Chính trị - Xã hội

Xử lý biệt phủ xây dựng trái phép ở rừng Hải Vân: Thuốc thử kỷ cương, phép nước

07:24, 29/06/2015 (GMT+7)

Việc đại gia vàng Ngô Văn Quang xây dựng biệt phủ trái phép ở Rừng đặc dụng Nam Hải Vân, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, được dư luận thành phố cũng như cả nước quan tâm, theo dõi trong suốt nhiều tháng qua. Hiện dư luận đang rất quan tâm đến cách xử lý sai phạm của các cơ quan chức năng thành phố Đà Nẵng.

Biệt phủ của ông Ngô Văn Quang hiện nay còn nguyên vẹn, khiến dư luận hết sức bất bình. Ảnh: Nhật Anh
Biệt phủ của ông Ngô Văn Quang hiện nay còn nguyên vẹn, khiến dư luận hết sức bất bình. Ảnh: Nhật Anh

Tuy nhiên, chấp hành quyết định của UBND quận Liên Chiểu, gia đình ông Phan Như Thạch đã phá dỡ hoàn toàn công trình xây dựng của mình, còn biệt phủ ông Ngô Văn Quang vẫn tồn tại như thách thức tính nghiêm minh của pháp luật. Dư luận đang đặt câu hỏi, liệu quyết định hành chính của chính quyền quận Liên Chiểu có được chấp hành, kỷ cương pháp luật có được tuân thủ? Để bạn đọc theo dõi sự việc một cách hệ thống, chúng tôi xin trình bày lại từ đầu của chuỗi sai phạm từ việc giao đất, chuyển nhượng đất rừng trái phép đến quá trình xây dựng “chui” biệt phủ này.

Bài 1:  Giao khoán đất rừng tràn lan, vô tư chuyển nhượng

Theo Nghị định 01/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 4-1-1995 (viết tắt NĐ 01) quy định về việc giao khoán đất để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản trong các doanh nghiệp Nhà nước, thì đối tượng được giao khoán đất rừng chỉ áp dụng cho người dân địa phương được UBND phường, xã xác nhận.

Nghĩa là những người có hộ khẩu thường trú trên địa bàn phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu mới đủ điều kiện được giao khoán đất rừng tại khu vực trên. Thế nhưng, không hiểu sao, gia đình ông Phan Như Thạch, trú ở quận Hải Châu lại được Ban Quản lý Rừng đặc dụng Nam Hải Vân (ĐDNHV) trước đây ưu ái giao khoán hai khu đất, trong đó một khu ở khu Tập thể đội trồng rừng trước đây, nằm ở gần đường dẫn lên suối Lương, có diện tích gần 2.000m2 và 3ha ở khu vực đồi Chim Chim, thuộc tiểu khu 11, Rừng ĐDNHV.

Dư luận hoan nghênh việc ông Phan Như Thạch tự tháo dỡ ngôi nhà xây dựng trái phép (ảnh), tuy nhiên vẫn trông chờ vào việc xử lý đối với sai phạm của ông Ngô Văn Quang. 	                     Ảnh: Nhật Anh
Dư luận hoan nghênh việc ông Phan Như Thạch tự tháo dỡ ngôi nhà xây dựng trái phép (ảnh), tuy nhiên vẫn trông chờ vào việc xử lý đối với sai phạm của ông Ngô Văn Quang. Ảnh: Nhật Anh

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong quá trình điều hành Ban Quản lý Rừng ĐDNHV, các ông Trần Huy Độ, nguyên Trưởng Ban quản lý Rừng ĐDNHV, nay đã nghỉ hưu; Hồ Ngọc Lượng, nguyên cán bộ quản lý bảo vệ rừng Ban quản lý Rừng ĐDNHV, hiện công tác tại Chi cục Kiểm lâm thành phố Đà Nẵng, và lãnh đạo địa phương lúc bấy giờ đã liên kết thực hiện việc giao khoán đất Rừng ĐDNHV bừa bãi cho rất nhiều đối tượng, bất chấp quy định rất cụ thể tại NĐ 01.

Các hồ sơ giao khoán cho gia đình ông Phan Như Thạch cũng nằm trong trường hợp này. Cụ thể, dù không phải người dân địa phương, song năm 1997, gia đình ông Phan Như Thạch vẫn được Ban quản lý Rừng ĐDNHV lập thủ tục giao khoán 3ha đất rừng ở khu vực đồi Chim Chim, thuộc tiểu khu 11 Rừng ĐDNHV.

Tiếp đó, ngày 1-11-2000, gia đình ông Phan Như Thạch lại được Ban quản lý Rừng ĐDNHV ưu ái giao khoán thêm gần 2.000m2 đất lâm nghiệp ở Khu tập thể đội trồng rừng Hải Vân, nằm cạnh đường dẫn lên suối Lương. Theo NĐ 01 quy định, người được giao khoán đất lâm nghiệp chỉ sử dụng vào mục đích trồng rừng phát triển kinh tế, không được chuyển nhượng dưới bất kỳ hình thức nào.

Thế nhưng, sau khi được Ban quản lý Rừng ĐDNHV ưu ái giao khoán hai khu đất nói trên, gia đình ông Thạch xây dựng nhà biệt thự tại khu đất gần 2.000m2 ở Khu tập thể đội trồng rừng Hải Vân, còn 3ha đất rừng ở khu vực đồi Chim Chim, thuộc tiểu khu 11 Rừng ĐDNHV thì chuyển nhượng cho ông Ngô Văn Quang xây dựng biệt phủ. Việc chuyển nhượng này là trái với quy định của pháp luật, nhưng cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương không hề biết. Và việc ông Quang tiến hành xây dựng biệt phủ trên đất chuyển nhượng trái phép này thêm một lần nữa trái với quy định của luật pháp

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Đà Nẵng về việc làm sai trái này, ông Nguyễn Văn Truyền, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu cho rằng, đây là vấn đề lịch sử để lại, khi ấy việc giao khoán đất rừng do Ban quản lý Rừng ĐDNHV đảm trách. Tuy nhiên, theo ông Truyền, sau khi UBND quận Liên Chiểu có quyết định xử lý sai phạm các trường hợp xây dựng trái phép của ông Phan Như Thạch và ông Ngô Văn Quang, Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu đã mời gia đình ông Thạch đến làm việc để có hướng xử lý theo quy định của pháp luật, bởi cả hai hợp đồng giao khoán này đều đứng tên hộ gia đình ông Phan Như Thạch.

Ông Truyền cho rằng, vi phạm của ông Thạch quá rõ. Thứ nhất là sử dụng đất rừng nhận khoán sai mục đích, xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp. Thứ hai, chuyển nhượng đất lâm nghiệp trái phép cho ông Ngô Văn Quang. Việc chuyển nhượng này Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu không hề biết.

“Trên cơ sở những vi phạm trên, Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu sẽ kiến nghị các cơ quan  chức năng tiến hành thu hồi hai bộ hợp đồng giao khoán đất lâm nghiệp ở khu vực đồi Chim Chim và Khu tập thể đội trồng rừng Hải Vân trước đây đối với gia đình ông Phan Như Thạch”, ông Truyền khẳng định.

Chiều 9-6, ông Trần Văn Lương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm thành phố Đà Nẵng cho biết, đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu làm chặt chẽ hồ sơ theo quy định pháp luật, để tiến đến chấm dứt hợp đồng giao khoán đối với hộ ông Phan Như Thạch. Còn việc gia đình ông Thạch chuyển nhượng cho ông Quang thì cơ quan Kiểm lâm không biết và tất nhiên, hợp đồng này không có giá trị.

Qua thu thập tài liệu, chúng tôi còn phát hiện có nhiều trường hợp người ngoài địa phương khác cũng được Ban quản lý Rừng ĐDNHV “vung tay” trong việc giao khoán đất rừng theo Nghị định 01 trong lúc người dân địa phương - đối tượng được giao đất theo Nghị định 01/NĐ-CP, không được Ban Quản lý đoái hoài.

Bức xúc trước thực trạng đất lâm nghiệp bị “xà xẻo”, giao khoán vô tội vạ, không đúng đối tượng, ông Trương Việt, Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu nói: Dù sống ngay chân núi Hải Vân, song rất nhiều người dân phường Hòa Hiệp Bắc không có tấc đất rừng cắm dùi. Bởi trước đây, bà con xin giao khoán đất rừng để làm ăn, phát triển kinh tế, thì Ban quản lý Rừng ĐDNHV hứa hẹn mãi nhưng không giao.

Thế nhưng, họ lại ngấm ngầm giao khoán cho những người ngoài địa phương. Suốt trong thời gian dài, Ban quản lý Rừng ĐDNHV tự tung, tự tác trong việc giao khoán đất lâm nghiệp ở Rừng ĐDNHV.

Tường Vy - Nhật Anh

.