Chính trị - Xã hội

Không gian dọc bờ sông Hàn: Tài sản vô giá

Bài cuối: Xây dựng không gian văn hóa

07:52, 25/06/2015 (GMT+7)

Mới đây, thành phố Đà Nẵng đã quyết định biến hai bên bờ sông Hàn thành một “không gian văn hóa, vui chơi đúng nghĩa” với những kế hoạch dài hơi. Đó là tín hiệu vui cho người dân thành phố.

Sông Hàn ngày nay trở thành niềm tự hào của người Đà Nẵng.
Sông Hàn ngày nay trở thành niềm tự hào của người Đà Nẵng.

Tài sản vô giá

Tại cuộc họp về quy hoạch kiến trúc Đà Nẵng diễn ra vào cuối tháng 4 vừa qua, lãnh đạo thành phố nhìn nhận không gian hai bờ sông Hàn là tài sản vô giá của Đà Nẵng. Vì vậy, xác định sẽ quy hoạch nơi đây với thiết kế đẹp, tạo công trình để đời, biến trục hai bờ sông xứng tầm của một đô thị hiện đại nhưng bảo đảm yếu tố sinh thái. Sau này, căn cứ vào đó (quy định tầng cao, độ lùi…) để cấp phép đầu tư.

Theo đó, tổng diện tích không gian quy hoạch dọc hai bên sông Hàn - đoạn từ cầu Thuận Phước đến cầu Trần Thị Lý - là 434 hecta, bao gồm cả diện tích mặt nước, đất công cộng và đất ở của người dân, doanh nghiệp. Đáng chú ý, trong bức tranh quy hoạch chung đó, thành phố chú trọng không gian dành cho văn hóa. Toàn bộ vệt đất chạy dọc hai bên sông Hàn đoạn từ cầu Thuận Phước đến cầu Trần Thị Lý được quy hoạch để mở rộng không gian văn hóa.

Thứ nhất, quy hoạch đường Trần Hưng Đạo, đoạn từ cầu Sông Hàn đến chân cầu Thuận Phước, trở thành khu vực bắn pháo hoa và bến du thuyền.

Thứ hai, một phần khu đất Nhà máy đóng tàu Sông Thu (3,5 hecta) sẽ dành cho cây xanh và các công trình công cộng khác, trong đó có việc kéo dài tuyến đường Bạch Đằng, đoạn từ cầu Rồng lên cầu Trần Thị Lý.

Thứ ba, khu đất cảng Đà Nẵng (đoạn trước khách sạn Novotel), sẽ đầu tư một bến du thuyền và biến nơi đây thành điểm vui chơi giải trí công cộng.

Thứ tư, khu đất thu hồi từ sân tennis (Nhà Văn hóa Thanh niên) ở góc đường Bạch Đằng - Trần Phú và Quang Trung có diện tích 2.414m2  được Công ty CP Tập đoàn Mặt trời (Sun Group) tham gia nghiên cứu và đầu tư làm công viên; nơi đây có sân khấu phục vụ các hoạt động âm nhạc đường phố, văn hóa - văn nghệ, triển lãm ngoài trời.

Đầu tư các loại hình giải trí về đêm

Bên cạnh việc quy hoạch không gian hai bên bờ sông Hàn, thành phố cũng giao cho các ban, ngành xây dựng kế hoạch để nơi đây thực sự đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của người dân thành phố. Theo đó, Sở VH-TT&DL đã đề xuất thúc đẩy dịch vụ giải trí về đêm tại Đà Nẵng dựa trên nền tảng văn hóa của địa phương và theo hướng tận dụng tối đa những sản phẩm sẵn có để tạo ra những sản phẩm du lịch giải trí mới.

Nhiều ý tưởng được đưa ra như: tạo con đường nghệ thuật tại phố Bạch Đằng với các hoạt động nghệ thuật đường phố vào tối cuối tuần; các nghệ sĩ đường phố được tự do lựa chọn loại hình biểu diễn (hát, múa, nhảy, hóa trang, ảo thuật, trò chơi dân gian, hoạt cảnh…).

Kế đến là đưa nghệ thuật tuồng xuống phố, đổi mới chương trình du ngoạn sông Hàn về đêm, xây dựng phòng đọc sách và thư pháp tại Thư viện Khoa học tổng hợp (mở cửa từ 8-23 giờ), xây dựng tour cho du khách xem cầu Sông Hàn quay về đêm.

Ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, thành phố đã đồng ý chủ trương triển khai các mô hình hoạt động giải trí mà Sở VH-TT&DL đề xuất. Sắp tới, Sở sẽ phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Hội LNTN thành phố, Liên hiệp các hội văn học - nghệ thuật, Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật triển khai nghiên cứu để cho ra đời những sản phẩm giải trí, đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách mà vẫn bảo đảm sự hài hòa với đời sống sinh hoạt của người dân tại không gian đó.

Thành phố cũng vừa quyết định chọn hai tuyến đường Bạch Đằng (bờ Tây) và Trần Hưng Đạo (bờ Đông) làm hai tuyến đường kiểu mẫu về văn hóa, văn minh đô thị.

Ông Lê Anh, Chủ tịch UBND quận Hải Châu, cho biết nếu là tuyến đường kiểu mẫu thì không chỉ xây dựng về văn hóa mà còn về mỹ quan đô thị, môi trường, an ninh, trật tự xã hội… Đây là cơ hội để chính quyền quận phối hợp với các sở, ngành cùng chung tay hoàn thiện con đường đẹp nhất và trở thành con đường biểu tượng của thành phố Đà Nẵng.

Phải cân nhắc và hết sức thận trọng

Nhận định về quyết định quy hoạch hai bờ sông Hàn của thành phố, ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học - nghệ thuật thành phố, nói rằng điều đó cho thấy tầm nhìn của lãnh đạo thành phố đối với văn hóa có sự chuyển biến theo chiều hướng tốt.

Tuy nhiên, mọi động thái nhằm thể hiện sự sắp đặt hai bờ sông Hàn phải chú ý tính “tự nhiên”, không gây cản trở tầm nhìn. Chẳng hạn, trước đây, dự án tháp hải đăng gây cản trở tầm nhìn, nhưng thành phố đã tiếp thu những ý kiến phản biện và cho tạm dừng để tìm vị trí xây dựng thích hợp hơn.

“Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh rằng, người ta tìm đến không gian văn hóa là tìm kiếm sự bình an, thư giãn. Vì thế, không gian văn hóa thì phải “văn hóa”. Nếu như ở đó, người ta bị sách nhiễu, bị làm phiền, chèo kéo, bị trộm cắp… thì khó xem đó là không gian văn hóa”, ông Bùi Văn Tiếng chia sẻ.

Trong khi đó, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đình An cũng cho rằng, đã là không gian văn hóa thì phải đẹp, đầy tính nghệ thuật từ vườn tượng, đến bồn hoa, cây cỏ… Đây là không gian mở, người dân tham gia ở các cấp độ khác nhau nên phải dung hòa các loại hình giải trí khác nhau. Tất cả phải làm sao để người dân và du khách đến đây thực sự sống trong không gian văn hóa, thực sự được hưởng thụ văn hóa.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

.