Chính trị - Xã hội
Tìm lại ánh sáng cuộc đời
Trong những khoảnh khắc tỉnh táo nhất, họ vẫn còn nhớ như in những phần ký ức buồn đau của cuộc đời. Nhớ để cảm, để thấy được niềm vui, hạnh phúc hiện tại của mình.
Bữa ăn của các cụ ở Trung tâm Bảo trợ xã hội Đà Nẵng. |
Đó là những ông lão, bà lão đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội (BTXH) Đà Nẵng (quận Liên Chiểu). Hơn chục năm sống tại đây, họ đã xem Trung tâm như là ngôi nhà thân thương của mình. Đó cũng là kết quả từ những năm tháng kiên trì với cách làm của Đà Nẵng để thực hiện bước đột phá “thực thi các chính sách xã hội giàu tính nhân văn”.
Nhà ở đây chớ ở mô!
Khi nghe câu hỏi vui: “Bà còn nhớ nhà của mình không?”, bà Phạm Thị Cúc (75 tuổi) miệng cười bỏm bẻm nói to: “Nhà ở đây chớ ở mô!”. 15 năm nay, bà Cúc đã gắn bó cuộc đời mình với Trung tâm BTXH Đà Nẵng. “Các cô, các chú ở đây chu đáo lắm, cơm ngon, canh ngọt, chỗ ngủ thoáng mát. Hễ ai ốm đau gì là các y, bác sĩ đến khám ngay. Giờ không còn phải ăn bữa nay lo bữa mai nữa”, bà Cúc cho biết.
Nhớ lại ngày trước, bà không khỏi xót xa. Chồng mất trong chiến tranh để lại cho bà một mụn con trai. Chưa kịp vui mừng vì có nơi nương tựa thì lại chất chồng nỗi lo khi cậu con trai sinh ra đã dặt dẹo do nhiễm chất độc da cam. Rồi hai mẹ con rời vùng quê nghèo ở Quảng Nam dắt díu nhau ra Đà Nẵng kiếm sống. Lang thang ở hành lang các bệnh viện, bà giúp người bệnh và người nhà của họ để đổi lấy bát cơm cho mình và cho con. Không thể kể hết nỗi nhọc nhằn ngày đó.
Hai mẹ con ngủ vật vạ ở hành lang bệnh viện, đêm lạnh chỉ mong có chiếc chăn ấm, bát canh nóng. Rồi bà và con trai được đưa vào Trung tâm BTXH. “Mẹ con dù ở hai khu khác nhau nhưng ngày nào cũng gặp nhau, vui lắm. Ở đây mọi người coi nhau như người nhà vậy đó”, bà Cúc thổ lộ.
Bạn cùng phòng thân thiết với bà Cúc, bà Nguyễn Thị Phẩm (84 tuổi) cũng có hoàn cảnh đáng thương. Chồng chết, một mình bà ở vậy nuôi con trai khôn lớn nên người. Rồi cậu con trai đó đi mãi không về, để lại một mình bà với tuổi già, bệnh tật và cô đơn. “Già rồi, đâu có làm chi được để kiếm tiền sinh sống, cứ đi lang thang hết nơi này đến nơi khác. Khổ lắm!”, bà Phẩm nói, gạt nhanh giọt nước mắt ứa ra từ nơi khóe mi. Nói vậy thôi chứ giờ bà cũng quên dần đi quá khứ rồi vì luôn có những người bạn như bà Cúc, ông Sanh… trò chuyện mỗi ngày. Bây giờ, khi được hỏi về người con, đôi mắt mờ đục của bà hấp háy: “Nó ở xa lắm, nó cũng khổ, cũng nghèo mà. Chỉ mong nó khỏe”.
Mái nhà chung
Hiện Trung tâm BTXH Đà Nẵng đang quản lý, nuôi dưỡng 145 đối tượng, trong đó có 63 người cao tuổi, hầu hết bị khuyết tật, đi lại khó khăn, có những cụ bị liệt nằm tại chỗ cần sự chăm sóc đặc biệt. Ông Trần Công Be, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết, mỗi đối tượng được thành phố hỗ trợ tiền ăn là 500.000 - 840.000 đồng/người/tháng. Ngoài ra còn được hỗ trợ thuốc men, sinh hoạt phí, áo quần, chăn màn...
“Ngoài chế độ theo quy định của Nhà nước, chúng tôi còn chủ động cải thiện thêm thông qua công tác sản xuất trồng rau màu tại chỗ, đồng thời vận động các tổ chức, cá nhân từ thiện đến tặng quà, hỗ trợ… bữa ăn cho các cụ, các em”, ông Be cho biết. Chỉ riêng khâu chế biến thức ăn, Trung tâm BTXH cũng có nhiều khẩu phần phù hợp với những người bị bệnh tim mạch, cao huyết áp hay theo chế độ quy định đối với những người bị khuyết tật đặc biệt nặng. Nhà bếp, nhà ăn, khu chế biến thực phẩm luôn được các cán bộ dọn dẹp gọn gàng, sạch sẽ.
Đầu năm nay, Trung tâm mua gần 150 thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng, khám sức khỏe cho hơn 4.000 lượt người, điều trị tại Trạm xá cho gần 400 lượt bệnh nhân; chuyển tuyến trên khám 117 lượt bệnh nhân, nhập viện điều trị 52 bệnh nhân, khám tại bệnh viện cho đơn thuốc về nhà hơn 100 bệnh nhân. Với những người như bà Phẩm, bà Cúc hay những em bé khuyết tật, nơi đây đã thực sự là mái nhà chung bởi họ không chỉ được chăm sóc mà còn được yêu thương…
Ông Nguyễn Hùng Hiệp, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng cho biết, những năm qua, thành phố đã tập trung xử lý đưa hàng trăm lượt đối tượng vào Trung tâm BTXH. “Chúng tôi tiến hành phân loại, tìm hiểu nguyên nhân, phối hợp chính quyền địa phương thực hiện các giải pháp hỗ trợ cho họ như giải quyết hưởng trợ cấp BTXH, đào tạo nghề, hướng dẫn cách làm ăn, hỗ trợ học bổng, trợ cấp khó khăn cho các em còn trong độ tuổi được đến trường học tập”, ông Hiệp nói.
Cùng với đó, để ngăn ngừa trẻ em trong các gia đình hộ nghèo có nguy cơ lang thang, thành phố đã hỗ trợ cho trên 1.000 trẻ em có nguy cơ lang thang, hỗ trợ sách vở, dụng cụ học tập và hỗ trợ học nghề; tư vấn hồi gia và hỗ trợ học nghề… Nhờ đó, nhiều trẻ em lang thang đã có thể hòa nhập cộng đồng và ổn định cuộc sống.
Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ