Chính trị - Xã hội

Bỏ "bảo đảm tín chấp" trong Bộ luật Dân sự sửa đổi

08:15, 26/06/2015 (GMT+7)

Ngày 25-6, tại Đà Nẵng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng Hiệp hội Ngân hàng, Bộ Tư pháp và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) phối hợp tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong Bộ luật Dân sự (BLDS) sửa đổi.

Phát biểu tại hội thảo, ông Hồ Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết, các biện pháp bảo đảm trong BLDS 2005 hiện hành có nhiều hạn chế, bất cập, ảnh hưởng đến tính an toàn pháp lý của các giao dịch.

Chẳng hạn, chưa bảo đảm được tính an toàn pháp lý cho các bên, thiếu cơ chế xử lý nợ một cách nhanh chóng, phụ thuộc nhiều vào ý chí và thiện chí của người có tài sản dù hợp đồng đã nêu rõ nghĩa vụ các bên; chưa giải quyết triệt để quyền lợi của các bên liên quan đến việc xử lý tài sản… Vì vậy, ban soạn thảo đã đưa ra giải pháp khắc phục, trong đó dự thảo đã bỏ hẳn biện pháp “bảo đảm tín chấp” và bổ sung hai biện pháp mới là “cầm giữ tài sản” và “bảo lưu quyền sở hữu”.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp cho rằng, việc sửa đổi BLDS năm 2005 là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay để khẳng định vị trí chủ đạo trong hệ thống luật, cung cấp các nguyên tắc để xác định hiệu lực chi phối các quy tắc BLDS đối với các luật chuyên ngành. Trên tinh thần hoàn thiện này, cần tham khảo kinh nghiệm của các nước tiên tiến để vận dụng phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam.

Cũng tại hội thảo, TS.Trần Thị Hồng Hạnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, nội dung hội thảo liên quan trực tiếp đến hoạt động ngân hàng. Thời gian qua đã có nhiều ý kiến bàn về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.

Vấn đề quan trọng làm sao để các biện pháp bảo đảm phải đảm bảo an toàn cho hoạt động ngân hàng, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và thông lệ quốc tế.
Hội thảo cũng ghi nhận những ý kiến của các đại biểu và ý kiến chia sẻ kinh nghiệm về giao dịch bảo đảm của chuyên gia IFC để Ban tổ chức tổng hợp, báo cáo về Ban soạn thảo.

TRỌNG HÙNG


 

.