Chính trị - Xã hội
Xây dựng quận Thanh Khê phát triển nhanh và bền vững
Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ X Đảng bộ quận, nhiệm kỳ 2010-2015, với quyết tâm chính trị cao của Đảng bộ, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đồng thuận của nhân dân nên các mặt công tác, các lĩnh vực đời sống xã hội chuyển biến tích cực, góp phần vào phát triển chung của thành phố.
Nút giao thông ngã ba Huế góp phần tạo điều kiện, thúc đẩy phát triển quận Thanh Khê. Ảnh: LÂM TỨ KHOA |
5 năm qua, cơ cấu kinh tế của quận Thanh Khê chuyển dịch theo đúng định hướng: Dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp; trong đó, dịch vụ chiếm 60,49%, công nghiệp chiếm 31,51%, nông nghiệp chiếm 8%. Kết cấu hạ tầng đô thị trên địa bàn ngày càng hoàn thiện đã tạo điều kiện cho các loại hình dịch vụ phát triển sôi động.
Thương mại phát triển mạnh ở các trục đường chính như Nguyễn Văn Linh, Hàm Nghi, Điện Biên Phủ, Lê Duẩn, Ông Ích Khiêm, Trần Cao Vân, Hà Huy Tập. Chủ trương thực hiện xã hội hóa các chợ, xây dựng chợ văn minh thương mại đã khai thác được công năng các chợ và hoạt động khá sôi động. 5 năm qua, thương mại - dịch vụ ở quận Thanh Khê phát triển theo hướng hiện đại, văn minh, tốc độ tăng trưởng bình quân 8,77%/năm.
Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thủ công mỹ nghệ tiếp tục được duy trì. Một số doanh nghiệp đã đầu tư, đổi mới công nghệ nên năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng lên. Thực hiện “Năm doanh nghiệp Đà Nẵng 2014” theo chủ trương của thành phố, quận đã có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.
Hoạt động khai thác hải sản được tổ chức, sắp xếp lại theo mô hình tổ, đội khai thác xa bờ, thành lập Nghiệp đoàn Nghề cá, vận động ngư dân đóng mới tàu có công suất cao vươn khơi bám biển dài ngày, tổng công suất tàu hiện nay là 29.400CV, tăng gần 13.000CV so với năm 2011.
Ngư dân được hưởng chính sách hỗ trợ giá nhiên liệu, bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm thuyền viên, đào tạo nghề, trang bị thiết bị thông tin liên lạc, vay vốn mua sắm vật tư, ngư lưới cụ tăng năng lực khai thác xa bờ.
Do diện tích đất canh tác bị thu hẹp vì tốc độ đô thị hóa nhanh, một số hộ nông dân đã liên kết thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã trồng nấm, nuôi cá, trồng cây cảnh, làm nghề mây tre… giải quyết việc làm, tăng thu nhập.
Quận đã có nhiều chủ trương, biện pháp tích cực đẩy mạnh thu ngân sách Nhà nước, nhờ vậy mức thu năm sau cao hơn năm trước, bình quân tăng 7,78%/năm, chủ động chi cho các hoạt động của quận, có tích lũy cho đầu tư phát triển và đóng góp cho ngân sách thành phố.
Hạ tầng đô thị quận Thanh Khê được chú trọng đầu tư, từng bước hoàn thiện, diện mạo của quận ngày càng thay đổi. Nhiều dự án lớn được thành phố đầu tư đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, phục vụ dân sinh như dự án khu dân cư số 2 Phần Lăng, dự án mở rộng nâng cấp đường Nguyễn Phước Nguyên (giai đoạn 3), dự án đường Hà Khê nối với đường Hà Huy Tập, dự án cải tạo bờ kè sông Phú Lộc.
Đặc biệt, thực hiện dự án nút giao thông ngã ba Huế, quận đã vận động 104 hộ dân di dời, giải tỏa, bảo đảm thi công đúng tiến độ. Trên 200 công trình xây dựng, gồm nâng cấp, sửa chữa trụ sở làm việc, trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng khu dân cư; hàng chục công trình phục vụ dân sinh như thoát nước, điện chiếu sáng ở khu dân cư.
Trong lĩnh vực quản lý đô thị, vệ sinh môi trường, Quận ủy đã ban hành Nghị quyết về “Xây dựng quận Thanh Khê - Quận môi trường giai đoạn 2010-2020” nhằm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết những bức xúc về trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, từng bước xây dựng môi trường “thoáng-xanh-sạch-đẹp”. Theo đó, các ngành chức năng, các địa phương đã có nhiều biện pháp, giải pháp thiết thực trong thực hiện, tạo chuyển biến rõ nét về trật tự đô thị, vệ sinh môi trường trên địa bàn.
Quận ủy tập trung lãnh đạo đầu tư phát triển lĩnh vực văn hóa-xã hội. Theo đó, Quận ủy đã có nhiều chủ trương mang tính đột phá nhằm tạo sự chuyển biến tích cực hơn đối với một số lĩnh vực quan trọng như Nghị quyết về “Phát triển giáo dục-đào tạo đến năm 2015”, chủ trương “3 giảm”(giảm tai nạn giao thông; tệ nạn xã hội; giảm nghèo, giảm thất nghiệp); chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, từng bước hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, phục vụ khá tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám chữa bệnh cho nhân dân; tập trung xây dựng, phát triển văn hóa, con người theo tinh thần Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.
Có thể nói, điểm nổi bật nhất của quận Thanh Khê trên lĩnh vực văn hóa-xã hội trong 5 năm qua là thực hiện khá tốt công tác an sinh xã hội, nhất là công tác giảm nghèo. Quận đã huy động trên 15 tỷ đồng (gấp 2,5 lần tổng số tiền vận động của 10 năm trước) hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà, phương tiện sinh kế làm ăn, vốn cho hộ đặc biệt nghèo, hộ nghèo, tạo điều kiện cho 4.200 hộ nghèo vươn lên thoát nghèo theo các chuẩn quy định của thành phố.
Thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và biên phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ của quận ngày càng vững chắc, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn thể chính trị-xã hội, Quận ủy tập trung công tác giáo dục chính trị tư tưởng và công tác tổ chức cán bộ, nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, phát huy vai trò trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt. Quận ủy đã ban hành Đề án về “Công tác cán bộ quận Thanh Khê đến năm 2020”, tập trung kiện toàn bộ máy, quy hoạch, đào tạo đội ngũ cán bộ trẻ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Công tác vận động, tập hợp quần chúng, công tác dân vận của Đảng, của chính quyền luôn được chú trọng, có nhiều đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, nhất là từ khi triển khai thực hiện Đề án của Quận ủy về “Đổi mới nội dung, phương thức tập hợp, vận động nhân dân trong tình hình mới”. Sự đồng thuận chính trị trong các tầng lớp nhân dân ngày càng cao, vai trò và sức mạnh của nhân dân được phát huy, đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh.
5 năm đến là chặng đường quan trọng, tuy nhiều khó khăn, thách thức nhưng với truyền thống quận Thanh Khê anh hùng, với ý chí quyết tâm, tranh thủ thời cơ, phát huy nội lực, vượt qua thách thức, cùng với sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, Đảng bộ và nhân dân quận Thanh Khê quyết tâm phấn đấu thực hiện mục tiêu 5 năm đến là: Phát triển ngành thương mại-dịch vụ trở thành lĩnh vực kinh tế mũi nhọn; tập trung đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị; xây dựng, phát triển văn hóa, văn minh đô thị; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; xây dựng Đảng bộ vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; nâng cao năng lực quản lý, hiệu quả điều hành của chính quyền. Phát huy lợi thế, phấn đấu xây dựng quận Thanh Khê phát triển nhanh và bền vững.
Định hướng một số chỉ tiêu chủ yếu (2015-2020) - Cơ cấu kinh tế dịch vụ từ 67-70%, công nghiệp từ 25-27%, nông nghiệp từ 5-8%; - Tổng mức hàng hóa, dịch vụ bán ra tăng bình quân 8-10%/năm; - Giá trị sản xuất ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng bình quân 7-8%/năm; - Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp tăng bình quân 7-8%/năm; - Thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân hằng năm 8-10%/năm; phấn đấu đến cuối năm 2020 thu đạt khoảng 560 tỷ đồng; - Tuyển gọi công dân nhập ngũ hằng năm đạt 100% chỉ tiêu và bảo đảm chất lượng chính trị; - Tỷ lệ tổ chức cơ sở Đảng đạt trong sạch vững mạnh hằng năm 50%; - Tạo việc làm có địa chỉ cho khoảng 1.200 - 1.500 lao động/năm. |
LÊ MINH TRUNG, Bí thư Quận ủy Thanh Khê