Tháng 8-2014, người dân Đà Nẵng phải trải qua những ngày thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng do Nhà máy thủy điện (NMTĐ) Sông Bung 4 đóng cống dẫn dòng để tích nước và cả khu vực rộng lớn từ hạ du Đà Nẵng đến huyện Đại Lộc, Nam Giang, Tây Giang, Đông Giang (tỉnh Quảng Nam) đều không mưa.
Nhà máy thủy điện Sông Bung 5 chặn khô sông Bung, bất chấp văn bản đề nghị xả nước phát điện với lưu lượng tối thiểu nhằm duy trì dòng chảy trên sông Vu Gia. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho nhân dân Đà Nẵng vào tháng 8-2014. |
Thực hiện tuyến bài phản ánh tình trạng nhiễm mặn, thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng tại thời điểm đó trên Báo Đà Nẵng, tôi đã trải qua những ngày vất vả, tốn nhiều công sức.
Phản ánh qua hàng loạt bài viết
Sông Cầu Đỏ bị mặn hơn 250mg/l đã được xem là nhiễm mặn nặng. Song, từ ngày 7-8-2014, độ mặn trên sông Cầu Đỏ liên tục tăng nhanh, vượt mốc độ mặn cao nhất năm 2013 là 6.962mg/l, nhiều lần lập kỷ lục mới với mức cao nhất 11.727mg/l. Ngày 13-8-2014, Báo Đà Nẵng đăng bài viết “Thủy điện Sông Bung 4 tích nước, sông Cầu Đỏ nhiễm mặn nặng”.
Việc NMTĐ Sông Bung 4 tích nước khiến sông Cầu Đỏ tiếp tục nhiễm mặn nặng thêm và bắt đầu gây thiếu nước sinh hoạt cho người dân thành phố, nhiều nơi không có nước được phản ánh cụ thể trong bài “Nước sinh hoạt yếu, vì sao ?” (Báo Đà Nẵng, ngày 14-8-2014).
Nhờ có bài phản ánh kịp thời, một số cơ quan chức năng tham mưu lãnh đạo UBND thành phố ban hành văn bản giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở NN&PTNT, Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đà Nẵng và các đơn vị liên quan khẩn trương nghiên cứu, có biện pháp, phương án bảo đảm cấp nước sinh hoạt ổn định cho người dân.
Hai bài nói trên có thể khai thác tài liệu thông qua fax, email, điện thoại, gặp trực tiếp lãnh đạo các đơn vị chức năng và nếu cần thì chạy xe máy đến đập dâng An Trạch để ghi nhận tình hình. Đến bài viết “Thiếu nước sinh hoạt: Chờ trời mưa!” (đăng ngày 15-8-2014), tôi đã phải chạy xe máy ngược sông Vu Gia để ghi nhận sự kiện lần đầu tiên trong mùa khô, NMTĐ Đăk Mi 4 đang trả nước về lại sông Vu Gia qua cống xả sâu ở thân đập và các vấn đề khác.
Tuy nhiên, kết quả của chuyến đi này chỉ được sử dụng một phần nhỏ trong bài báo vì nhiều câu hỏi, khúc mắc chưa thể giải đáp mà thời gian nộp bài quá hạn hẹp. Đến bài viết “Khắc phục thiếu nước sinh hoạt: Giải pháp nào căn cơ?” (đăng ngày 18-8-2014), kết quả của chuyến đi ngược sông Vu Gia nói trên chỉ được sử dụng một phần để khớp nối, dẫn chứng với ý kiến của các chuyên gia.
Những câu hỏi hóc búa
Nguồn nước bổ sung từ NMTĐ Đăk Mi 4 và A Vương về sông Vu Gia chảy đi đâu hết ? Câu hỏi này thực sự hóc búa đối với tôi. Do không tìm ra được câu trả lời nên lúc đó, vì sợ sai sót, tôi chưa phản ánh việc NMTĐ Sông Bung 5 chặn khô sông Bung và lòng hồ thủy điện Sông Bung 6 “đói” nước trong các bài viết nói trên. Những điều ghi chép được trong chuyến đi này chưa kịp viết thành bài thì bất ngờ từ ngày 18-8-2014, nước sông Cầu Đỏ giảm mặn đáng kể. Vậy từ đâu có nguồn nước khổng lồ bổ sung làm giảm mặn sâu cho sông Cầu Đỏ, trong khi cả khu vực Đại Lộc, Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang của tỉnh Quảng Nam hầu như không mưa?
Tôi lại phải chạy xe máy lên thượng nguồn sông Vu Gia tìm câu trả lời. Suốt đoạn từ cánh đồng Chàm (xã Đại Sơn, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) ven sông Cái đến khu vực hội lưu với sông Bung, dòng chảy vẫn thu hẹp chỉ còn một nửa so với lòng sông. Ở cầu Thạnh Mỹ (huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam), dù NMTĐ Đăk Mi 4 đang vận hành trả nước liên tục về sông Cái (Đăk Mi) với lưu lượng 20m3/s, nhưng dòng nước qua cầu chỉ chiếm một nửa lòng sông, gần như không chảy, đặc quánh màu phù sa. Ngược lên thượng nguồn sông Bung, NMTĐ Sông Bung 5 vẫn đang chặn khô dòng sông Bung.
Cách đó 2km về phía hạ lưu, NMTĐ Sông Bung 6 cũng đang “đói” nước vì NMTĐ Sông Bung 5 chưa xả nước phát điện. Nhưng chuyến đi này giúp tôi quan sát và vỡ lẽ ra nhiều điều bởi tôi có nhiều thời gian hơn để hỏi người dân về biến động mực nước sông, thời gian vận hành của hai công trình thủy điện loại công trình sau đập này. Qua đó, mới khẳng định rằng, cùng với NMTĐ Đăk Mi 4 chuyển nước hoàn toàn từ sông Đăk Mi sang sông Thu Bồn để phát điện và NMTĐ Sông Bung 4 tích nước, các NMTĐ bậc thang ở cuối dòng sông Bung là tác nhân gây suy kiệt nguồn nước sông Vu Gia khiến người dân Đà Nẵng thiếu nước sinh hoạt.
Còn đối với câu hỏi thứ hai, câu trả lời thật bất ngờ với khám phá từ dòng sông Côn, dòng sông ít được chú ý bởi có lưu vực nhỏ. Trong khi sông Vu Gia, ở thượng lưu kiệt nước thì khu vực hội lưu với sông Côn, dòng chảy khá mạnh và tràn trề nhờ bổ sung nước ồ ạt từ sông Côn. Qua số liệu lượng mưa, thủy văn thu thập được, hóa ra, từ ngày 18-8-2014, sông Cầu Đỏ bắt đầu giảm mặn sâu nhờ mưa to ở vùng rừng núi phía Tây tỉnh Thừa Thiên - Huế (A Lưới, Nam Đông) chảy theo các nhánh sông, suối đổ về sông Côn. Vậy là Đà Nẵng được cứu khỏi cơn đại hạn lịch sử nhờ sông Côn, một phát hiện khiến tôi không khỏi vui mừng.
Những dữ kiện này tôi đã sử dụng trong hai bài viết đăng trên báo trong tháng 9-2014 cùng với việc làm rõ bất cập của Quy trình vận hành liên hồ chứa NMTĐ A Vương, Đăk Mi 4 và Sông Tranh 2 trong mùa lũ được Chính phủ phê duyệt trong năm 2014 không hề đề cập đến tình huống khô hạn, thiếu nước ngay đầu mùa lũ và cuối mùa lũ, làm sông Cầu Đỏ nhiễm mặn nặng liên tục suốt tháng 9.
Sau khi báo đăng tải, Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị UBND thành phố tiếp tục ban hành văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Công thương đề nghị làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Trung tâm điều độ điện quốc gia có giải pháp điều tiết, vận hành các NMTĐ theo hướng ổn định nguồn nước cấp cho Nhà máy nước Cầu Đỏ và Sân bay sản xuất nước sinh hoạt cho người dân thành phố sử dụng ổn định.
HOÀNG HIỆP