Chính trị - Xã hội

Chất lượng ban hành văn bản là căn cứ để xem xét tín nhiệm

11:07, 22/06/2015 (GMT+7)

Sáng 22-6 Quốc hội đã thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, có hiệu lực từ 1-7-2016.

Chỉ có 6 trong tổng số 446 vị đại biểu tham gia biểu quyết không tán thành.
Chỉ có 6 trong tổng số 446 vị đại biểu tham gia biểu quyết không tán thành.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, nhiều ý kiến đề nghị quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền và các cá nhân khác trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Một số vị đại biểu đề nghị quy định cụ thể trách nhiệm pháp lý và chế tài xử lý các chủ thể khi có hành vi vi phạm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung quy định về trách nhiệm tại dự thảo luật theo hướng: Quốc hội, hội đồng nhân dân và cơ quan khác, người có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật chịu trách nhiệm về chất lượng văn bản do mình ban hành.

Cơ quan, người có thẩm quyền chịu trách nhiệm về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật trái Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên hoặc ban hành văn bản quy định chi tiết có nội dung ngoài phạm vi được giao quy định chi tiết.

Cũng theo luật, người đứng đầu cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm định, cơ quan trình, cơ quan thẩm tra và cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải chịu trách nhiệm về việc không hoàn thành nhiệm vụ và tùy theo mức độ mà xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và quy định khác của pháp luật có liên quan trong trường hợp dự thảo văn bản không bảo đảm về chất lượng, chậm tiến độ, không bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật được phân công thực hiện.

Đồng thời, đây cũng là một trong những căn cứ để đại biểu Quốc hội xem xét việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh.

Bên cạnh nội dung nói trên, một số vấn đề khác cũng đã được chỉnh sửa sau khi tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội.

Như, quy định văn bản quy phạm pháp luật có thể được dịch ra tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài; bản dịch chỉ có giá trị tham khảo và giao Chính phủ quy định chi tiết vấn đề này

Liên quan đến văn bản quy định chi tiết, Chủ nhiệm Phan Trung Lý cho biết, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định văn bản quy định chi tiết không được quy định thêm quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm pháp lý mới ngoài phạm vi nội dung luật giao. Văn bản từ cấp bộ trở xuống không được quy định thủ tục hành chính.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các quy định của pháp luật có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người dân, các thủ tục hành chính để người dân thực hiện là những quy định có tác động trực tiếp đến quyền, lợi ích của người dân, do đó cần phải được quy định trong các luật.

Trường hợp cần phải quy định cụ thể vấn đề này trong văn bản của Chính phủ hoặc văn bản của Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ thì luật sẽ quy định.

Quá trình hoàn thiện dự án luật, một số vị đại biểu đề nghị khi biểu quyết những vấn đề lớn của dự án, dự thảo cần cho biểu quyết từng nội dung cụ thể, chứ không nên lồng ghép nhiều nội dung để biểu quyết một lần. Có ý kiến đề nghị với một số luật cần quy định có trên 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành thì mới được thông qua.

Không bổ sung nội dung này, Ủy ban thường vụ Quốc hội giải thích, Hiến pháp đã quy định về luật, nghị quyết của Quốc hội phải được quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Còn pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải được quá nửa tổng số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành.

Theo VnEconomy

.