Cả cuộc đời gắn bó với ngành đường sắt, nhưng chính ông cũng không ngờ trạm ga Chợ Cồn lại là bến đỗ cho cả gia đình ông trong suốt hơn 50 năm qua.
Ông Nguyễn Văn Phước chỉ dòng chữ nổi khắc trên nền xi-măng mái nhà - dấu tích của ga Chợ Cồn. |
Dấu tích còn sót lại của ga Chợ Cồn
Nhà ông Nguyễn Văn Phước nằm ở con hẻm lớn, cuối chợ “hàng heo” bên hông chợ Cồn, nhưng chúng tôi loay hoay mãi mới tìm ra. Bởi lẽ, không mấy người hiện nay biết đến cái tên ga Chợ Cồn. Hơn nữa, ga Chợ Cồn đâu còn gì ngoài dòng chữ nổi khắc trên nền xi-măng trên mái nhà.
Tiếp chúng tôi tại phòng khách rộng vỏn vẹn 6m2, ông Phước cho biết, đây cũng chính là phòng chờ, phòng bán vé cho hành khách năm xưa. Gian nhà bên cạnh từng là nơi ông sinh sống trong quá trình làm Trưởng trạm ga Chợ Cồn, nay cũng được cơi nới để làm nơi sinh hoạt, ăn ở của đại gia đình ông.
Chỉ tay về con đường trước mặt nhà (hẻm 288 Hùng Vương), ông cho biết, trước đây là đường ray xe lửa. Tàu lửa chạy từ ga Chợ Cồn vòng qua đường Lê Duẩn, đi xuống cầu Vồng và đến ga chính Đà Nẵng. Trước đây, xung quanh hoang vắng, khu cầu Vồng trống trải, trước mặt ga là vũng nước lớn.
Vì thế, niềm vui khi ấy của người trưởng trạm trẻ là hằng ngày đón những chuyến tàu dừng ga Chợ Cồn. “Khách mang hàng hóa, chủ yếu rau cải, bầu bí, mướp…, từ các vùng lân cận như Quảng Ngãi, Quảng Nam, Huế vô ra cung cấp cho các chợ, nhất là Chợ Cồn. Không khí tấp nập, đông vui đó khó mà quên được”, ông Phước nhớ lại.
Như con tàu chưa có ga dừng
Ông Nguyễn Văn Phước cho biết, cha của ông làm việc trong ngành đường sắt nên khi học xong, ông theo cha vào làm đường sắt từ năm 1960 (lúc đó đã 30 tuổi) với nhiệm vụ thư ký ga Huế. Đầu năm 1964, ông chuyển về công tác tại ga Tam Kỳ và cũng trong năm này, một lần nữa ông được điều về làm thư ký ga Đà Nẵng. Đến tháng 8-1965, ông làm Trưởng ga Chợ Cồn.
“Vận mệnh của tôi gắn liền với cái ga này cũng từ đây. Tôi được cấp cho một gian bên cạnh phòng khách để sinh sống. Sau đó, ga Chợ Cồn ngừng hoạt động, tôi lại được điều về làm Phó ga Đà Nẵng vào năm 1973 nhưng vẫn sinh sống trong căn phòng được cấp tại ga Chợ Cồn. Tháng 3-1975, thành phố được giải phóng, tôi chính là người bàn giao máy móc, thiết bị của ga Đà Nẵng lại cho quân quản Đà Nẵng.
Một tháng sau, tôi được điều về làm Trưởng ga Lăng Cô. Do chiến tranh, đường sá hư hỏng nhiều nên nhiệm vụ của tôi trong 2 tháng liền tiếp quản ga Lăng Cô chỉ với mục đích ổn định ga rồi trở về làm ở ga Thanh Khê cho đến tháng 1-1990 thì về hưu”, ông Phước chia sẻ.
30 năm ông phục vụ ngành đường sắt, nhưng hơn nửa thời gian làm việc cho chế độ cũ, để rồi sự cống hiến của ông cho đất nước chỉ 15 năm. Nghỉ hưu với mức lương nhận một lần 1 triệu đồng, từ đó đến nay, ông sống dựa vào con cái và sau này là tiền trợ cấp cho người già của hai vợ chồng. “Nghĩ mình cũng thiệt thà. Suy nghĩ đơn giản. Chứ hồi đó, nơi đây trống không, kiếm miếng đất đâu khó chi. Người nơi khác tới họ che lán ở mà chừ có nhà có cửa đàng hoàng. Còn ngôi nhà tôi đang sống vẫn dưới hình thức đóng thuế hằng năm cho Công ty Quản lý nhà đất thành phố từ năm 1977”, ông Phước nói.
Nhưng cuộc sống vẫn dành cho ông điều kỳ diệu. Hiện nay, một số hộ dân sống trong khu vực này nằm trong diện giải tỏa của thành phố. Ngôi nhà của gia đình ông không ngoại lệ.
“Mừng vì sắp được cấp đất, căn hộ chung cư theo chính sách giải tỏa, đền bù của thành phố, nhưng vẫn có cái chi đó nặng nặng trong lòng. Nơi đây đã gắn bó cả cuộc đời tôi, ngôi nhà này để lại trong lòng những người cùng thế hệ với tôi ký ức về một nhà ga với những chuyến tàu. Mai này, không còn dấu tích này nữa, chắc chẳng ai biết nơi đây từng có một nhà ga”, ông Phước ngậm ngùi.
Cuộc đời và nỗi lòng của một người già đã ở tuổi 85 - cái tuổi có thể ra đi bất cứ khi nào khiến những người gặp ông đều canh cánh trong lòng. Là người “gác ga” đón đưa những chuyến tàu, nhưng chính cuộc đời ông lại là một con tàu không biết điểm dừng là đâu. Chỉ mong ông sớm tìm được bến đỗ trong căn nhà thật sự của mình trong những ngày cuối đời.
Bài và ảnh: NGỌC HÀ