Chưa có số liệu chính thức về cựu chiến binh (CCB), cựu quân nhân (CQN) từng chiến đấu, công tác ở Trường Sa trên địa bàn thành phố, riêng Ban liên lạc truyền thống Bộ đội Trường Sa thành phố Đà Nẵng giai đoạn 1984-1988 đã có gần 100 hội viên.
Các cựu chiến binh Trường Sa ở Đà Nẵng. |
Anh Nguyễn Văn Tấn (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu), Trưởng ban liên lạc truyền thống Bộ đội Trường Sa thành phố Đà Nẵng giai đoạn 1984-1988 cho biết, từ khi được thành lập vào năm 2012, Ban liên lạc đã tổ chức nhiều hoạt động giúp đỡ 9 gia đình liệt sĩ hy sinh trong trận đánh bảo vệ đảo Gạc Ma (quần đảo Trường Sa) ngày 14-3-1988 (thường gọi là liệt sĩ Trường Sa) và các hội viên có hoàn cảnh khó khăn.
Hằng năm, Ban liên lạc tổ chức thăm viếng, tưởng niệm các đồng đội đã hy sinh trong trận đánh tại đảo Gạc Ma ngày 14-3-1988. Những bó hoa, những nén nhang từ tấm lòng thành kính của các anh đối với đồng đội và sự thăm hỏi ân cần của các anh làm ấm lòng bao thân nhân liệt sĩ. Bà Huỳnh Thị Kế ở phường Hòa Cường Nam, mẹ liệt sĩ Nguyễn Phú Đoàn, xúc động nói: Anh em đồng đội của Đoàn thường đến thắp hương tưởng niệm và giúp đỡ gia đình tôi, nhờ đó tôi cảm thấy vơi bớt nỗi đau thương.
Ban liên lạc đã vận động Báo Lao Động hỗ trợ bà Lê Thị Lan (mẹ liệt sĩ Nguyễn Hữu Lộc ở xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) 50 triệu đồng để nâng cấp, sửa chữa nhà ở. Từ số tiền đó, bà Lan đã đổ gác lửng và làm lại nơi thờ cúng con trai hết sức trang trọng. Mỗi lần Ban liên lạc đến thăm, bà Lan cảm thấy như nguôi ngoai nỗi đau buồn. Bà coi các anh cũng như con của mình, còn anh em trong Ban liên lạc thì thường xuyên nhắc nhau đến thăm bà.
Khi đến thăm gia đình bà Trương Thị Ngò (mẹ liệt sĩ Nguyễn Bá Cường ở thôn Thanh Quýt 1, xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), thấy di ảnh liệt sĩ Nguyễn Bá Cường đã cũ và mặc thường phục, Ban liên lạc đã làm lại ảnh mới với quân phục bộ đội hải quân nghiêm trang, sau đó đem vào nhà mẹ Ngò, làm thủ tục đặt lên bàn thờ một cách trân trọng. Nhìn ảnh con trai mình chững chạc trong sắc phục hải quân, mẹ Ngò vui hẳn lên. “Bao năm qua, mẹ mong muốn có tấm ảnh Cường mặc quân phục để thờ, nhưng hồi đó nó đi vội quá, không để lại tấm ảnh nào có mặc quân phục cả!”, mẹ Ngò trải lòng.
Các hội viên có hoàn cảnh khó khăn cũng được Ban liên lạc tận tình giúp đỡ. Sự quan tâm, chia sẻ, hỗ trợ tuy không nhiều về vật chất, nhưng có giá trị to lớn về tinh thần, động viên các CCB, CQN Trường Sa phát huy ý chí quyết thắng, kiên trì vượt khó vươn lên. Mới đây, Ban liên lạc đã vận động kinh phí mua 5 sổ tiết kiệm tình đồng đội, mỗi sổ 5 triệu đồng, tặng gia đình các hội viên nghèo…
Chi phí hoạt động hằng năm chủ yếu do 7 thành viên Ban liên lạc và một số hội viên tự nguyện đóng góp. Các anh Trần Văn Xuất, Trần Công Tiến, Nguyễn Lê Cao Nghiêm… là những người tiêu biểu về ủng hộ kinh phí để tổ chức các hoạt động của Ban liên lạc. Theo anh Nguyễn Văn Tấn, nếu không nhiệt tình, tâm huyết, không có tinh thần đồng chí đồng đội thì Ban liên lạc không thể nào hoạt động được.
Mỗi năm, đến dịp kỷ niệm ngày 14-3, các CCB, CQN Trường Sa lại gặp nhau, ôn lại bao kỷ niệm sâu sắc trong những năm tháng làm nhiệm vụ bảo vệ biển, đảo quê hương. Thỉnh thoảng các anh lại đi ra bãi biển, nhìn về phía khơi xa, nao nao tưởng nhớ những đồng đội đã hy sinh tại đảo Gạc Ma. “Mình nguyện sẽ động viên con em hăng hái tòng quân nhập ngũ, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”, anh Nguyễn Văn Tấn tâm sự.
Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM