.

Nâng chuẩn nghèo lên mức 1,1 triệu đồng và 1,3 triệu đồng

.

Tại buổi làm việc với Ban Văn hóa-Xã hội HĐND thành phố ngày 9-6, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH cho biết: UBND thành phố sẽ đề nghị HĐND thành phố về nâng mức chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020 của thành phố tại kỳ họp thứ 14 sắp tới.

Theo đó, hộ nghèo là hộ có mức thu nhập dưới 1,1 triệu đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và dưới 1,3 triệu đồng/người/tháng đối với khu vực đô thị.

Với mức chuẩn này, thành phố có 23.354 hộ nghèo, chiếm 9,18% tổng số hộ dân toàn thành phố. Đề án giảm nghèo theo chuẩn mới sẽ triển khai từ đầu năm 2016, với kinh phí khoảng 430 tỷ đồng (tăng 26,64% chi phí giảm nghèo của giai đoạn trước), thực hiện thời gian 4 năm.

Đề án mới tiếp tục bảo đảm cho người nghèo được hỗ trợ về y tế, giáo dục, nhà ở, tiền điện... thể hiện sự vượt trội so với chuẩn nghèo hiện hành của Trung ương (400.000 đồng đối với nông thôn và 500.000 đồng đối với đô thị). Tính đến cuối tháng 5, thành phố đã giảm được 4.167 hộ nghèo (59,7%) và dự kiến giảm hết hộ nghèo theo chuẩn hiện hành vào cuối năm nay.

Thực hiện chương trình cải thiện nhà ở cho người có công cách mạng và hộ đồng bào dân tộc thiểu số theo chủ trương của Chính phủ, Sở đã tham mưu UBND thành phố triển khai khảo sát và lập kế hoạch hỗ trợ xây mới, sửa chữa 1.036 nhà. Đến nay đã hoàn thành 960 nhà, số còn lại sẽ hoàn thành trước ngày 27-7-2015.

Báo cáo của Sở LĐ-TB&XH cho biết, việc thực hiện cai nghiện ma túy theo Nghị định 221/2013/NĐ-CP kể từ khi UBND thành phố có Quyết định 28/2014/QĐ-UBND thuận lợi hơn. Người được tiếp nhận và đưa vào cắt cơn nghiện tại Trung tâm Giáo dục-Dạy nghề 05-06 tăng 745,9%, tỷ lệ cai nghiện tự nguyện cũng tăng 175%. Toàn thành phố hiện có 738 người tham gia cai nghiện, 332 người trong diện quản lý sau cai. Sở LĐ-TB&XH phản ánh khó khăn: Việc cai nghiện tại cộng đồng không có hiệu quả tốt vì thiếu sự hợp tác từ phía gia đình của người nghiện ma túy; cắt cơn giải độc tại trung tâm y tế quận, huyện còn khó khăn.

Công tác quản lý lao động là người nước ngoài trên địa bàn thành phố được thực hiện chặt chẽ. Hiện nay trên địa bàn thành phố có 982 lao động nước ngoài đến từ 50 nước, trong đó đã cấp giấy phép lao động cho 705 người, xác nhận không thuộc diện cấp phép 222 người và đang hoàn thiện 55 hồ sơ cấp phép khác. Sở LĐ-TB&XH phản ánh những vướng mắc trong quản lý lao động người nước ngoài trên địa bàn: Văn bản của Trung ương chưa quy định rõ như thế nào là đang cư trú.

Quy định về việc người nước ngoài có giấy phép lao động còn hiệu lực nhưng khi được điều chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác bắt buộc phải có phiếu lý lịch tư pháp gây khó khăn cho họ vì phải trở về nước để làm lại thủ tục này. Hiện nay chưa có văn bản quy định cụ thể về yêu cầu trình độ của người nước ngoài khi vào Việt Nam tham gia giảng dạy tại các trường trung cấp, cao đẳng, đại học.

Những vướng mắc, khó khăn của Sở LĐ-TB&XH được Ban Văn hóa-Xã hội tiếp thu và trình HĐND thành phố tại kỳ họp thứ 14 sắp đến.

Sẽ giải quyết 30 trường hợp tương tự bà Nguyễn Thị Đăng Nghĩa

Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH cho biết: Việc giải quyết khiếu nại về giải quyết lại chế độ mất sức lao động cho bà Nguyễn Thị Đăng Nghĩa (trú tại K086/08 Thi Sách, quận Hải Châu) đã được thực hiện. Ngày 4-6-2015, bà Nghĩa đã nhận chế độ một lần cho 20 năm công tác với số tiền 91,54 triệu đồng. Hiện thành phố còn khoảng 30 trường hợp tương tự như bà Nghĩa.

Sở LĐ-TB&XH sẽ tiến hành xác minh, tham mưu cho thành phố giải quyết chế độ cho những người này. Vụ khiếu nại kéo dài 16 năm của bà Nghĩa được HĐND thành phố đưa ra hội nghị giám sát giữa hai kỳ họp thứ 12 và 13 của HĐND thành phố vừa qua.

S.TRUNG

;
.
.
.
.
.