Chính trị - Xã hội

Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực hàng hải

08:11, 23/06/2015 (GMT+7)

Sáng 22-6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Thân Đức Nam, Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị Đà Nẵng đã tham gia phát biểu ý kiến.

Theo ĐB Thân Đức Nam, ngành hàng hải có thể chia thành một số lĩnh vực như: vận tải biển, khai thác cảng, dịch vụ hàng hải, đóng mới, sửa chữa tàu... Tuy nhiên, Bộ luật Hàng hải 2005 chỉ quy định chủ yếu về vận tải biển như tàu biển, thuyền viên, bắt giữ tàu biển, an toàn hàng hải, cảng biển, hợp đồng vận chuyển, thuê tàu, bảo hiểm, đại lý tàu biển, môi giới hàng hải, hoa tiêu, lai dắt tàu biển, cứu hộ hàng hải, trục vớt tài sản chìm đắm, giải quyết tranh chấp hàng hải... Còn các lĩnh vực khác liên quan thì chưa quy định hoặc quy định chưa đầy đủ.

Bộ luật quốc tế về an ninh tàu và cảng biển (Bộ luật ISPS) chỉ quy định về an ninh tàu và cảng biển nhằm phát hiện, đánh giá mối đe dọa an ninh và có biện pháp ngăn ngừa đối với sự cố an ninh ảnh hưởng đến tàu, bến cảng được sử dụng trong quốc tế, nhưng chưa có quy định cụ thể về an ninh hàng hải nói chung. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, tình hình an ninh Biển Đông diễn biến phức tạp, các quốc gia liên quan tăng cường và chú trọng an ninh hàng hải.

Do đó, để có cơ sở phát triển vững chắc kinh tế biển, đóng góp vai trò to lớn về an ninh hàng hải trong khu vực, ĐB Thân Đức Nam kiến nghị xây dựng 3 chương riêng quy định về an ninh hàng hải; hợp tác quốc tế về hàng hải; bổ sung quy định để hỗ trợ công tác nghiên cứu thị trường, hội nhập quốc tế, xúc tiến đầu tư, tạo cơ sở pháp lý để lập đại diện hàng hải tại các quốc gia phát triển về ngành hàng hải.

ĐB Thân Đức Nam tán thành việc bổ sung quy định về tàu lặn, kho chứa nổi, giàn di động vào phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Hàng hải. Đồng thời, ĐB đề nghị nghiên cứu, bổ sung những quy định về chính sách cụ thể của Nhà nước để khuyến khích doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực hàng hải nhằm khai thác các tiềm năng của xã hội tham gia đầu tư vào lĩnh vực này.

Về cảng vụ hàng hải quy định tại Điều 144, ĐB đề nghị bổ sung chức năng, thẩm quyền của các cảng vụ đã được giao trong thời gian gần đây hoặc cần thiết để thực hiện nhiệm vụ như: tổ chức trục vớt các phương tiện bị chìm đắm gây ảnh hưởng đến luồng, lạch, ách tắc luồng, dẫn đến tình trạng đình trệ sản xuất, gây thiệt hại cho chủ hàng và các đối tượng có liên quan trong khu vực cảng biển.

PHẠM HỮU HOA

.