Chính trị - Xã hội
"Em bé Napalm": Hành trình tiến tới hòa bình và lòng vị tha
ĐNĐT - Hình ảnh cô bé 9 tuổi Phan Thị Kim Phúc trần truồng, gào thét chạy trốn bom napalm trên con đường ở Tây Ninh do nhiếp ảnh gia của hãng AP Nick Út chụp vào năm 1972 đã gây rúng động thế giới về sự tàn khốc của chiến tranh mà không từ ngữ nào có thể lột tả nổi.
Bà Kim Phúc - "Em bé Napalm" ngày nào |
Một số nhà quan sát thậm chí còn nhận định rằng chính sức mạnh mãnh liệt của bức ảnh đã phần nào làm cả thế giới bừng tỉnh và thúc đẩy tiến trình chấm dứt chiến tranh Việt Nam. Bức ảnh nổi tiếng này đã từng thống trị các trang nhất của các ấn phẩm báo chí vào tháng 6/1972, chỉ 7 tháng trước khi Hiệp định Paris được ký kết.
Vượt qua những đau đớn bủa vây về cả thể xác lẫn tinh thần, "Em bé Napalm" ngày nào nay đã ở tuổi 52. Bà hiện đang sống rất hạnh phúc với mái ấm bình yên cùng chồng và 2 người con trai ở ngoại ô Toronto, Canada. "Tôi vẫn nhớ như in cái ngày kinh hoàng khi chúng tôi phải chạy trốn khỏi cái chết", bà Kim Phúc, nhân vật chính trong bức ảnh chia sẻ.
Thoạt đầu, bà Phúc rất ghét bức ảnh bởi nó khiến bà cảm thấy thực sự xấu hổ, và bà đã phải trải qua một thời gian dài đối mặt với sự chú ý của dư luận khi mình là tâm điểm của bức ảnh. Khoảnh khắc sợ hãi, đau đớn về thể xác và tinh thần sau trận dội bom napalm mãi mãi là những ký ức thuộc về cá nhân theo như suy nghĩ của bà.
Trên thực tế, không ai có thể phê phán nếu như bà cố gắng trốn chạy khỏi sự chú ý của dư luận. Thế nhưng, bà đã dũng cảm chọn cách đối mặt với hiện thực theo chiều hướng tích cực.
Cuộc đấu tranh tư tưởng đầy cam go rồi cũng đi đến hồi kết khi Kim Phúc nhận ra rằng nếu nỗi đau và sự sợ hãi của bà không được ghi lại vào ngày đó, thì những tràng bom hủy diệt – cũng giống như nhiều cảnh tượng kinh hoàng khác trong thời chiến – cũng sẽ có thể trôi vào quên lãng theo dòng chảy lịch sử như một tất yếu.
Chính vì lẽ đó, bà bắt đầu nghĩ nhiều về những điều mà bức ảnh có thể đem lại, hơn là những gì nó đã lấy đi của bà. "Tôi nhận ra rằng nếu không thể thoát ra khỏi hình ảnh đau thương đó thì tôi nên sử dụng nó để chiến đấu vì mục đích hòa bình", bà Phúc nhấn mạnh khi gọi bức ảnh với cái tên đầy nhân văn: "con đường tiến tới hòa bình".
Nỗ lực vì mục đích hòa bình và nhân đạo
Giờ đây, ngoài vai trò là 1 người vợ, 1 người mẹ tốt, Kim Phúc còn là 1 cố vấn, 1 đại sứ thiện chí của Liên Hợp quốc. Hằng năm, bà thường đi vòng quanh thế giới để truyền lại nghị lực sống phi thường của mình và cũng để giúp mọi người có cái nhìn sâu sắc về bộ mặt tàn bạo của chiến tranh.
Ngoài công việc tại Liên Hợp quốc, Kim Phúc còn thành lập một tổ chức nhân đạo nhằm giúp đỡ những trẻ em chịu ảnh hưởng bởi chiến tranh, những số phận giống bà hàng chục năm trước. Tổ chức của bà chuyên đóng góp tiền để xây dựng bệnh viện, trường học và nhà cửa cho những đứa trẻ mồ côi là nạn nhân của các cuộc chiến tranh tàn khốc. Người phụ nữ giàu nghị lực này luôn nguyện sẽ gắn bó với sứ mệnh cao đẹp này đến suốt cuộc đời mình.
“Cô bé nhỏ đáng thương trong bức ảnh đó không còn chạy nữa mà cô ấy đang bay cao", bà Kim Phúc chia sẻ. Chính bức ảnh đã thúc giục bà làm việc, cống hiến nhiều hơn cho hòa bình.
"Một bé gái trần truồng đang chạy"
Năm 1972, Phúc sống cùng với gia đình trong một ngôi chùa ở Trảng Bàng, Tây Ninh. Vào cái ngày định mệnh 8-6, họ nghe thấy tiếng máy bay gầm rú trên bầu trời, cả gia đình Phúc đã lao ra ngoài vì sợ những tràng bom dội xuống. Vừa lao ra, những trận bom mang theo napalm, chất gây cháy dính vào da thịt nạn nhân, liên tục trút xuống làm nổ tung toàn bộ ngôi chùa.
Không lâu sau đó, nhiếp ảnh gia Nick Út đã chụp lại "bức ảnh của cuộc đời mình". Tuy lúc đó mới 21 tuổi nhưng Nick Út là nhiếp ảnh gia chiến tranh dày kinh nghiệm.
"Nhìn qua làn khói đen, tôi thấy một bé gái trần truồng đang chạy", nhiếp ảnh gia chia sẻ. Ngay lúc đó, anh đã nhanh tay ghi lại khoảnh khắc Kim Phúc cùng những đứa trẻ khác đang chạy nhanh về phía mình.
Khi Phúc đến gần, Nick Út nhìn thấy từng mảng da trên người cô bé rớt xuống. Cô bé phải xé toạc bộ quần áo đang bốc cháy trên cơ thể mình để tránh bị cháy xém. Bom napalm đã đốt cháy phần cổ, lưng và cánh tay trái của cô bé tội nghiệp.
"Tôi thốt lên: Ôi Chúa ơi, tôi không thể tin được cô bé lại bị bỏng nặng đến như vậy. Tôi đặt máy ảnh xuống và cố gắng giúp đỡ cô bé", Nick Út nhớ lại.
Sau đó, anh đã nhanh chóng dội nước lên vết thương của cô bé và trùm một chiếc áo khoác lên người cô. Anh nhanh chóng đưa cô bé và những đứa trẻ khác đến bệnh viện.
"Ngồi trên xe, cô bé liên tục hét lên "Tôi chết mất. Tôi chết mất". Tôi nhìn cô bé không rời và trấn an rằng "chúng ta sẽ đến bệnh viện sớm thôi", Nick Út nói.
Bài học về lòng vị tha
Phúc đã phải nằm viện hơn một năm và trải qua rất nhiều cuộc phẫu thuật cấy ghép da. Gia đình cô từng sợ rằng cô sẽ không bao giờ sống sót nổi.
Cuối cùng, vết thương của cô đã phục hồi, nhưng cô vẫn chưa tìm thấy được sự thanh bình trong tâm trí mình. Có những lúc, cô bé muốn chạy trốn khỏi thực tại và thậm chí muốn biến mất trên cõi đời này. Đối với cô, cái chết có thể là cách tốt nhất giúp cô thoát khỏi những đớn đau về tinh thần lẫn thể xác như lúc bấy giờ.
Cô đã cầu nguyện để được giúp đỡ, cô muốn có một gia đình và những đứa con như bao người phụ nữ bình thường khác. “Từ lúc này, tôi bắt đầu học cách tha thứ”, bà Phúc nói.
Kim Phúc luôn tâm niệm rằng chính tình thương yêu và sự tha thứ còn mạnh mẽ hơn sức tàn phá của bom napalm. Cho dù chuyện gì đã xảy ra, bà vẫn luôn mong muốn có cơ hội để sống tiếp, sống một cách khỏe mạnh để giúp đỡ những người khác.
Anh Thư - Mai Dung (theo CNN)