Chính trị - Xã hội

Gia đình - tế bào của xã hội

14:07, 26/06/2015 (GMT+7)

Gia đình là tế bào, là nền tảng của xã hội, là nơi nuôi dưỡng, giáo dục để hình thành nhân cách con người, nhân cách con người tốt hay xấu đều do sự giáo dục trong gia đình.

Tuy nhiên, trong giáo dục cần có sự kết hợp giữa gia đình - nhà trường - xã hội. Nói chuyện tại Hội nghị cán bộ Đảng ngành giáo dục vào tháng 6-1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn cán bộ Đảng trong ngành giáo dục “phải mật thiết liên hệ với gia đình học trò. Bởi vì giáo dục trong nhà trường chỉ là một phần, còn cần có sự giáo dục ngoài xã hội và trong gia đình để giúp cho việc giáo dục trong nhà trường được tốt hơn. Giáo dục trong nhà trường dù tốt mấy nhưng thiếu giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội thì kết quả cũng không hoàn toàn”.

Kế thừa di sản tư tưởng quý báu của Bác về vấn đề gia đình, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta đã khẳng định gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi thân yêu nuôi dưỡng cả đời người, là môi trường quan trọng giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách.

Với ý nghĩa đó, khi tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc, Đảng ta chủ trương giải phóng gia đình trong giải phóng dân tộc. Sau khi giành được chính quyền, với vai trò là Đảng cầm quyền, Đảng ta coi công tác gia đình là một trong những động lực để xây dựng một xã hội lành mạnh, văn minh và phát triển bền vững. Trước yêu cầu mới, ngày 9-6-2014, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị đã ký ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Nghị quyết có đoạn: “Thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, xây dựng gia đình thực sự là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa và giáo dục nếp sống cho con người.

Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu, có nền nếp, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau”. Đặc biệt, tại Khoản 3, Điều 60, Hiến pháp năm 2013 tiếp tục được nhấn mạnh và làm rõ hơn: “Nhà nước, xã hội tạo môi trường xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; xây dựng con người Việt Nam có sức khỏe, văn hóa, giàu lòng yêu nước, có tinh thần đoàn kết, ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân”.

Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng, trong phần Xây dựng văn hóa, xây dựng con người, Đảng ta tiếp tục đề ra mục tiêu: “Xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa lành mạnh trong hệ thống chính trị, trong mỗi địa phương, trong từng cộng đồng làng, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi gia đình. Thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh…”. Đây chính là sự kế thừa và phát triển đích thực tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Năm 2015, chúng ta kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam tiếp tục với chủ đề “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” gắn với chủ đề truyền thông về “Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình”. Đây là thông điệp gửi đến tất cả mọi người, nhắn nhủ mỗi gia đình phải thường xuyên ý thức trách nhiệm của mình hơn nữa để xây dựng gia đình thực sự là nơi gửi gắm tình yêu thương và niềm tin giữa các thế hệ. Mỗi người cha, người mẹ hãy là tấm gương sáng để cho các con noi theo và là chỗ dựa vững chắc cho con cháu.

NGUYỄN VĂN THANH
 

.