.
THÁNG HÀNH ĐỘNG VÌ TRẺ EM

Nâng bước chân em

.

Thay vì chỉ sử dụng nguồn nhân lực hiện có để triển khai các hoạt động hỗ trợ trẻ em, Trung tâm Công tác xã hội Đà Nẵng (TTCTXH) đã huy động tất cả ngành liên quan và các tổ chức hội, đoàn thể... vào cuộc cùng tìm biện pháp giúp trẻ. Nhiều em đã được chữa bệnh, được học nghề để cải thiện cuộc sống.

Sở LĐ-TB&XH và các địa phương bàn cách giúp trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Sở LĐ-TB&XH và các địa phương bàn cách giúp trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Đến với từng số phận

Khi vừa cất tiếng khóc chào đời, L.T.P (15 tuổi, ở quận Sơn Trà) đã mồ côi cha. Năm 3 tuổi, P. bỗng không thể nghe được nữa. Mẹ em như muốn quỵ ngã khi bác sĩ báo tin em bị điếc bẩm sinh. Rồi em được mẹ đưa vào lớp học chuyên biệt với mong ước em có thể phục hồi khả năng nghe. Nhưng những đồng thu nhập còm cõi từ công việc phụ nề mỗi tháng của mẹ không đủ trang trải chi phí học tập khá cao nên P. đành ở nhà, làm bạn với bốn bức tường. Và rồi, trường hợp của P. đã được các cán bộ địa phương và TTCTXH bàn tìm cách giúp đỡ.

Sau đó, P. được Đoàn thanh niên địa phương hỗ trợ giới thiệu đến trường chuyên biệt để học nghề may, học ngôn ngữ tay, được hưởng chế độ bảo trợ xã hội hằng tháng của thành phố và tham gia các hoạt động vì cộng đồng do Đoàn thanh niên tổ chức. Còn mẹ P. được địa phương tạo điều kiện có việc làm ổn định.

Trong khi đó, em Đ.T.T M. (9 tuổi, ở quận Thanh Khê) là một trường hợp khác. Khi vừa chào đời, M. không được ấp ủ trong hơi ấm của mẹ và vòng tay rắn chắc của cha. Thương đứa cháu tật nguyền, dì của M. buôn bán đắp đổi qua ngày để nuôi cháu. Vừa bị động kinh, teo chân nên M. chỉ ở nhà, không thể đi học được và cũng không được hưởng chế độ bảo trợ xã hội do không có hộ khẩu tại địa phương. Các cán bộ TTCTXH và cán bộ địa phương đã giúp M. nhập hộ khẩu và bảo đảm chế độ BTXH hằng tháng, được khám sức khỏe định kỳ và cấp thuốc tại trạm y tế địa phương.

Đó chỉ là 2 trong hơn 300 trường hợp trẻ em được giúp đỡ từ mô hình “Xã, phường làm tốt công tác xã hội với trẻ em” được TTCTXH triển khai tại 3 quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà trong gần 3 năm qua. “Đến tận nơi mới thấy còn rất nhiều trẻ em có hoàn cảnh đáng thương cần được quan tâm, giúp đỡ. Các em vì mặc cảm hay chưa hiểu biết nhiều nên vẫn chưa tiếp cận được sự hỗ trợ của cộng đồng”, bà Trương Thị Như Hoa, Giám đốc TTCTXH cho biết.

Cần nhân rộng

Theo bà Trương Thị Như Hoa, nguyên tắc hoạt động của mô hình “Xã, phường làm tốt công tác xã hội với trẻ em” là phát huy những thế mạnh của cộng đồng từ việc huy động, sử dụng nguồn nhân lực hiện có - đội ngũ cán bộ xã hội tại địa phương, không chỉ của ngành LĐ-TB&XH, mà cả các ngành liên quan và các tổ chức hội, đoàn thể... trong việc vận động xã hội, tìm kiếm nguồn lực tài chính từ các tổ chức, cá nhân.

“Hiện nay, đội ngũ nhân viên công tác xã hội thường trực tại TTCTXH không thể bao phủ hết địa bàn toàn thành phố. Vì vậy, việc nâng cao năng lực, bổ sung nguồn lực để đội ngũ cán bộ xã hội địa phương có thể sử dụng kỹ năng, phương pháp công tác xã hội nắm bắt nhu cầu của các nhóm đối tượng xã hội, cung cấp thông tin về dịch vụ và tư vấn trao quyền để người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội là việc làm cần thiết và ý nghĩa, giúp bảo đảm an sinh xã hội, phát triển bền vững”, bà Hoa nói.

Tại các địa phương triển khai mô hình, các cán bộ khảo sát nhu cầu của trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, xây dựng kế hoạch can thiệp, huy động nguồn lực trợ giúp từ các chương trình an sinh xã hội của thành phố. Trong các hội thảo, các địa phương trình bày những tình huống khó, phức tạp, vượt ngoài khả năng giải quyết hoặc chưa đủ thông tin về chính sách… Sau đó, TTCTXH định hướng giải pháp, cùng địa phương lên kế hoạch trợ giúp. Nhờ vậy, hàng trăm trẻ em bất hạnh đã được trợ giúp theo đúng nhu cầu. Bà Trương Thị Như Hoa mong muốn mô hình sẽ được nhân rộng để ngày càng có nhiều trẻ em được sự trợ giúp từ cộng đồng.

Bài và ảnh: KIM NGÂN

;
.
.
.
.
.