Chính trị - Xã hội

CÂU CHUYỆN DÂN SỐ

Đời em vắng mẹ

14:04, 23/07/2015 (GMT+7)

1

Bám chân người đàn bà đang tất bật với mấy ly cà-phê vỉa hè trên đường Lý Tự Trọng, thằng bé chừng 10 tuổi, mặt mũi kèm nhem vừa ngủ dậy, quần áo nhàu nhĩ, vai mang cặp sách nặng trĩu, nói lí nhí: “Cho con tiền ăn sáng”. Người đàn bà, dường như là nội của em vừa đều tay khuấy cà-phê phục vụ khách, vừa quát: “Tao cho mi 10 ngàn từ hồi tối rồi. Mi để mô mà chừ còn xin nữa”.

Thằng bé lại lí nhí: “Con mua bia cho ba”. Người đàn bà ngưng tay, trợn mắt, nhìn thẳng vào mặt thằng bé: “Ai biểu mua bia cho ba. Tiền của mình thì lo mà giữ ăn sáng. Tốt quá, đi mua bia cho ba”. Nói xong, người đàn bà dúi mạnh tờ 10.000 đồng vào tay thằng nhỏ, tay còn lại xỉ thẳng vào đầu em. Thằng bé nín lặng, cúi gằm mặt.

Sau một phút ngưng lại nhìn hai bà cháu “đối thoại”, những người ngồi cà-phê vỉa hè tiếp tục câu chuyện rôm rả của mình. Còn thằng bé, mặt buồn rười rượi, cầm tờ tiền bước đi…

Không ai xung quanh đó biết ngọn ngành câu chuyện, càng không ai biết tại sao người đàn bà với gương mặt không đến nỗi nào lại có thể quát tháo một đứa bé muốn được ăn sáng. Chỉ một điều cứ lửng lơ trong lòng những người chứng kiến cảnh tượng này, đó là: Mẹ em đâu?

Nếu có mẹ, hẳn giờ này em cũng như bao đứa trẻ khác, được mè nheo trước bữa sáng thơm lừng, nóng hổi. Em sẽ được mẹ chuẩn bị bộ quần áo tinh tươm và bình yên nắm tay mẹ vào lớp. Dĩ nhiên, một thằng bé 10 tuổi có mẹ bên cạnh càng không cần bận tâm bữa sáng hôm nay ngốn hết bao nhiêu tiền. Những điều hết sức bình thường với bao nhiêu em bé, với em, lại quá xa vời…

2

Mẹ bỏ đi, em ở với ba trong căn nhà… không có cửa. Từ trước ra sau nhà trống hoác một đường. Nhà càng trống hơn khi ba đi làm thợ nề nhiều tháng mới về một lần. Lên lớp 3, em đã tự lo tất tần tật mọi thứ cho mình như buổi sáng tự “gọi” mình dậy, tự mặc quần áo, tự soạn sách vở, tự đi về mỗi ngày, rồi tự dỗ mình ngủ mỗi đêm giữa căn nhà vắng tiếng người. Em còn nhẵn mặt cả chuyện “ăn chịu”. Dồn nợ vài tháng, đợi ba về, chủ quán cơm bụi lại sang nhà em tính tiền một lượt. Không ít lần, em chứng kiến ba cãi nhau với chủ quán cơm vì không đủ tiền trả nợ.

Giờ em đã là học sinh cấp 2. Mấy lần, mẹ có ghé qua nhà, quát thật lớn vài câu cho cả xóm cùng nghe để biết rằng mẹ có ngó ngàng đến con, đại loại như: “Nhớ học bài nghe chưa!”, “Ta là mẹ mi, mi đừng có nói láo qua mặt ta”... Xong mẹ lại đi.

Ba em thì vẫn vậy, xa nhà triền miên. Em lại vẫn là thằng bé “ở nhà một mình” nhưng khác xưa nhiều lắm. Nhà không còn thiếu tiếng người khi đã trở thành chỗ tụ tập của đám bạn em. Bị phiền hà từ sự ồn ào của ngôi nhà này, hàng xóm cũng không ai dám “hó hé”. Thỉnh thoảng, chòm xóm lại thấy có người lạ đến tìm em để “hỏi cho ra chuyện”, từ ăn cắp vặt, đập phá đến quỵt nợ, đủ cả.

3

Đồng nghiệp tôi mang đầy tâm trạng sau khi đi viết bài về một hoàn cảnh thương tâm cần giúp đỡ. Đúng hơn là một đám trẻ thương tâm khi không chỉ một, mà có đến bốn đứa nhỏ bị bỏ rơi giữa dòng đời. Vì nghèo, mẹ bỏ đi. Ba sau đó lâm bệnh qua đời. Bốn đứa trẻ trở thành đám con nít không nhà, không học, không giấy tờ tùy thân.

Dù được hàng xóm cưu mang, bốn anh em cũng không thể tụ lại một nhà, bởi chúng phải tản ra làm ăn kiếm sống. Đứa nhỏ nhất mới lên 6 tuổi đã biết thế nào là lao động tay chân. Tài sản duy nhất ba mẹ trao cho đàn con là cái tên đủ họ, còn lại không giấy khai sinh, không hộ khẩu và tương lai càng mờ mịt…

Một khi mẹ chọn con đường rời xa con, những đứa trẻ chỉ còn biết đối mặt với mất mát lớn nhất trong cuộc đời mình là mất đi tình thương, sự chở che của mẹ. Ngay cả một lời ủi an lúc ấm sốt, với bốn đứa trẻ này, đó cũng là điều chỉ xảy đến trong những giấc chiêm bao mơ hồ…

HƯỚNG DƯƠNG

.