Chính trị - Xã hội

Cẩm Lệ và Hòa Vang hội thảo định hướng phát triển đến năm 2020

08:31, 22/06/2015 (GMT+7)

Hội thảo khoa học “Định hướng phát triển quận Cẩm Lệ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” được UBND quận Cẩm Lệ phối hợp với Trung tâm Tư vấn - Nghiên cứu phát triển miền Trung tổ chức ngày 19-6.

Chủ trì cuộc hội thảo, có Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết; TS Trần Du Lịch, Trưởng nhóm Tư vấn hợp tác phát triển vùng duyên hải miền Trung và Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ Lê Văn Sơn.

Hội thảo đã thu hút gần 20 phát biểu, báo cáo tham luận của các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học, tổ chức, doanh nghiệp trong nước về các lĩnh vực công nghiệp, giao thông đô thị, du lịch, nguồn nhân lực, nông nghiệp và tài nguyên của quận Cẩm Lệ.

Qua đó, đã phân tích, đánh giá tiềm năng, thế mạnh và thực trạng phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn quận Cẩm Lệ trong thời gian qua; tìm kiếm những ý tưởng sáng tạo, các giá trị mới có ý nghĩa hiện thực cao, giúp quận Cẩm Lệ khai thác và sử dụng hiệu quả tiềm năng, thế mạnh để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững trong thời gian đến.

Theo ông Lê Văn Sơn, trong mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020, quận Cẩm Lệ phấn đấu đạt được một số chỉ tiêu cụ thể, như: Tổng giá trị sản xuất tăng bình quân 14%-15%; giá trị sản xuất công nghiệp-xây dựng tăng bình quân 13%-14%; dịch vụ tăng 15%-16%, nông nghiệp đạt 0,5% trong cơ cấu sản xuất; giá trị xuất khẩu tăng bình quân 6,5% (đạt khoảng 9 triệu USD vào năm 2020); tổng thu ngân sách địa bàn tăng bình quân 10%-11%, giải quyết việc làm từ 1.900 đến 2.000 lao động/năm.

ĐẶNG NỞ

* Sáng 20-6, UBND huyện Hòa Vang tổ chức Hội thảo “Định hướng phát triển huyện Hòa Vang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Phùng Tấn Viết; TS. Trần Du Lịch, Trưởng nhóm Tư vấn hợp tác phát triển vùng; PGS, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang.Trần Văn Trường.

Hội thảo nghe trình bày các tham luận, ý kiến phát biểu của các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các tổ chức, doanh nghiệp về định hướng phát triển huyện Hòa Vang đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Trong đó tập trung một số vấn đề về phát triển công nghiệp nông thôn trên địa bàn huyện, định hướng phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp, phát triển sản phẩm du lịch đặc thù nhằm nâng cao tính cạnh tranh, bảo tồn các giá trị văn hóa lịch sử, xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ trong việc bảo vệ và khai thác tài nguyên trên địa bàn huyện, phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, sử dụng hiệu quả tài nguyên gắn với bảo vệ môi trường sinh thái…

Qua phân tích, thảo luận, các chuyên gia cho rằng, huyện Hòa Vang có diện tích lớn (chiếm 80% diện tích của thành phố) nhưng dân số lại ít (chỉ chiếm 12,4% dân số). Lợi thế phát triển của huyện là những lợi thế “sinh ra” trên quan điểm hội nhập, cho hội nhập và nhờ hội nhập.

Những lợi thế này phải gắn với tương lai phát triển của Đà Nẵng. Trong đó, có hai nhóm lợi thế chủ yếu là: Nhóm lợi thế gắn với quỹ đất của Hòa Vang và nhóm lợi thế gắn với sự khác biệt cấu trúc phát triển-cấu trúc kinh tế, tài nguyên du lịch, cảnh quan, đặc sắc văn hóa của huyện so với các quận đô thị, hiện đại của Đà Nẵng.

Từ đó, các chuyên gia cho rằng, huyện Hòa Vang cần chọn hướng phát triển tương lai là phải có quy hoạch đất đai cẩn thận với tầm nhìn xa và gắn với toàn cục-tổng thể Đà Nẵng; vẫn tiếp tục chức năng là huyện của một thành phố du lịch biển hiện đại. Nghĩa là với cấu trúc ngành nghề chính là nông nghiệp nhưng phải là nền nông nghiệp sạch, chất lượng cao, phải gắn với công nghệ cao; công nghiệp trên đất Hòa Vang chỉ nên là công nghiệp công nghệ cao; dựa trên các yếu tố khác biệt đặc trưng, hình thành các tọa độ du lịch liên kết với Đà Nẵng, bổ sung cho Đà Nẵng; sự phát triển của Hòa Vang phải dựa chủ yếu vào doanh nghiệp.

Đoàn Lương

.