.

Thi tuyển người tài, thải loại người kém

.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định như vậy khi thừa ủy quyền Thủ tướng trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội ngày 13-6.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” dường như đã trở thành thành ngữ quen thuộc trong dư luận. Trong ngày làm việc hôm qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng không ít lần đề cập vấn đề này.

Đưa cán bộ không đủ tiêu chuẩn ra khỏi 
bộ máy

Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) chất vấn: “Dư luận xã hội và cử tri rất bất bình về một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức nhà nước có những hành vi vòi vĩnh, nhũng nhiễu, quan cách, hách dịch, vô cảm, vô tâm, xa dân, gần quan, lệch chuẩn trong văn hóa ứng xử với người dân. Xin Phó thủ tướng cho biết Chính phủ nói chung và cá nhân Phó thủ tướng đã có những giải pháp mạnh nào nhằm cải cách chế độ công vụ?”.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Liên quan đến câu hỏi này, đại biểu nói một bộ phận xa dân, quan liêu, chúng tôi cho rằng đây thuộc về đạo đức công vụ, Quốc hội đã có luật về công chức, luật về viên chức, chúng ta có nghị định để hướng dẫn vấn đề này, yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện nghiêm.

Sắp tới Chính phủ sẽ có một số biện pháp thanh tra, kiểm tra, đổi mới chế độ chính sách công vụ như mô tả việc làm, giảm biên chế, đặc biệt tổ chức thi tuyển để tìm những cán bộ tốt phục vụ nhân dân. Đi liền với đó là tăng cường kỷ cương, kỷ luật, đánh giá, bình chọn một cách kịp thời để đưa những cán bộ không đủ tiêu chuẩn, không phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của mình ra khỏi bộ máy, làm trong sạch bộ máy”.

Chưa thỏa mãn phần phúc đáp, đại biểu Tiến tiếp tục “ấn nút” chất vấn: “Ngay từ đầu nhiệm kỳ, cử tri và dư luận xã hội có băn khoăn và cảnh báo về 30% số cán bộ công chức trong bộ máy công quyền sáng cắp ô đi tối cắp về, đến nay đã cuối nhiệm kỳ, xin Phó Thủ tướng cho biết tỉ lệ công chức cắp ô còn bao nhiêu và hệ thống giải pháp?”.

Phó Thủ tướng đáp: “Đây chính là một tình trạng đang diễn ra, tất nhiên số đó không nhiều. Một mặt chúng ta phải có giải pháp quản lý, giáo dục, kỷ luật. Nhất là phải làm tốt việc mô tả việc làm, một chủ trương cải cách công vụ hiện nay. Đồng thời tăng cường thực hiện giám sát, dân chủ ở cơ sở để phát hiện và đưa cán bộ yếu kém ra khỏi bộ máy công quyền. Còn vấn đề tỉ lệ bao nhiêu chúng tôi chưa nắm một cách chắc chắn, nhưng lần trước có nói dư luận xã hội nói như vậy, không phải 
Phó Thủ tướng nói”.

Triển khai mạnh mẽ 
việc thi tuyển

Nhân câu hỏi của đại biểu Tiến, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các địa phương và đặc biệt lãnh đạo các bộ, ngành rà soát đội ngũ của mình để hạn chế tối đa tình trạng sáng cắp ô đi, tối cắp về.

“Tôi thấy vừa rồi mình làm một số biện pháp thì thấy có giảm. Nghị quyết của Bộ Chính trị tinh giản biên chế thì loại này trước hết phải giảm sớm. Ai giảm?” - Phó Thủ tướng đặt câu hỏi. Rồi ông trả lời: “Chính hệ thống chính trị, cơ sở các đồng chí, đảng, chi bộ các đồng chí, lãnh đạo các vụ, phòng các đồng chí phải làm việc này để phát hiện những cán bộ đó. Tinh thần có giảm nhưng phải giảm mạnh hơn nữa mới 
đáp ứng yêu cầu”.

“Từ thực tiễn ở các Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tư pháp và nhiều địa phương tổ chức thi tuyển lãnh đạo đến cấp tổng cục trưởng, vụ trưởng, giám đốc sở, đó là giải pháp hết sức tích cực để lựa chọn cán bộ... Một cách làm hay như vậy, tại sao đến giờ Chính phủ không kịp thời sơ kết chỉ đạo, ủng hộ và nhân rộng?” - đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) chất vấn.

Trả lời câu hỏi của ông Nam, Phó Thủ tướng cho biết vừa rồi Chính phủ cho thí điểm một số bộ, ngành thi tuyển đến cấp vụ trưởng, tổng cục trưởng, hiệu trưởng trường đại học, một số địa phương cũng triển khai thi tuyển cán bộ lãnh đạo. Sau khi nghiên cứu chủ trương thí điểm, Bộ Chính trị đã có kết luận về việc thi tuyển cấp vụ, cấp phòng để tăng cường tính minh bạch, chọn người tài vào bộ máy. “Anh Nam yên tâm, đã có chủ trương của Bộ Chính trị về vấn đề này, sắp tới sẽ triển khai mạnh mẽ hơn” - Phó Thủ tướng nói.

Theo Tuổi trẻ

;
.
.
.
.
.