.

Cần xem xét lại những vụ án có nhiều quan điểm khác nhau (*)

.

LTS: Ngày 5-6, Quốc hội thảo luận ở hội trường báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình oan sai và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong tố tụng hình sự. Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa tham gia phát biểu ý kiến. Báo Đà Nẵng đăng bài phát biểu này.

Tôi thống nhất cao với Báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đặc biệt là 12 yêu cầu, kiến nghị rất cụ thể về tình hình oan, sai và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong tố tụng hình sự. Tôi tham gia mấy vấn đề sau đây:

1- Tình hình oan sai thuộc trách nhiệm các cơ quan tiến hành tố tụng

Trong 3 năm, các ngành tố tụng trong cả nước mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng vẫn còn làm oan 71 người. Qua báo cáo giám sát cho thấy tình trạng khởi tố, điều tra, đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án do hành vi không cấu thành tội phạm, do miễn trách nhiệm hình sự cũng có dấu hiệu làm oan người vô tội. Từ đó, cho thấy tình hình làm oan người vô tội trong tố tụng hình sự hiện nay còn nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tài sản của người dân.

Tuy nhiên, điều bức xúc nhất là tình trạng đã gây ra oan ức cho dân, nhưng việc bồi thường thiệt hại diễn ra quá chậm chạp, cầm chừng. Tâm lý người dân bị oan vốn đã rất nặng nề, nhưng dường như tâm lý của cơ quan tố tụng còn nặng nề hơn.

Việc phải thừa nhận làm sai là điều quá khó đối với các cơ quan tố tụng, vì phải qua các quy trình, thủ tục rườm rà, kéo dài thời gian. Chính tâm lý này dẫn đến việc bồi thường oan sai không kịp thời. Theo quy định của Luật Bồi thường Nhà nước, kể từ khi người bị oan có đơn yêu cầu bồi thường đến khi hòa giải, ra quyết định bồi thường tối đa là 80 ngày; nhưng qua giám sát có vụ kéo dài đến 9 năm vẫn chưa giải quyết xong, nghĩa là gấp 41 lần so với thời gian quy định.

Vậy nguyên nhân từ đâu? Trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan đã gây ra án oan nhưng chậm giải quyết bồi thường như thế nào? Đề nghị cần phân tích, làm rõ nguyên nhân, đề ra biện pháp cụ thể để xử lý. Đồng thời, Quốc hội sớm sửa đổi Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước và các luật có liên quan, bảo đảm cụ thể, rõ ràng, tạo cơ sở pháp lý vững chắc nhằm khắc phục tình trạng bồi thường án oan chậm chạp, lê thê như vừa qua.

2- Về các vụ án xử lý sai, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm

Bên cạnh việc làm oan người vô tội thì trong tố tụng hình sự, việc xử lý vụ án sai, không đúng, bỏ lọt tội phạm gây tác hại rất lớn cho xã hội, gây bức xúc trong nhân dân.

Qua giám sát, có trường hợp bị can thành lập văn phòng, công ty; sau đó huy động tiền của nhân dân hàng chục tỷ đồng nhưng sau đó tuyên bố mất khả năng chi trả. Quá trình điều tra thì khai báo quanh co, không chứng minh được đã dùng số tiền huy động của nhân dân vào việc gì. Hoặc có vụ bị can dùng hơn 22 thùng thẻ cào điện thoại giả để cầm cố, vay của một ngân hàng gần 47 tỷ đồng. Ngành Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng ngành Kiểm sát lại hủy các quyết định này với lý do: Hành vi không đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Có thể nói, cả 2 trường hợp điển hình trên đều nhằm mục đích cuối cùng là chiếm đoạt tài sản của nhân dân, tổ chức. Hậu quả mà các bị can gây ra là rất lớn cho xã hội vì số tiền bị chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng. Sau khi vụ án bị phát hiện thì các bị can cũng không khắc phục được hậu quả.

Những hành vi này trực tiếp gây ảnh hưởng rất lớn đến an ninh chính trị, trật tự xã hội và nhiều gia đình, gây hoang mang, bức xúc trong nhân dân, tạo tâm lý bất an trong xã hội, cần phải bị nghiêm trị. Nếu không xử lý triệt để những vụ này thì sẽ tạo tiền lệ xấu, nhiều người sẽ lập văn phòng, công ty để lừa đảo nhân dân, dùng hàng giả để cầm cố ngân hàng, gây nhiễu loạn xã hội. Cách xử lý này đã bỏ lọt tội phạm.

Tôi đề nghị, Quốc hội cần bổ sung vào nghị quyết nội dung: Yêu cầu các ngành tố tụng Trung ương thành lập tổ phối hợp liên ngành nhằm tập trung xem xét lại những vụ án có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, những vụ án mà các ngành Công an - Kiểm sát có quan điểm trái ngược nhau giữa có tội và không có tội; kể cả một số vụ án qua giám sát phát hiện bị oan, có đầy đủ căn cứ cần Giám đốc thẩm ngay, nhằm làm lành mạnh hóa môi trường đấu tranh phòng, chống tội phạm, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, khôi phục danh dự cho người bị oan, đem lại niềm tin cho nhân dân vào công lý của chế độ.

3- Vấn đề bồi thường do oan

Trong 3 năm, các cơ quan tố tụng hình sự phải bồi thường trên 40 tỷ đồng. Cụ thể, ngành Công an bồi thường trên 450 triệu đồng, ngành Kiểm sát bồi thường trên 11 tỷ đồng, ngành Tòa án bồi thường gần 28 tỷ đồng.

Từ những con số trên cho thấy, năng lực của một bộ phận đội ngũ cán bộ các ngành tố tụng còn yếu trong khâu điều tra, truy tố, xét xử. Đề nghị  ba ngành xem xét, kiên quyết điều chuyển những người năng lực yếu, trình độ kém, đã làm oan người vô tội ra khỏi bộ máy tố tụng. Qua đó, lựa chọn những cán bộ có năng lực, trình độ, phẩm chất tốt để thay thế vào vị trí này. Đồng thời, xử lý nghiêm khắc các điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán trực tiếp làm oan sai theo đúng quy định pháp luật.

4- Vấn đề bồi hoàn

Điều 10, Điều 56 Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước đã quy định, người thi hành công vụ có lỗi gây ra thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách Nhà nước một khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Tuy nhiên, kết quả giám sát trong lĩnh vực hình sự cho thấy qua 3 năm vẫn chưa có trường hợp nào phải bồi hoàn. Vậy vấn đề nằm ở đâu? Luật đã quy định nhưng tại sao các ngành, các cấp không thực hiện? Đây là vấn đề rất lớn, cần phải được xem xét nghiêm túc để trả lời cho cử tri.

Qua giám sát cho thấy, do chưa có cơ quan có thẩm quyền nào ra quyết định buộc người thi hành công vụ gây oan sai phải có trách nhiệm bồi hoàn nên người gây ra oan sai “thoát” nghĩa vụ này. Song báo cáo giám sát vẫn chưa chỉ ra được vì sao cơ quan Nhà nước có thẩm quyền không xem xét, quyết định việc bồi hoàn? Tôi đề nghị Quốc hội cần làm rõ vấn đề này để đưa vào nghị quyết, nhằm tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc.


(*) Tít bài do Báo Đà Nẵng đặt.

;
.
.
.
.
.