.

Vận động quần chúng là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên

Ngày 9-7, Ban Dân vận Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 14-5-2015 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam” và sơ kết công tác dân vận 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2015.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh dự và chỉ đạo hội nghị; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Hà Thị Khiết chủ trì hội nghị. Phó Bí thư thường trực Thành ủy Võ Công Trí chủ trì điểm cầu Đà Nẵng.

Theo báo cáo, 6 tháng đầu năm, Ban Dân vận Trung ương đã triển khai Nghị quyết 25-NQ/TW về “Tăng cường, đổi mới sự lãnh đạo của Đảng về công tác dân vận trong tình hình mới”; tiếp tục thực hiện có hiệu quả quy chế công tác dân vận của cả hệ thống chính trị và các nghị quyết, chỉ thị, quy định về công tác dân vận. Đội ngũ làm công tác dân vận của hệ thống chính trị tiếp tục được kiện toàn và nâng cao về chất lượng; chủ động sáng tạo, phối hợp tốt hơn trong việc tham mưu Trung ương và các cấp ủy về công tác dân vận…

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Lê Hồng Anh đề nghị cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quyết định, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác dân vận; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc củng cố, kiện toàn bộ máy của Ban Dân vận các cấp và các đoàn thể chính trị-xã hội; thực hiện tốt công tác vận động quần chúng, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị.

Tại hội nghị, Ban Dân vận Trung ương triển khai nội dung Chỉ thị 43-CT/TW của Ban Bí thư với các nội dung chính: tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với việc giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam; thực hiện đầy đủ chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam; tiếp tục vận động, đấu tranh phù hợp với đường lối, chủ trương đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta trong giải quyết hậu quả chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài, các tổ chức quốc tế và các nước trên thế giới hiểu rõ thảm họa chất độc hóa học trong chiến tranh ở Việt Nam.

PHAN CHUNG

;
.
.
.
.
.