Là vị Bộ trưởng đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội, sáng 11-6, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát tập trung trả lời về các vấn đề: tình hình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; những tồn tại, hạn chế và giải pháp khắc phục trong thời gian tới; thực trạng “liên kết 4 nhà” và giải pháp ổn định đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp; giải pháp tiêu thụ sản phẩm và quy hoạch, kế hoạch phát triển bền vững cây công nghiệp ở Việt Nam hiện nay; giải pháp hỗ trợ ngư dân khai thác nguồn lợi thủy sản, bảo vệ và phát triển ngư trường.
Phải giải quyết vấn đề căn cơ
Về vấn đề liên kết 4 Nhà, các đại biểu cho rằng cần xác định nhà nào là trụ cột, là nhạc trưởng và sự kết hợp nhịp nhàng giữa 4 Nhà như thế nào. Bộ nào liên quan mà thời gian qua cần nhìn nhận điều gì chưa làm được, rút kinh nghiệm để triển khai cho công tác sau.
Bộ trưởng Cao Đức Phát nói DN đóng vai trò chủ đạo là trên góc độ vĩ mô, còn thực tế chưa sát. Quan trọng nhất vẫn là làm sao hỗ trợ nông dân, đưa KH-CN vào để nâng cao năng suất xuất và chất lượng, sau đó mới là chế biến, bảo quản, phân phối. Chính phủ phải có chính sách đồng bộ để nâng sức cạnh tranh của nông nghiệp.
Bộ trưởng trả lời đầy nhiệt huyết và thể hiện quyết tâm của mình, nhưng quan trọng là giải quyết vấn đề căn cơ. Việt Nam duy trì một nền nông nghiệp, đất nước đi lên từ tự cấp tự túc giải quyết
cái nghèo đói sang thị trường và cứ thế ta phát triển mà quên rằng phải tận dụng lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới có ưu thế để tham gia thị trường. Nông nghiệp Việt Nam bán cái mình có chứ không phải bán cái thị trường cần, giá trị cao. Đây là bài toán cần giải quyết.
Chưa rõ trách nhiệm của Bộ trưởng
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP. Hồ Chí Minh): “Thế giới có nhiều giống cây, con được kiểm nghiệm trong thực tiễn sản xuất mình có thể đưa về áp dụng vì sao không về được? Vì sao người nông dân cứ phải loay hoay tìm giống này sang giống khác một cách tự phát. Như vậy đó là trách nhiệm của chúng ta, trong đó có trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn”.
Đại biểu cho rằng Bộ trưởng nói về trách nhiệm của mình chưa rõ: “Tôi muốn Bộ trưởng xác định trách nhiệm của mình trong tất cả những vấn đề đó. Cách mà Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm như thế nào trước việc đó để nền nông nghiệp phát triển trong thời gian tới, để chúng ta không lặp lại cái vòng luẩn quẩn là cứ chất vấn, cứ nhận trách nhiệm nhưng cuối cùng không giải quyết được vấn đề, không phát triển được”.
Cũng theo đại biểu, trách nhiệm ở đây không phải để kỷ luật hay thế này thế khác, vấn đề mình đã khẳng định trách nhiệm rồi thì sẽ giải quyết vấn đề đó bằng những giải pháp cụ thể, bảo đảm nền nông nghiệp phát triển bền vững. Nếu có giải pháp tốt, chúng ta sẽ phát triển nông nghiệp bền vững, mà còn lồng vào đó một nhân tố nhân văn, đó là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước với chất lượng sống của nông dân.
Chiều 11-6, Bộ trưởng Cao Đức Phát tiếp tục trả lời các câu hỏi của đại biểu Quốc hội.
Quan tâm cung cấp sạch cho người dân
Trước băn khoăn của đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) về nguồn thực phẩm cung cấp ra thị trường còn tình trạng bị ô nhiễm, gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định đây chính là mối quan tâm đặc biệt của ngành.
Bộ trưởng cho biết, để giám sát tình hình, Bộ đã ban hành 36 thông tư, 9 quy chuẩn, 20 tiêu chuẩn và 1 chỉ thị để tạo khung pháp lý cho vấn đề bày. Qua giám sát đối với sản phẩm thịt, phát hiện 6,8 % là có nhiễm kháng sinh vượt mức cho phép; thủy sản là 1,24%; rau 5,4%...
Tuy nhiên, Bộ trưởng nhìn nhận người dân hay nghe đến một số sự cố mất an toàn nên có tâm lý cho rằng nông sản thiếu an toàn, nhưng điều đó là hoàn toàn không chính xác vì Việt Nam xuất khẩu nông sản đến hơn 150 nước, trong đó có những thị trường có yêu cầu nghiêm ngặt như Mỹ, Nhật…
Cử tri và đại biểu Quốc hội quan tâm đặc biệt tới vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn
Phát biểu kết luận phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Cao Đức Phát, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định Đảng và Nhà nước có chủ trương nhất quán coi trọng và phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đây là vấn đề chiến lược trong lịch sử và cả tương lai. Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã nhận được 38 lượt đại biểu chất vấn và chất vấn lại với gần 60 câu hỏi đã thể hiện mối quan tâm đặc biệt của đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước về vấn đề này.
Các câu hỏi đã trúng lĩnh vực, đặt ra những vấn đề tồn tại và nhìn tới chiến lược phát triển ngành trong thời gian tới. Chủ tịch Quốc hội đánh giá Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là nhà chính sách vĩ mô nhưng cũng là chuyên gia sâu sắc, am hiểu về lĩnh vực ngành quản lý. Bộ trưởng đã nhận trách nhiệm về những yếu kém và đưa ra được những giải pháp và quyết tâm thực hiện giải pháp. Đó chính là điều người dân mong đợi.
Chủ tịch Quốc hội đã nhắc lại các vấn đề lớn đặt ra đối với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn qua phiên chất vấn. Đó là tái cơ cấu ngành nông nghiệp; đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới; nâng cao chất lượng “liên kết 4 nhà”; giải pháp ổn định đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp; giải pháp tiêu thụ sản phẩm và quy hoạch; hỗ trợ ngư dân khai thác nguồn lợi thủy sản, bảo vệ và phát triển ngư trường…
● Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương - Vũ Huy Hoàng chiều 11-6, Đại biểu QH cho rằng, giá các mặt hàng điện và xăng dầu là nhiên liệu đầu vào thời gian qua tăng cao làm tăng giá thành sản xuất, trong khi đầu ra tiêu thụ sản phẩm hạn chế khiến doanh nghiệp và người dân gặp nhiều khó khăn. Bộ trưởng cho rằng, điện và xăng dầu là 2 loại hàng hóa đặc biệt liên quan mật thiết đến toàn bộ đời sống xã hội, ảnh hưởng đến doanh nghiệp và đến mọi người dân.
Do nhất quán chủ trương thực hiện cơ chế giá thị trường, riêng đối với 2 mặt hàng này có thêm sự quản lý của nhà nước. Vì thế nên trong thời gian qua, khi cần phải điều chỉnh giá, nhất là giá điện, với trách nhiệm được giao làm nhiệm vụ chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính làm nhiệm vụ tham mưu cho Chính phủ trong điều hành giá điện, Bộ Công thương rất băn khoăn vì biết rằng tác động của giá điện nên trong tính toán điều chỉnh giá đã phải hết sức cẩn trọng để làm sao vừa đáp ứng yêu cầu điều chỉnh giá đúng theo lộ trình giá thị trường, không bù giá nhưng cũng giảm thiểu ít nhất ảnh hưởng đến người dân, nhất là người dân nghèo, người thu nhập thấp.
Đại biểu QH băn khoăn với giá điện vận hành không theo cơ chế thị trường, tính độc quyền còn cao, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng cho biết, mặt hàng điện đến nay đã bắt đầu có giá bán cao hơn giá thành nhưng vẫn chưa theo giá thị trường vì vẫn phải bảo đảm yếu tố xã hội.
Theo lộ trình đến năm 2016 sẽ hoàn chỉnh cơ chế bán điện theo cơ chế giá thị trường. Giá bán lẻ điện cạnh tranh cần có lộ trình nhưng ngay từ năm 2012 đã thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh, từ 2016 thực hiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh và từ 2021 sẽ bán lẻ điện cạnh tranh để các nhà sản xuất tự bán điện cho người tiêu dùng có nhiều lựa chọn.
Đối với việc điều hành giá xăng dầu hiện nay được thực hiện theo quy định của Nghị định 83 của Chính phủ. Mặc dù còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng đến thời điểm hiện nay, việc nhập khẩu và kinh doanh và điều hành giá xăng dầu đã từng bước theo lộ trình cơ chế thị trường. Theo quy định của Nghị định 83, giá sản phẩm xăng dầu thế giới trong vòng 15 ngày nếu có sự thay đổi theo chiều hướng tăng hay giảm thì đến ngày thứ 16, Bộ Công thương cũng sẽ điều chỉnh tăng giảm cho phù hợp.
Bộ Công thương nhận trách nhiệm về việc này và xác nhận đúng là giá điện, xăng dầu đã và đang tác động lớn đến đời sống kinh tế xã hội. Xác định được điều này, Bộ Công thương cam kết sẽ làm hết trách nhiệm của mình trong việc việc điều hành giá mặt hàng này chuẩn xác nhất phục vụ tốt nhất cho đời sống của người dân, trong đó tập trung đến chú ý đến các hộ nghèo.
B.T (theo TTXVN)