.

Quốc ca là hồn của dân tộc

.

LTS: Sau khi Báo Đà Nẵng đăng tin thực hiện Nghị định 145/2013/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua; nghi lễ đối ngoại và đón, tiếp khách nước ngoài; trong đó có quy định về việc đại biểu, người tham dự lễ chào cờ phải hát Quốc ca, phóng viên Báo Đà Nẵng ghi nhận một số ý kiến của người dân về vấn đề này.

Chào cờ trên quần đảo Trường Sa, Việt Nam.  				                         Ảnh: Internet
Chào cờ trên quần đảo Trường Sa, Việt Nam. Ảnh: Internet

Bà Nguyễn Thị Minh Trang, phường Tam Thuận, quận Thanh Khê: Nhắc nhở về lòng tự tôn dân tộc

Trong thời buổi hiện nay có nhiều luồng thông tin đa chiều đến từ mạng xã hội… làm cho người dân dễ bị tác động khi đọc thông tin và dễ dẫn đến nhận thức lệch lạc về đất nước. Từ những thông tin xấu đó mà tình yêu đất nước bị giảm sút, đặc biệt là đối với giới trẻ.

Việc hát Quốc ca giống như lời nhắc nhở thường xuyên cho người dân lòng tự tôn dân tộc, đồng thời trân trọng giá trị lịch sử được hiển hiện trong mỗi lời ca, điều mà giới trẻ ngày nay rất thiếu.

Theo tôi, hát Quốc ca có 2 ý nghĩa: thứ nhất là nhắc nhở về lòng tự tôn dân tộc, thứ 2 là trân trọng giá trị lịch sử. Tuy nhiên nếu ép buộc dễ gây cho người hát cảm giác gượng ép. Vì vậy, để thực hiện tốt việc hát Quốc ca thì khi mới thực hiện, các cơ quan, đơn vị nên động viên, hướng dẫn kịp thời.

Bà Lê Hoàng Diệu Linh, cựu sinh viên Trường Đại học Sư phạm, ĐH Đà Nẵng: Hát làm sao để thể hiện đất nước mình mạnh mẽ

Trong trường học thì cần cho học sinh, sinh viên biết giá trị của việc hát Quốc ca. Đây là bài hát thể hiện bộ mặt của cả đất nước, đã hát thì hát cho đàng hoàng, hùng hồn, hát làm sao để thể hiện đất nước mình mạnh mẽ.

Hơn nữa, tôi nghĩ việc hát Quốc ca trong trường học hiện nay cũng cần điều chỉnh lại. Hiện tại một số trường không cho học sinh, sinh viên hát trực tiếp nữa mà dùng file âm thanh để phát Quốc ca trong lúc chào cờ hoặc có nghi lễ trang trọng.

Quốc ca là cái hồn dân tộc, tôi đồng ý với việc quy định học sinh, sinh viên tự mình cất lời hát Quốc ca khi đứng trang nghiêm chào cờ để thấy được sự hào hùng.

Ông Nguyễn Hoàng Cương, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu: Niềm tự hào của người dân Việt Nam

Tôi hoàn toàn đồng tình với việc nghiêm túc khi thực hiện các nghi lễ quan trọng, đặc biệt là hát Quốc ca. Bài hát ra đời vào thời điểm đặc biệt, là bức tranh tái hiện một cách cụ thể, sinh động và chân thực về một giai đoạn lịch sử oanh liệt, hào hùng.

Đó cũng là lý tưởng, ý chí của cả hệ thống chính trị dù ở bất cứ thời điểm nào. Hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng đã thắm đẫm máu của rất nhiều người hy sinh để cho con cháu có cuộc sống ấm no như hôm nay giúp chúng ta - những thế hệ sau, luôn biết tưởng nhớ, khắc ghi những anh hùng đã hy sinh vì Tổ quốc.

Mỗi khi chào cờ thì tiếng hát, tiếng trống nổi lên hòa nhịp thành bản hợp ca mạnh mẽ, hùng tráng, tái hiện một bức tranh chân thực, hào hùng. Được chào cờ, hát Quốc ca, được đứng dưới lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới, hát vang bài ca về một thời oanh liệt hào hùng của dân tộc là niềm tự hào của bất cứ người dân Việt Nam nào.

Ông Nguyễn Hoàng Anh, phường Thạc Gián, quận Thanh Khê: Nghi lễ chào cờ, hát Quốc ca luôn làm tôi xúc động

Tôi có cơ hội được đi nhiều nơi, tham gia, chứng kiến nhiều nghi lễ, bài hát Quốc ca của nhiều nước. Nhưng nghi lễ chào cờ, hát Quốc ca của nước ta vẫn làm tôi xúc động hơn cả. Tuy nhiên, ngày nay, khi chúng ta bận tâm vào quá nhiều việc, thậm chí bị chi phối bởi quá nhiều sự kiện, mối quan hệ, nên những giây phút chào cờ, hát Quốc ca càng ít lại.

Khi chúng ta mải mê cuốn theo những băn khoăn, trăn trở của cuộc sống thường nhật mà vô tình quên đi quá khứ, quên đi những giá trị vốn có sẽ là điều hết sức nguy hiểm. Nhiều người có thể sẽ bị lệch lạc tư tưởng, thậm chí xem nhẹ những thành quả hôm nay, từ đó dễ nảy sinh những quan điểm, suy nghĩ, hành động sai trái. Việc tham gia, tổ chức thường xuyên nghi lễ chào cờ giúp chúng ta cân bằng được quá khứ, hiện tại và tương lai.

ĐOÀN LƯƠNG, PHAN CHUNG ghi

;
.
.
.
.
.