Chính trị - Xã hội
Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực hàng hải
* Cần thiết ban hành Luật Trưng cầu ý dân
Chiều 3-6, Quốc hội thảo luận ở tổ về Luật Trưng cầu ý dân (TCYD), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam (HHVN).
Về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật HHVN, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Thân Đức Nam (Đà Nẵng) tán thành việc bổ sung quy định về tàu lặn, kho chứa nổi, giàn di động vào phạm vi điều chỉnh của luật. ĐB đề nghị cần nghiên cứu bổ sung những quy định về chính sách cụ thể của Nhà nước trong việc khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực hàng hải theo hướng những việc nào không thực sự cần thiết có sự tham gia của Nhà nước thì giao cho các thành phần kinh tế khác thực hiện nhằm khai thác các tiềm năng của xã hội tham gia đầu tư vào lĩnh vực hàng hải.
ĐB tán thành bổ sung quy định về việc đóng mới, hoán cải, phục hồi, sửa chữa và phá dỡ tàu biển tại Điều 24a nhằm đưa các hoạt động này vào nền nếp và thống nhất với quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đầu tư. Tuy nhiên, ĐB đề nghị cần quy định cụ thể các điều kiện của những cơ sở này nhằm bảo đảm tính khả thi, minh bạch theo hướng vừa tạo điều kiện để phát triển đội tàu biển Việt Nam về số lượng, bảo đảm chất lượng, an toàn, vừa tránh để xảy ra tình trạng nhập khẩu phế thải vào lãnh thổ Việt Nam ảnh hưởng xấu đến môi trường, gây thiệt hại về kinh tế.
ĐB cho rằng, điều cốt lõi để cơ chế chính quyền cảng quy định tại Điều 64a, khoản 44 Điều 1 phát huy tác dụng là quy mô, phạm vi để đồng bộ hóa kế hoạch phát triển cảng biển và kết hợp sức mạnh, tiềm năng quy mô liên vùng hướng đến cạnh tranh quốc tế. Nếu không theo quy mô này, cơ chế chính quyền cảng sẽ không có tác dụng.
Theo ĐB, một số nước chỉ có một chính quyền cảng quy mô quốc gia như Thái Lan, Philippines, Myanmar…; đa số các nước có chính quyền cảng cho từng cụm gồm nhiều cảng có chung khu vực thị trường tiềm năng lân cận; nhưng không có nước nào lại tổ chức chính quyền cảng cho từng bến cảng riêng lẻ như quy định trong dự thảo luật.
Về Luật TCYD, Thượng tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn (Đà Nẵng) nhận định đây là một đạo luật rất khó. Luật này đụng chạm đến tất cả các vấn đề bức xúc của xã hội. Nếu đại biểu Quốc hội đi tiếp xúc cử tri mà người dân yêu cầu TCYD, các đoàn thể xã hội yêu cầu TCYD thì cũng phải xem xét, vì luật không cấm người dân có quyền đề nghị TCYD, mà về nguyên tắc luật không cấm thì người dân có quyền đề nghị.
ĐB đề nghị cần làm rõ sự khác nhau giữa việc lấy ý kiến nhân dân và TCYD. Nội dung nào lấy ý kiến nhân dân và nội dung nào phải TCYD hiện nay luật quy định chưa rõ. Nếu chỉ đơn thuần lấy ý kiến nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội thì chúng ta đã làm thường xuyên. ĐB cho rằng, khi có luật này rồi thì có còn lấy ý kiến nhân dân không hay chỉ TCYD hoặc phải tiến hành cả hai hình thức lấy ý kiến nhân dân và TCYD. Về kết quả TCYD, ĐB đề nghị cần làm rõ nếu TCYD không đạt kết quả thì có làm lại hay không; thời gian giữa hai lần TCYD là bao nhiêu cần quy định chặt chẽ ngay trong luật.
Trung tướng, Chính ủy Tổng cục Hậu cần Bộ Quốc phòng Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành luật này nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp mới, tạo cơ sở pháp lý cho người dân tham gia công việc của Nhà nước, trực tiếp thể hiện quyền làm chủ của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước. ĐB đề nghị những vấn đề đưa ra TCYD quy định tại Điều 7 phải có tầm quốc gia, có ảnh hưởng đến nhân dân cả nước. Còn những vấn đề mang tính địa phương hoặc khu vực thì áp dụng hình thức lấy ý kiến nhân dân.
ĐB cho rằng, chủ thể có quyền đề nghị TCYD càng được mở rộng thì dân chủ càng được mở rộng, chất lượng sẽ được nâng lên. Do đó, ĐB thống nhất phương án 2, quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam hoặc ít hơn 1/3 tổng số đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị TCYD.
Về kết quả TCYD, ĐB đồng tình cuộc TCYD hợp lệ khi được quá nửa tổng số cử tri có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu; trường hợp TCYD về Hiến pháp được coi là hợp lệ khi có 2/3 tổng số cử tri có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu. ĐB đề nghị luật quy định theo hướng phương án TCYD được quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành, riêng đối với Hiến pháp thì được quá 2/3a số phiếu hợp lệ tán thành thì được công bố để thi hành.
PHẠM HỮU HOA