ĐNĐT - Sáng 8-7, HĐND thành phố chia thành 3 tổ đại biểu để thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và chuyên đề về “Sản phẩm và chất lượng dịch vụ - yếu tố hàng đầu để thúc đẩy phát triển du lịch Đà Nẵng”.
ĐB HĐND thành phố thảo luận về các giải pháp phát triển ngành du lịch thành phố. Ảnh: VĂN NỞ |
Tại buổi thảo luận, nhiều đại biểu HĐND thành phố đánh giá cao việc UBND thành phố xây dựng chuyên đề về “Sản phẩm và chất lượng dịch vụ - yếu tố hàng đầu để thúc đẩy phát triển du lịch Đà Nẵng”, tuy nhiên, không ít đại biểu cho rằng, chuyền đề này chưa chỉ ra được giải pháp cụ thể để đưa ngành du lịch Đà Nẵng phát triển bền vững.
Ô nhiễm môi trường, an toàn thực phẩm đe dọa ngành du lịch
Tham gia góp ý về chuyên đề nói trên, đại biểu Lê Kim Hùng cho rằng: Việc phát triển sản phẩm và nâng cao chất lượng sản phẩm không thể tách khỏi định hướng thị trường. Ngành du lịch thành phố nên nghiên cứu, tìm hiểu để phát triển, mở rộng thị trường du lịch như Đông Bắc Á, Tây Âu. Bên cạnh đó, du lịch hội thảo đang mở ra nhiều cơ hội cho Đà Nẵng. Tuy nhiên, theo đại biểu Hùng, đội ngũ nhân lực lành nghề từ khâu dàn dựng, tổ chức, hậu cần, biên dịch, phiên dịch… còn quá thiếu và quá yếu.
“Tôi hết sức quan tâm, lo lắng về chất lượng đào tạo trong ngành du lịch, điều này cần sự kết hợp giữa nhà trường - doanh nghiệp - người học. Người Việt Nam vốn rất thích học làm thầy chứ không mấy ai muốn học làm thợ. Vì vậy, để đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch, rất cần các chiến dịch truyền thông tôn vinh người học, người thợ”, đại biểu Hùng nói.
Đại biểu Hồ Kỳ Minh nhấn mạnh, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm là điều hết sức quan trọng để phát triển ngành du lịch. Đây là một thách thức lớn bởi Đà Nẵng đang đầu tư phát triển du lịch. Ngoài vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn nước sinh hoạt là điều cần được các ngành quan tâm. Hiện nay, nhiều khách sạn, nhà nghỉ sử dụng nguồn nước ngầm không đảm bảo để phục vụ du khách. Điều này tiềm ẩn nguy cơ gây hại sức khỏe, vì vậy các ngành chức năng cần có biện pháp cụ thể. Ngoài ra, việc niêm yết giá cả tại các điểm dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ lưu trú cần được thực hiện nghiêm túc.
Đại biểu Huỳnh Phước nói thêm, việc các khách sạn sử dụng nước ngầm không qua xử lý, vất rác với khối lượng lớn nhưng lại không theo giờ thu gom rác… là những hành vi kém văn minh đang “giết mòn” ngành du lịch của thành phố.
Cùng quan điểm về vấn đề này, đại biểu Lương Nguyệt Thu cho rằng, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, ô nhiễm môi trường đang đe dọa ngành du lịch thành phố. Hiện nay, các cống hở chảy ra biển gây ô nhiễm, bốc mùi hôi khiến người dân, du khách cảm thấy rất ngán ngẩm, phản cảm. Bên cạnh đó, vấn đề quy hoạch bãi biển, dù có nhiều điểm đáng ghi nhận nhưng cũng cần phải chỉnh sửa nhiều, thành phố cần có kế hoạch chi tiết, cụ thể cho việc việc quy hoạch, giải tỏa theo theo lộ trình, có định hướng.
Đại biểu Trần Văn Lĩnh bày tỏ băn khoăn khi tại các quốc gia khác, cảng cá hoàn toàn không có mùi tanh hôi, toàn khu chợ không có ao tù, nước đọng. Du khách đến đây không chỉ được mua, tham gia vào quá trình đấu giá mà còn được tham quan, nấu và thưởng thức hải sản ngay tại cảng. Điều này chứng minh rằng, không có bất kỳ ngành công nghiệp nào gây ô nhiễm, vấn đề đặt ra là ý thức sử dụng khoa học công nghệ để khắc phục ô nhiễm. Hy vọng rằng, trong thời gian đến, Đà Nẵng sẽ khắc phục được tình trạng tanh hôi và biến cảng cá Thuận Phước thành điểm tham quan lý thú khi du khách đến với thành phố biển.
Cần giải pháp để ngành du lịch phát triển bền vững
Đại biểu Nguyễn Đức Trị cho rằng, việc xây dựng chuyên đề về “Sản phẩm và chất lượng dịch vụ - yếu tố hàng đầu để thúc đẩy phát triển du lịch Đà Nẵng” là việc làm cần thiết nhằm xây dựng thương hiệu du lịch Đà Nẵng đến với du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, nội dung chuyên đề chưa chỉ ra được thế mạnh, điểm yếu của du lịch Đà Nẵng để từ đó đưa ra phương án cũng như giải pháp phát triển ngành du lịch bền vững. Đại biểu Trị đề nghị, thành phố cần thuê chuyên gia nước ngoài xây dựng đề án phát triển du lịch Đà Nẵng.
Còn theo đại biểu Trương Phước Ánh, Đà Nẵng có nền tảng phát triển du lịch tốt như cơ sở hạ tầng hoàn thiện, con người thân thiện, thế nhưng Đà Nẵng không có di sản thế giới so với các địa phương khác, vì vậy muốn phát triển du lịch bền vững, Đà Nẵng cần tạo được sự khác biệt về chất lượng dịch vụ cũng như sản phẩm du lịch để thu hút ngày càng nhiều du khách đến thành phố.
Đại biểu Mai Đức Lộc, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố, nhận định Đà Nẵng có biển đẹp, thế nhưng thành phố chưa tạo ra được dấu ấn của biển để khai thác tiềm năng và thế mạnh từ biển. Bên cạnh đó, tình trạng chéo kéo, đeo bám khách du lịch vẫn diễn ra phổ biến, việc nâng giá bán sản phẩm du lịch vẫn tồn tại mà chưa có giải pháp xử lý dứt điểm.
Đại biểu Lê Thị Nam Phương thì cho rằng, Đà Nẵng có sông, núi, biển… là yếu tố thuận lợi cho việc phát triển du lịch, thế nhưng du khách đến “tiêu tiền” ở Đà Nẵng lại rất ít. Vậy phải chăng cách làm du lịch còn yếu và thiếu? Theo bà Phương, để phát triển và xây dựng thương hiệu du lịch Đà Nẵng, thành phố cần quy hoạch lao động phục vụ cho ngành du lịch. Nguồn lao động ở đây phải kể đến từ những người làm công tác quản lý ngành du lịch đến cả những nhân viên phục vụ ở khách sạn, nhà hàng, quán ăn…
Cùng quan điểm trên, đại biểu Trần Đình Hồng đề nghị muốn phát triển ngành du lịch bền vững cần phải đào tạo nguồn nhân lực một cách chuyên nghiệp, bài bản từ lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, các điểm du lịch đến cả lái xe, bồi bàn... Đại biểu Hồng cũng cho rằng, hiện thành phố mới chỉ phát triển du lịch ở phía Đông theo dọc bãi biển, vì vậy đề nghị trong thời gian tới Đà Nẵng cần xây dựng, phát triển du lịch về hướng Tây của thành phố để khai thác tiềm năng, thế mạnh của ngành du lịch sông nước, làng quê…
Tham gia ý kiến đóng góp, ông Lương Nguyễn Minh Triết, Bí thư Quận ủy Liên Chiểu nhấn mạnh, hiện nay, khu vực Tây Bắc thành phố có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Đã và đang có nhiều dự án được cấp phép đầu tư nhưng chủ yếu hiện vẫn nằm trên giấy. Điều này gây ra nhiều hệ lụy cho chính quyền địa phương như ô nhiễm môi trường, xây dựng trái phép… Theo ông Lương Nguyễn Minh Triết, khu vực Liên Chiểu có nhiều điểm hấp dẫn như bãi biển Xuân Thiều, suối Lương, sông Cu Đê, đèo Hải Vân hội đủ nhiều yếu tố để khai thác du lịch nhưng hiện nay đều chưa được quan tâm đầu tư, khai thác có hiệu quả.
Để du lịch thành phố “cất cánh”, đại biểu Huỳnh Phước cho rằng, Đà Nẵng cần đánh giá đúng tiềm năng, thế mạnh của riêng mình để xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, phù hợp. Điển hình, thành phố có thể tập trung vào lĩnh vực du lịch sinh thái tại Bà Nà, bán đảo Sơn Trà, Hải Vân hoặc du lịch biển, du lịch gắn với tâm linh hay đặc biệt hơn là kết hợp giữa du lịch nghỉ dưỡng và du lịch chữa bệnh, giữa hội nghị và du lịch. Bên cạnh đó, du lịch cần phải gắn liền với văn hóa, văn minh. Văn hóa là nền tảng, bệ phóng cho du lịch "cất cánh".
PHAN CHUNG - TRỌNG HÙNG - MAI TRANG