Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đang trong giai đoạn đẩy nhanh tiến độ thi công theo yêu cầu của Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải.
(Ảnh minh họa: Huy Hùng/TTXVN) |
Tuy nhiên, một hạng mục đặc biệt quan trọng trên tuyến đường này là tuyến đường hầm xuyên qua núi thuộc thôn Chiêm Sơn, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam lại bị dừng thi công suốt 20 ngày qua.
Hầm xuyên qua núi trên tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi qua địa phận thôn Chiêm Sơn thuộc gói thầu số 4, giá trị hơn 2.000 tỷ đồng, do Tổng Công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư và Tổng Công ty Sông Đà - Công ty Cổ phần Sông Đà 10 là nhà thầu xây lắp chính.
Đường hầm đã được nhà thầu triển khai thi công từ đầu năm 2014. Tuy nhiên, khi thi công được khoảng hơn 100m thì cả 2 tuyến đường hầm phía bắc (hầm đôi) thuộc thôn Chiêm Sơn phải dừng lại do hàng trăm người dân trong thôn kéo vào đường hầm bao vây, ngăn cản, không cho tiếp tục thi công.
Tất cả những thiết bị hiện đại chuyên phục vụ cho việc đào hầm xuyên qua núi đều nằm im bất động, công trình đường hầm đìu hiu vắng lặng suốt nhiều ngày qua.
Tại đường hầm đang thi công dở dang, ông Bùi Xuân Hưng, đại diện đơn vị thi công công trình đường hầm cho biết: “Công trình dừng thi công như thế này thì mỗi ngày sản lượng thi công mất gần 2 tỷ đồng, tất cả máy móc thiết bị đều phải trả khấu hao nhưng lại không làm việc, hàng trăm công nhân nghỉ việc nên không có lương, đời sống của công nhân và người thân không đảm bảo.”
Ông Hưng cho biết thêm: “Theo tiến độ đã cam kết với chủ đầu tư, đến ngày 2-9 tuyến đường hầm này phải được khai thông. Tuy nhiên, do việc dừng thi công kéo dài nhiều ngày và chưa biết đến khi nào mới chấm dứt nên việc chậm tiến độ đã cam kết là điều khó tránh khỏi. Việc chậm trễ của hạng mục đường hầm không chỉ ảnh hưởng đến một đơn vị, đến một gói thầu mà chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng đến nhiều đơn vị khác, nhiều gói thầu khác trên toàn tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.”
Tiếp xúc với người dân thôn Chiêm Sơn, bà con cho biết, sở dĩ họ vào tận công trình đường hầm để ngăn chặn không cho tiếp tục thi công là do trong thời gian qua, đơn vị thi công đã nổ mìn suốt ngày đêm với độ rung và tiếng nổ phát ra rất lớn khiến hơn 110 ngôi nhà của người dân trong thôn bị ảnh hưởng.
Hàng trăm ngôi nhà của người dân nơi đây đã bị nứt tường, nứt cột và nứt trần với nhiều mức độ khác nhau. Để bảo vệ tài sản của mình, bà con đã báo cáo với chính quyền địa phương, yêu cầu chính quyền có biện pháp can thiệp và đơn vị thi công là Tổng Công ty Sông Đà - Công ty Cổ phần Sông Đà 10 đền bù thiệt hại một cách thỏa đáng do việc nổ mìn để thi công đường hầm gây ra.
Tuy nhiên, theo phản ánh của bà con cũng như của chính quyền địa phương thì việc áp giá, đền bù thiệt hại là hoàn toàn không thỏa đáng. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ngăn cản không cho tiếp tục thi công đường hầm trong những ngày qua.
Ông Trần Huỳnh Quang, người dân thôn Chiêm Sơn cho biết Tổng Công ty Sông Đà nổ mìn với lượng thuốc quá lớn làm ảnh hưởng đến hơn 110 ngôi nhà của người dân, bày tỏ mong chính quyền và Tổng Công ty Sông Đà - Công ty Cổ phần Sông Đà 10 bồi thường thỏa đáng để người dân sửa chữa nhà trước mùa mưa đến.
Ông Lê Mười, tổ trưởng tổ đoàn kết số 13, thôn Chiêm Sơn cho biết, bàn con thôn Chiêm Sơn không ai muốn ngăn cản việc thi công công trình đường hầm nhưng do việc nổ mìn là hư hại nhà cửa khiến người dân rất đau xót.
Vì vậy để bảo vệ tài sản của mình, bà con mới vào tận công trình để ngăn cản, mong các đơn vị có liên quan cùng chính quyền địa phương tiến hành giám định mức độ thiệt hại một cách rõ ràng, trung thực, khách quan và chính xác để có mức đền bù một cách thỏa đáng cho bà con.
Để giải quyết những bức xúc của bà con, đồng thời tạo điều kiện để đơn vị thi công tiếp tục thi công đường hầm, Ủy ban Nhân dân huyện Duy Xuyên, xã Duy Trinh, Tổng Công ty Sông Đà - Công ty Cổ phần Sông Đà 10 và bà con thôn Chiêm Sơn đã nhiều lần tổ chức đối thoại, đề xuất hướng xử lý nhưng vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.
Theo người dân nơi đây, tổng mức đền bù thiệt hại phía đơn vị thi công đưa ra ban đầu là 90 triệu đồng, sau đó tăng lên đến 300 triệu đồng và hiện nay là hơn 630 triệu đồng nhưng vẫn chưa tương xứng với mức độ thiệt hại. Người dân yêu cầu chính quyền địa phương, đơn vị thi công và đơn vị bảo hiểm công trình cần đánh giá đầy đủ, chính xác để có mức bồi thường thỏa đáng.
Theo kế hoạch đến ngày 2-9 đường hầm phải được khai thông, song vì chưa tìm được tiếng nói chung nên người dân thôn Chiêm Sơn vẫn tiếp tục ngăn cản không cho thi công đường hầm, do đó việc chậm tiến độ là điều không thể tránh khỏi.
Đền bù thiệt hại một cách thỏa đáng cho người dân và đảm bảo tiến độ thi công đường hầm trên tuyến đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi là việc làm cần thiết và cấp bách. Do vậy việc tìm ra một tiếng nói chung giữa các bên có liên quan mới chấm dứt được tình trạng người dân ngăn chặn thi công trên công trình trọng điểm này.
TTXVN