Có thể nói, chưa bao giờ báo chí nước ta phát triển mạnh và phong phú như hiện nay. Nếu xét về thể loại báo chí, nước ta có đủ 4 loại hình gồm: báo in, báo nói, báo hình và báo điện tử.
Tính đến nay, cả nước có 845 cơ quan báo chí với 1.118 ấn phẩm, 1 hãng thông tấn quốc gia, 67 đài phát thanh - truyền hình, số lượng các kênh chương trình PTTH quảng bá là 179 kênh, số lượng đơn vị cung cấp truyền hình cáp là 33 đơn vị, 98 cơ quan báo chí điện tử và 1.525 trang thông tin điện tử tổng hợp; 420 mạng xã hội được phép hoạt động với lượng truy cập rất cao, ảnh hưởng ngày càng lớn về thông tin. Với số lượng cơ quan báo chí nhiều và đa dạng về loại hình đã đáp ứng được nhu cầu thông tin.
Cùng với báo chí trong nước, sự bùng nổ của mạng Internet đã làm cho người dân có thể tiếp cận một cách dễ dàng với báo chí, các kênh thông tin nước ngoài. Người dân có nhiều thông tin hơn và ngày càng có nhu cầu biết nhiều thông tin, biết các loại thông tin đa dạng hơn.
Với sự bùng nổ của thông tin nhiều chiều, nhiều hướng, làm thế nào vẫn giữ vững được tôn chỉ, mục đích, định hướng của Đảng trong hoạt động báo chí. Đặc biệt là đối với báo Đảng địa phương trước sự bùng nổ của thông tin, sự cạnh tranh gay gắt về báo chí liệu có gặp khó khăn, trở ngại gì trong công tác tuyên truyền, trong phát hành, quảng bá…
Trước nhất, có thể khẳng định, bên cạnh những kết quả, những nỗ lực mà báo Đảng địa phương đạt được vẫn còn đó những trăn trở không ít đối với những người làm báo Đảng. Khó khăn nhất hiện nay vẫn là vấn đề phát hành. Nhiều tỉnh, thành phố tỷ lệ phát hành báo Đảng địa phương trên tổng số tổ chức cơ sở Đảng, tổng số dân trên địa bàn còn thấp.
Phải thừa nhận rằng, quán triệt tinh thần Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị ngày 28-12-1996 “Về mua và đọc báo , tạp chí của Đảng”, các cấp ủy và Ban Tuyên giáo các địa phương đã thường xuyên tổ chức tuyên truyền vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân đọc báo Đảng, thế nhưng xem ra còn có không ít những hạn chế, yếu kém và gặp nhiều khó khăn trong quảng bá, trong phát hành.
Vậy làm thế nào để nâng số lượng phát hành của báo Đảng địa phương? Trước nhất là sự quan tâm chỉ đạo, sự vào cuộc của lãnh đạo Đảng và chính quyền địa phương về thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị. Đề cập về vấn đề này, xin lấy Báo Đà Nẵng làm ví dụ. Từ năm 2014 trở về trước, Báo Đà Nẵng chỉ phát hành 5.000 tờ/kỳ đến các cơ quan của Đảng và chính quyền, các doanh nghiệp, phần lớn còn lại là phân bổ về các chi bộ Đảng.
Được sự quan tâm của lãnh đạo thành phố, Báo Đà Nẵng hiện nay đã nâng lượng phát hành lên hơn 10.000 tờ/kỳ. Ngoài các đối tượng trên, Báo Đà Nẵng hiện nay còn phát hành đến tổ trưởng tổ dân phố và Ban công tác Mặt trận tổ dân phố. Thực tế cho thấy, bạn đọc không phải không có nhu cầu đọc báo Đảng mà làm thế nào để báo Đảng đến với bạn đọc, để duy trì số lượng báo đã phát hành mới là việc đáng bàn.
Như phần đầu đã đề cập, trước tình hình bùng nổ thông tin như hiện nay, việc cạnh tranh thông tin, ngày càng trở nên quyết liệt, trong đó báo in là bất lợi nhất. Thực tế cho thấy người đọc có thể đọc bất cứ cái gì, ở bất cứ đâu, nếu tờ báo nào thiếu thông tin, thông tin không kip thời, không đầy đủ thì khó có thể lôi cuốn được bạn đọc về phía mình. Một thông tin vừa diễn ra nếu báo Đảng không đề cập, thông tin sơ sài thì bạn đọc sẽ rìm đến kênh thông tin khác.
Thực tế báo Đảng địa phương vẫn còn có những hạn chế riêng trong công tác thông tin, nhất là thông tin những vấn đề “nóng”, những vấn đề mang tính “nhạy cảm”. Có những vấn đề “nóng” mang tính xã hội và tính “nhạy cảm” thì nhiều phóng viên tác nghiệp của báo Đảng hay đứng ngoài cuộc hoặc có thông tin chăng thì cũng không đầy đủ, chưa kịp thời, “còn chờ ý kiến chỉ đạo?!”. Chính điều này đã tạo điều kiện để các kênh thông tin khác chiếm lĩnh, gây ảnh hưởng, định hướng suy nghĩ của người đọc, và từ đó ảnh hưởng đến bạn đọc với báo, làm cho lượng báo phát hành giảm.
Khi báo Đảng phát hiện vấn đề nhưng phản ánh không đầy đủ, không xuyên suốt thì cũng không kéo được người đọc về phía mình. Vụ xây nhà trái phép ở đèo Hải Vân nhiều báo Đảng biết nhưng không đưa tin, đưa tin chưa kịp thời, hoặc thông tin không đầy đủ thì sẽ khó mà hấp dẫn được bạn đọc.
Trong khi đó, những kênh khác đã thông tin chi tiết, phản ánh vụ việc cụ thể kèm theo hình ảnh minh họa thì thu hút sự quan tâm của bạn đọc. Với việc bùng nổ thông tin như hiện nay thì những gì mà báo này không phản ánh, phản ánh chưa cụ thể, không khách quan, thiếu kịp thời thì báo khác sẽ phản ánh (thậm chí phản ánh sai sự thật) và khó mà định hướng được dư luận.
Cho nên, báo Đảng muốn tự khẳng định mình, đòi hỏi phóng viên phải vững về bản lĩnh, tính sắc sảo, am hiểu vấn đề, tinh thần trách nhiệm phải cao, bài viết phải có tính thuyết phục, có tính khoa học, khách quan, để một mặt, bảo vệ quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, mặt khác, đấu tranh có lý lẽ, có cơ sở khoa học để định hướng bạn đọc, để cạnh tranh thông tin và nâng cao vị thế của tờ báo.
Để báo Đảng đến với bạn đọc, cần phải xác định đúng đối tượng bạn đọc, phải hiểu bạn đọc cần gì và khi phát hiện ra vấn đề mà bạn đọc quan tâm thì phải có thông tin kịp thời, đáp ứng nhu cầu của bạn đọc, trở thành địa chỉ, niềm tin của họ về thu nhận thông tin.
Bao giờ báo Đảng đến được với nhiều bạn đọc, giữ được nhiều bạn đọc, là món ăn tinh thần, là kênh thông tin hằng ngày không thể thiếu được với các tầng lớp bạn đọc trong xã hội đó là trăn trở lớn nhất của những người làm báo Đảng hiện nay nói chung, Báo Đà Nẵng-Tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đà Nẵng nói riêng.
LÊ VĂN HOA