Chính trị - Xã hội
Đẩy mạnh công tác cai nghiện và quản lý sau cai
Thời gian qua, Đà Nẵng được xem là địa phương có nhiều sáng kiến, đột phá trong việc tổ chức cai nghiện ma túy.
Ông Nguyễn Hùng Hiệp (ảnh), Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng, cho biết sẽ nâng cao hơn nữa hiệu quả việc lập hồ sơ và tổ chức cai nghiện ma túy; tăng cường dạy nghề, hỗ trợ việc làm, quản lý chặt chẽ di biến động người sau cai nghiện nhằm từng bước giảm tỷ lệ tái nghiện.
* Thưa ông, Đà Nẵng đã tổ chức thực hiện tốt việc lập hồ sơ, xét xử đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc, trong khi nhiều nơi khác còn lúng túng. Thành phố đã thực hiện việc này như thế nào, gặp những khó khăn gì, thưa ông?
- Quyết định 28 của UBND thành phố Đà Nẵng về quy chế phối hợp lập hồ sơ và tổ chức cai nghiện trên địa bàn thể hiện quyết tâm chính trị của lãnh đạo thành phố trong việc phòng, chống tệ nạn ma túy, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của địa phương, vận dụng sáng tạo các quy định của Trung ương. Nhờ đó, rút ngắn thời gian lập hồ sơ từ 25-45 ngày (theo quy định của Trung ương) còn 6 ngày; việc xác định người nghiện được đơn giản hóa về thủ tục.
Đối với người nghiện không có nơi cư trú ổn định trong thời gian lập hồ sơ, thủ tục áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, theo quy định phải giao cho tổ chức xã hội quản lý, nhưng thực tế không thực hiện được điều này vì thiếu nhân lực và cơ sở hạ tầng cũng không bảo đảm.
Vì vậy, thành phố đã sử dụng một khu vực tại Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề 05-06 (Trung tâm 05-06) để thành lập cơ sở quản lý và sử dụng một bộ phận nhân lực của Trung tâm 05-06 để kiêm nhiệm việc quản lý, điều trị cắt cơn cho người nghiện không có nơi cư trú ổn định trong thời gian lập hồ sơ, thủ tục áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Bên cạnh đó, thành phố còn có chủ trương cho phép người nghiện trong thời gian các cơ quan chức năng đang lập hồ sơ để áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc có thể xin đăng ký cai nghiện tự nguyện thay cho biện pháp cai nghiện bắt buộc, nhằm tạo điều kiện cho bản thân người nghiện hợp tác trong quá trình cai nghiện...
Qua hơn 8 tháng triển khai thực hiện, Đà Nẵng đã đưa đi cai nghiện 442 trường hợp, trong đó có 77 trường hợp cai nghiện tự nguyện tại gia đình và cộng đồng, 29 trường hợp cai nghiện tự nguyện tại trung tâm, 276 trường hợp cai nghiện bắt buộc tại trung tâm cùng 60 trường hợp đang được điều trị cắt cơn, giải độc tại cơ sở quản lý.
Trong quá trình triển khai cũng gặp một số vướng mắc như: còn một số thủ tục, quy trình chưa thật phù hợp; có trường hợp khi lập hồ sơ thì bản thân người nghiện không hợp tác, không ký biên bản vi phạm; chưa có quy định cụ thể về chế độ hỗ trợ cho các phiên họp của tòa án... Vì vậy, thời gian đến, chúng tôi tập trung khắc phục những hạn chế nói trên nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả việc lập hồ sơ và tổ chức cai nghiện ma túy; đồng thời, sẽ tăng cường các biện pháp dạy nghề, hỗ trợ việc làm, quản lý chặt chẽ di biến động người sau cai nghiện nhằm từng bước giảm tỷ lệ tái nghiện.
* Ngoài việc tổ chức lập hồ sơ đưa đi cai nghiện, thành phố đã có chính sách gì được cho là đột phá trong công tác cai nghiện ma túy?
- Ngoài các quy định của Trung ương, Đà Nẵng rất quan tâm chính sách thu hút và đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ, nhân viên làm việc tại trung tâm cai nghiện và cơ sở quản lý người nghiện không có nơi cư trú ổn định. Các phường, xã, quận, huyện đều bố trí cán bộ chuyên trách phòng chống tệ nạn xã hội. Bên cạnh đó, thành phố còn chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị khá đồng bộ tại Trung tâm 05-06.
Học viên cai nghiện tại Trung tâm 05-06 được miễn chi phí cai nghiện, được gọi điện thoại cho gia đình mỗi ngày, được bố trí vào từng khu sinh hoạt và được học nghề phù hợp, được tham gia sinh hoạt văn hóa, văn nghệ rèn luyện thân thể hằng ngày, được ăn tươi vào ngày cuối tuần.
* Công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng đang là một trong những giải pháp quan trọng mà Chính phủ rất quan tâm. Được biết, việc triển khai tại Đà Nẵng hiện nay vẫn còn không ít vướng mắc. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
- Cai nghiện tại gia đình và cộng đồng là hình thức người nghiện được chữa trị tại cộng đồng, không bị cách ly với môi trường cuộc sống, xã hội xung quanh, người bệnh vẫn có thể tham gia học tập, lao động bình thường. Mặt khác, hình thức cai nghiện này huy động sự vào cuộc của gia đình và cộng đồng, tổ công tác cai nghiện chỉ làm “bà đỡ” trong giai đoạn điều trị cắt cơn, giải độc và hỗ trợ tư vấn trong quá trình cai nghiện.
Hình thức cai nghiện này ít tốn kém tiền của, công sức của gia đình và xã hội. Tuy nhiên, do mới được áp dụng tại Đà Nẵng nên một số phường, xã còn lúng túng trong tổ chức thực hiện; việc tổ chức quản lý điều trị cắt cơn giải độc còn nhiều bất cập; đối tượng thường xuyên bị bạn bè xấu lôi kéo cho nên hiệu quả công tác cai nghiện còn hạn chế. Chúng tôi sẽ tập trung khắc phục những vấn đề tồn tại để công tác này đạt hiệu quả hơn.
* Xin cảm ơn ông.
P. TRÀ thực hiện