Chính trị - Xã hội

LẮNG NGHE DÂN NÓI

Quy trình đi tắt

08:20, 18/06/2015 (GMT+7)

Không họp dân, không bàn bạc với dân, người dân còn giữ sổ đỏ mà đất vẫn bị thu hồi, san lấp mặt bằng và giao cho hộ tái định cư (TĐC) khác làm nhà ở.

Người dân chưa nhận được quyết định thu hồi sổ đỏ nhưng đất của họ đã cấp cho hộ tái định cư khác xây nhà (ảnh lớn). Các hộ dân vẫn lưu giữ sổ đỏ do UBND huyện Hòa Vang cấp (ảnh nhỏ).
Người dân chưa nhận được quyết định thu hồi sổ đỏ nhưng đất của họ đã cấp cho hộ tái định cư khác xây nhà (ảnh lớn). Các hộ dân vẫn lưu giữ sổ đỏ do UBND huyện Hòa Vang cấp (ảnh nhỏ).

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hòa Châu (huyện Hòa Vang) vừa ghi nhận ý kiến của 13 hộ dân ở thôn Bàu Cầu, Cẩm Nam có đất nằm trong vùng giải tỏa để thi công khu TĐC khu A Nam cầu Cẩm Lệ. Quy trình triển khai dự án đi tắt, thiếu công khai không bàn bạc dân chủ gây bức xúc cho người dân nhưng trong vụ việc này đòi hỏi quyền lợi của người dân cũng có vấn đề.

Làm ngược quy trình

Theo ghi nhận của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hòa Châu: Năm 2004, UBND huyện Hòa Vang quy hoạch khu dân cư tại thôn Bàu Cầu, Cẩm Nam và giao cho UBND xã Hòa Châu phân lô bố trí (có thu tiền sử dụng đất) cho hộ dân có nhu cầu và được UBND huyện cấp chứng nhận quyền sử dụng đất ở. Năm 2005, diện tích đất này nằm trong quy hoạch dự án khu TĐC khu A Nam cầu Cẩm Lệ.

Theo phản ánh của các hộ dân, họ không được họp dân thông báo về dự án, không được bàn bạc phương án giải tỏa, đền bù, bố trí TĐC và cũng không nhận được quyết định thu hồi đất, thu hồi sổ đỏ. Năm 2008, người dân rất bức xúc khi thấy đơn vị thi công tiến hành đổ đất san lấp mặt bằng trên đất họ đang sở hữu nên phản ứng bằng cách chặn xe đổ đất. Đến lần thứ 3 thì lãnh đạo xã tới tận nơi vận động không ngăn cản việc đổ đất để dự án kịp tiến độ. Lãnh đạo xã hứa sẽ kiến nghị cấp trên giải quyết thỏa đáng quyền lợi của bà con.

Tin tưởng lời của người lãnh đạo đứng đầu xã, bà con dừng ngăn cản xe đổ đất. Đưa sổ đỏ do UBND huyện Hòa Vang cấp hồi đầu năm 2005 cho phóng viên xem, các hộ dân Lê Diện, Phan Ngọc Sáu, Kiều Thị Hạnh phản ánh: Việc chưa thu hồi sổ đỏ cũng như không thỏa thuận với người dân về phương án đền bù, bố trí TĐC mà đã san lấp mặt bằng rồi bố trí cho người khác là không minh bạch, thiếu công bằng với nhân dân. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hòa Châu cho hay, tất cả các hộ dân trong vùng dự án này đã được thông báo chung về việc triển khai dự án. Khi được chúng tôi cung cấp thông tin về vụ việc này, một cán bộ Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố nhận định: Quy trình triển khai dự án khu A Nam cầu Cẩm Lệ có vấn đề nên dân còn cầm sổ đỏ trong tay, chưa nhận tiền đền bù, chưa nhận đất TĐC mà dự án đã san lấp mặt bằng rồi giao cho hộ TĐC khác.

Theo Luật Phòng, chống tham nhũng (Điều 14), Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn (từ Điều 5 đến Điều 9); Quy chế Giám sát đầu tư của cộng đồng ban hành kèm Nghị định 80/2005/NĐ-CP thì việc công khai dự án phải được tiến hành chặt chẽ từ việc niêm yết công khai tại trụ sở hành chính xã, tại nơi triển khai dự án, tiến hành lấy ý kiến nhân dân.

Sau khi đại đa số nhân dân đồng tình rồi mới làm các bước thủ tục thu hồi sổ đỏ, đền bù, bố trí TĐC. Nếu làm chặt chẽ thì không có chuyện dân ra chặn xe đổ đất san lấp mặt bằng vào năm 2008. Mặt bằng đã san lấp, giao cho người khác rồi mà vẫn để dân cầm sổ đỏ khiếu nại là cơ quan chức năng đã làm ngược quy trình.

Yêu cầu hay yêu sách?

Theo thông tin của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hòa Châu, trong số 91 hộ dân có đất trong vùng giải tỏa có hộ Phạm Thị Loan đã làm nhà ở hơn 2 năm được đền bù với mức 264.000 đồng/m² và được bố trí tái định cư tại chỗ. Số hộ còn lại được giải quyết theo Quyết định 5810/UBND-QLĐBGT ngày 29-9-2011 của UBND thành phố là không bố trí TĐC, chỉ đền bù mức giá 264.000 đồng/m² đối với 21 lô đất có mặt tiền là đường liên xã và đền bù 79.000 đồng/m² đối với 69 lô chưa có đường đi. Ngoài ra, thành phố hỗ trợ thêm 20 triệu đồng/lô.

Năm 2013, quyết định này bị hủy và được thay thế bằng một quyết định khác. Theo đó, 90 hộ này được bố trí đất vào khu TĐC Giáng Nam 2 thuộc xã Hòa Phước và hủy bỏ hỗ trợ mỗi lô 20 triệu đồng. Trong số này có 13 hộ dân được cho là người địa phương đã có gửi đơn thư khiếu nại lên các cơ quan chức năng của thành phố và có nguyện vọng được bố trí TĐC tại chỗ.

Qua tìm hiểu bản chất sự việc, phóng viên nhận thấy, việc UBND thành phố ban hành quyết định bố trí TĐC các hộ dân này về khu TĐC Giáng Nam 2, xã Hòa Phước có sau khi dự án TĐC khu A Nam Cầu Cẩm Lệ được san lấp mặt bằng là có lý của riêng nó. Đó là tính pháp lý của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở của các hộ này không vững chắc. Báo Đà Nẵng sẽ đề cập ở  bài viết sau.

Bài viết này chỉ đề cập đề việc xử lý của UBND thành phố đã theo hướng có lợi nhất cho người dân. Từ chỗ 90 hộ dân không được  bố trí TĐC nay được bố trí về khu TĐC Giáng Nam 2. Hiện chỉ có 13 hộ dân đang khiếu nại yêu cầu được bố trí TĐC tại chỗ. Nếu yêu cầu này được đáp ứng, UBND thành phố sẽ phải đáp ứng luôn cho 77 hộ còn lại. Được biết, đến nay chỉ có một vài hộ đã đến nhận đất ở khu TĐC Giáng Nam 2.

Bài và ảnh: ĐOÀN SƠN

.