Chính trị - Xã hội
Quy hoạch và gìn giữ các giá trị của sông Hàn: Không vội vã, phải tỉnh táo và cẩn trọng
* Ông Đoàn Quyên, phường Phước Ninh, quận Hải Châu, Đà Nẵng: Cần một “hội nghị Diên Hồng” về quy hoạch hai bờ sông Hàn
Vấn đề quy hoạch hai bên bờ sông Hàn đang được dư luận và nhân dân thành phố Đà Nẵng nói riêng, cả nước nói chung, rất quan tâm. Nhân dân quan tâm là đúng bởi để tránh trường hợp “sai một ly, đi một dặm”, một khi các công trình xây dựng “lỡ” mọc lên ở hai bờ sông Hàn theo quy hoạch rồi lại cho là chuyện nhạy cảm, là lãnh đạo của các nhiệm kỳ trước, là sự duy ý chí… Tôi rất tán thành quan điểm quy hoạch hai bên bờ sông Hàn không vội vã, phải hết sức tỉnh táo và cẩn trọng. Vậy để tỉnh táo và cẩn trọng thì cần làm gì?
Còn nhớ, trước đây, thành phố Đà Nẵng cũng đã có ý tưởng và hình thành mô hình dự án cầu đi bộ qua sông Hàn. Dư luận người dân thành phố và các nhà khoa học, kiến trúc sư, xây dựng… có nhiều quan điểm khác nhau. Để có một cái nhìn nhất quán, khách quan và thận trọng, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng, theo tôi là đã có một sự đột phá, sự sáng tạo và có thể nói là rất “dũng cảm” khi tổ chức hội nghị để lấy ý kiến phản biện xung quanh dự án này. Một hội nghị đã quy tụ được rất nhiều ý kiến của các nhà khoa học, kiến trúc sư, các tầng lớp nhân dân trong và ngoài thành phố. Từ hội nghị mang tính đột phá này, dự án cầu đi bộ qua sông Hàn dừng lại, được dư luận đồng tình ủng hộ.
Chúng ta thường nói: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, vấn đề quy hoạch hai bên bờ sông Hàn là việc lớn trước hết cần phải để cho dân biết, dân bàn. Cho nên, vấn đề quy hoạch hai bên bờ sông Hàn, theo ý tôi, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố cần phải tổ chức một “hội nghị Diên Hồng” để quy tụ các ý kiến phản biện của các tầng lớp nhân dân thành phố. Được như vậy, người dân Đà Nẵng sẽ cảm thấy thuận lòng và chính quyền, các cơ quan chức năng đỡ phải phân vân, áy náy… khi quyết định chuyện hệ trọng này.
* Ông Trần Hồng Khánh, du khách Hà Nội: Đừng đánh mất không gian sinh hoạt của người dân
Trong 4 năm trở lại đây, tôi thường xuyên đưa gia đình, người thân và bạn bè vào Đà Nẵng nghỉ ngơi, du lịch. Cảm nhận chung về Đà Nẵng của tôi chắc cũng giống phần nhiều các du khách khắp nơi khi về đây du lịch. Đà Nẵng đẹp, sạch, con người cũng hài hòa, dễ chịu, giá cả sinh hoạt lại hợp lý.
Thời gian vừa qua, tôi có đọc báo và được biết thành phố đang có ý định quy hoạch cảnh quan, kiến trúc hai bên bờ sông Hàn. Qua quan sát, ở bờ Tây sông Hàn, dọc theo vỉa hè đường Bạch Đằng, buổi chiều thấy các cụ già rủ nhau ra bờ sông, khu vực vỉa hè công cộng hóng mát, chơi cờ.
Đêm đến, nhiều bạn trẻ hò hẹn nơi ghế đá, các nhóm nhạc đường phố, câu lạc bộ dưỡng sinh của người lớn tuổi cũng có mặt tại đây, tổ chức nhiều hoạt động bổ ích sôi nổi. Người địa phương có thể không nhận ra vẻ đẹp, sự yên bình trong những hình ảnh đó, nhưng với chúng tôi-những du khách phải sắp xếp thời gian, công việc để được vào Đà Nẵng nghỉ ngơi-lại xem đó là những hình ảnh, không gian sống vô giá.
Phát triển đô thị là mục tiêu của bất cứ địa phương, quốc gia nào, nhưng phát triển như thế nào mà vẫn cơ bản giữ nguyên những giá trị vốn có, người dân vẫn được thụ hưởng những nhu cầu sinh hoạt phục vụ đời sống tinh thần mỗi ngày mới là điều đáng quan tâm. Việc thu hút nhà đầu tư là điều hết sức cần thiết, đặc biệt là lĩnh vực dịch vụ du lịch, nhưng lựa chọn khu vực quy hoạch, địa điểm đầu tư để không ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người dân thành phố là điều cần bàn tới.
Tôi nghĩ, không nên quá vội vã trong việc quy hoạch bởi đây là việc làm mang tính lâu dài. Chỉ cần nóng vội, sơ suất hay một sai lầm dù nhỏ nhất, không chỉ chúng ta hiện nay và con cháu sau này cũng sẽ phải gánh chịu hậu quả mà hoàn toàn không có cơ hội khắc phục.
PHAN CHUNG, P.V ghi