, còn nhiều vị trí khác trong các bệnh viện nồng nặc mùi thuốc lá thì sao? Ai kiểm tra? Ai xử phạt?

Luật phòng chống tác hại của thuốc lá quy định:

Các địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn: cơ sở y tế; cơ sở giáo dục (trừ trường cao đẳng, đại học, học viện); cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao.

Các địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà: nơi làm việc; trường cao đẳng, đại học, học viện; địa điểm công cộng, phương tiện giao thông công cộng bị cấm hút thuốc lá hoàn toàn bao gồm ô-tô, tàu bay, tàu điện.

Theo đó, cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm; bỏ tàn, mẩu thuốc lá không đúng nơi quy định khi hút thuốc lá tại những địa điểm được phép hút thuốc lá.

Phạt tiền từ 3 triệu - 5 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:  không bố trí treo biển có chữ hoặc biểu tượng “cấm hút thuốc lá” tại địa điểm cấm hút thuốc lá; để xảy ra hành vi hút thuốc lá tại địa điểm công cộng cấm hút thuốc lá do mình quản lý, điều hành...

Bài và ảnh: TOÀN VÂN

.