.

"Bóng hồng" gác chắn

.

Nhận ca làm, đồng nghĩa với việc có mặt từ 12 giờ kéo dài đến 24 giờ ở trạm gác chắn để thực hiện nhiệm vụ.

Một nữ gác chắn miệt mài làm nhiệm vụ không kể ngày đêm.
Một nữ gác chắn miệt mài làm nhiệm vụ không kể ngày đêm.

Dẫu ngày mưa hay nắng hoặc lễ, Tết, họ vẫn thường trực ở trạm gác chắn đón những chuyến tàu ngược xuôi. Một công việc bình dị là gác cho những chuyến tàu an toàn nhưng ít ai biết ẩn sau đó là bao trách nhiệm lớn lao. Không ít “bóng hồng” chọn công việc gác chắn và gắn bó với nghề như một cái duyên.

Để tìm hiểu nỗi vất vả của những “bóng hồng” làm gác chắn, chúng tôi tìm đến một số đường ngang dân sinh. Tại trạm gác chắn Nguyễn Sinh Sắc (quận Liên Chiểu), chuông điện thoại vừa đổ, chị Trần Thị Cảnh (30 tuổi, nhân viên gác chắn) cầm máy nghe và nhận thông tin tàu E1 chuẩn bị tới. Ngay lập tức, chị và đồng nghiệp ra kéo đóng hai barrier. Tiếng chuông reo thông báo có tàu qua đường ngang, các phương tiện xe máy, ô-tô qua lại đều dừng chờ đợi. Tàu E1 vừa đến, chị đưa cờ vàng lên đón tàu qua. Đợi tàu qua an toàn, chị và đồng nghiệp lại nhanh nhẹn kéo mở hai barrier để giao thông qua lại.

Phút rảnh rỗi, chị tâm sự với chúng tôi: “Mình đã gắn bó với nghề được 7 năm. Trước đây, cha mẹ làm nghề gác chắn nên lớn lên mình xin vào làm ở đây luôn. Nghề ni cực lắm, chỉ có những người trong ngành mới hiểu thôi, người ngoài nhìn vào cứ nghĩ chúng tôi chỉ việc kéo chắn, nhưng thực ra công việc không đơn giản như vậy”.  Nói đoạn, có chuông điện thoại reo, chị nhấc máy rồi báo chuyển. Chuông báo đổ, chị cùng đồng nghiệp tất tả rời trạm ra đường làm nhiệm vụ.

Không giống những lao động ngành nghề khác, nhân viên gác chắn đường ngang phải làm việc theo ban, mỗi ban kéo dài 12 tiếng đồng hồ, có những ban phải trực 24 tiếng. Nghề gác chắn khi đã lên ban, nhân viên không được rời trạm. Công việc của những “bóng hồng” gác chắn mỗi ngày vẫn đều đặn là nghe điện thoại trực ban, báo chuyển, ghi chép cẩn thận giờ tàu đến và canh giờ kéo barrier để bảo đảm đoàn tàu vượt qua không có chướng ngại nào. Nghe đơn giản là vậy, nhưng đằng sau đó là bao nhọc nhằn đòi hỏi sự nỗ lực làm việc không biết mệt mỏi và trách nhiệm đè nặng lên đôi vai của những người gác chắn. Bởi hằng ngày, họ phải bảo đảm an toàn cho hàng nghìn người.

“Nghề này đặc thù lắm, nhân viên phải tập trung cao độ và phải có tinh thần trách nhiệm cao vì chỉ một phút lơ là có thể gây nguy hiểm tính mạng của rất nhiều người”, chị Cảnh chia sẻ. Theo như lời chị Cảnh, những người phụ nữ theo nghề phải chấp nhận hy sinh một phần cuộc sống vì công việc, họ hầu như ít có thời gian chăm lo gia đình và chăm sóc bản thân. Khi lên ban, mọi sinh hoạt đều tại chỗ.

Đồng nghiệp chị Cảnh là chị Nguyễn Thị Kim Ngân (26 tuổi), sau thời gian nghỉ thai sản 6 tháng cũng trở lại công việc bình thường. “Nghề này làm việc cả năm, có biết lễ, Tết gì đâu. Cả đêm cũng phải trực, mỗi đêm có khoảng 25-30 chuyến tàu qua nên hầu như đêm nào cũng thức trắng”, chị Ngân bộc bạch.

Tuy nhiên, theo chị Ngân, do yêu nghề nên dẫu nắng, mưa, thức đêm và cả những nỗi buồn với những ngày lễ, Tết phải túc trực với công việc nhưng những người gác chắn như chị vẫn luôn gắn bó với nghề. “Những ngày mới vào làm nghề thấy buồn thật; thấy mình như bị “giam” ở một góc nhỏ, bí bách. Nhưng qua thời gian, mọi thứ trở nên bình thường. Và những người làm gác chắn như mình chỉ biết một điều là phải có tinh thần trách nhiệm cao nhất để bảo đảm an toàn cho những chuyến tàu, bảo đảm tính mạng cho từng người dân khi lưu thông qua đường sắt”, chị Ngân bộc bạch…

Nghề đặc thù là thế, những tưởng chỉ những người đàn ông có sức khỏe mới kham nổi, nhưng với những người phụ nữ, họ vẫn bám trụ và làm tốt công việc được giao. Ngày cũng như đêm, mưa cũng như nắng, hơn 20 “bóng hồng” trên cung đường sắt đi qua địa phận thành phố Đà Nẵng quanh năm bám mình với trạm chắn- làm một công việc thầm lặng mà cao cả. Mỗi chuyến tàu an toàn không chỉ chở theo niềm vui của bao hành khách trên khắp dọc dài đất nước, mà đó còn là hạnh phúc giản đơn của những nữ nhân viên đang ngày đêm canh gác chắn. Với họ, sự an toàn của hành khách trên những chuyến tàu Bắc - Nam quý giá hơn bất cứ điều gì.

NGỌC PHÚ - HỮU TRUNG

;
.
.
.
.
.