Chính trị - Xã hội
Nên thi đồ án quy hoạch ven sông Hàn
Cần có tầm nhìn quy hoạch tổng thể khu vực ven sông Hàn nhằm tìm ra ý tưởng phát triển thật tối ưu, phù hợp với thực tế vùng đất, con người Đà Nẵng là điều cần thiết, vừa tránh sự lãng phí tiền của, thời gian của cải xã hội.
Sau khi xem và phân tích đồ án Quy hoạch tổng thể khu vực ven sông Hàn do Công ty JiNA lập, Hội Cầu đường thành phố có kiến nghị 5 vấn đề:
Để dự án mang tính bền vững và tầm cỡ, cần thiết phải mở rộng quy mô dự án. Vì vậy tên của dự án cần có sự điều chỉnh phù hợp với quy mô mới. Phạm vi nghiên cứu nên mở rộng: thứ nhất, về chiều dọc sông, tối thiểu là từ cầu Thuận Phước đến cầu Cẩm Lệ; nếu có điều kiện nghiên cứu rộng hơn để có định hướng sử dụng quỹ đất trong tương lai càng tốt; thứ hai, về chiều ngang sông trong phạm vi lòng sông và 2 bờ (phạm vi mỗi bên 200m). Để tiết kiệm kinh phí, các cơ quan quản lý Nhà nước nên cung cấp cho tư vấn các số liệu:
Hiện trạng hạ tầng kỹ thuật giao thông đường bộ, đường thủy, đường điện, thông tin liên lạc, cáp quang, nước sinh hoạt, nước thải, hạ tầng đô thị (công trình công cộng, trụ sở cơ quan, khách sạn cao tầng, chợ, siêu thị, bến thuyền...) trong phạm vi nghiên cứu; các dự án đang triển khai; quy hoạch giao thông, đô thị đã được phê duyệt, chưa triển khai, khả năng thu hồi đất tối đa cho dự án (vị trí, quy mô); bản vẽ, thuyết minh hiện trạng và quy hoạch các khu vui chơi, giải trí của ngành du lịch thành phố; báo cáo về tình hình địa chất, thủy văn, địa hình dòng chảy của sông Hàn trong phạm vi nghiên cứu của dự án (đặc biệt các mặt cắt ngang sông tại vị trí cách tim trụ, mố cầu 20m về phía thượng lưu cầu); tình hình khí hậu khu vực dự án; một số yêu cầu đối với đồ án quy hoạch ven sông (mục tiêu của đồ án, những yêu cầu bắt buộc...).
Phương án quy hoạch cần bảo đảm các yêu cầu sau: Giữ nguyên hiện trạng dòng chảy, tuyệt đối không làm kè, đảo nhân tạo, các công trình gây lấn dòng chảy. Hạn chế việc xây mới các cầu tàu du lịch, không cải tạo phá bỏ hàng cọc kè cũ. Quy hoạch phải kết hợp tận dụng tối đa các cơ sở hạ tầng vui chơi, giải trí đạt chuẩn hiện có trên 2 bờ sông, góp phần nâng cao tối đa quy mô, chất lượng các hoạt động này đạt tầm cỡ quốc tế; đồng thời phải tạo ra sự khác biệt với các hoạt động vui chơi, giải trí khác trên địa bàn thành phố.
Quy hoạch phải bảo đảm không trùng lắp về nội dung trên các đoạn sông. Quy hoạch phải mang nét đặc trưng văn hóa, tinh thần của người Đà Nẵng, thể hiện được những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của số đông người dân, bảo đảm thân thiện với môi trường sống, làm việc, khung cảnh thiên nhiên xung quanh. Cần khoanh các khu vực lân cận nằm trong phạm vi ảnh hưởng của đồ án để khuyến cáo người dân tham gia làm du lịch theo định hướng quy hoạch, giúp cho việc mở rộng không gian du lịch theo đúng quy hoạch.
Do đồ án của tư vấn JiNA tồn tại quá nhiều vấn đề cơ bản nên việc nghiên cứu làm lại từ đầu là không tránh khỏi. Muốn tránh mắc lại tình trạng này cần thiết phải tổ chức một thi tuyển quốc tế. Để cuộc thi đạt kết quả tốt, cần phải lập đề cương tổ chức cuộc thi quy hoạch 2 bờ sông Hàn nhằm cung cấp các số liệu đầu vào cho các nhà tư vấn, đồng thời nêu mục đích, ý tưởng mà nhân dân, chính quyền thành phố gửi gắm, mong đợi.
Ngoài tư vấn JiNA, cho phép mời rộng rãi các tổ chức tư vấn trong và ngoài nước để lựa chọn phương án tốt nhất, phù hợp với Đà Nẵng. Mời các chuyên gia đầu ngành trong nước cùng tham gia chấm thi để lựa chọn được sản phẩm đặc sắc, tối ưu cả về kỹ thuật, mỹ thuật lẫn kinh phí. Trong thực tiễn, thành phố từng tổ chức thi tuyển thiết kế các công trình cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, cầu vượt ngã ba Huế là những công trình mang đậm dấu ấn rất riêng của thành phố.
S.TRUNG tổng hợp