ĐNĐT - Chỉ trong vòng 6 tháng, liên tiếp các vụ phá rừng quy mô lớn bị phát hiện tại rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa (vùng giáp ranh giữa huyện Hòa Vang với huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) và rừng phòng hộ ở thôn An Định (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang).
Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ yêu cầu xử lý nghiêm các vụ việc, đối tượng phá rừng để giữ "lá phổi" xanh cho thành phố. Ảnh: NC |
Sáng nay (9-7), chất vấn ông Trần Văn Lương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm thành phố, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ đã truy trách nhiệm của lực lượng Kiểm lâm khi để lâm tặc ngang nhiên phá rừng với quy mô lớn, mức độ nghiêm trọng trong 6 tháng qua.
Theo giải trình của ông Trần Văn Lương, vụ khai thác gỗ trái phép tại tiểu khu 37 rừng Cà Nhông (thuộc rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa, giáp ranh giữa huyện Hòa Vang với huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) xảy ra vào quý 1 năm 2014, sau Tết âm lịch. Đã có 104 cây gỗ kiền kiền nhóm 2 có đường kính từ 25-96cm bị khai thác trái phép.
Tổng khối lượng gỗ thiệt hại là 154m3 gỗ tròn. Tổng giá trị thiệt hại là 4,278 tỷ đồng, trong đó giá trị lâm sản thiệt hại tại rừng đặc dụng là 713 triệu đồng, giá trị thiệt hại về môi trường là 3,565 tỷ đồng.
Liên quan đến vụ án này, lực lượng chức năng đã bắt tạm giam 11 đối tượng, trong đó có 2 đối tượng của ngành lâm nghiệp, 9 đối tượng ở Quảng Nam. Riêng nội bộ ngành Kiểm lâm thành phố, đã đình chỉ công tác 10 cán bộ, viên chức, trong đó Ban quản lý rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa: 5 người, Hạt Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa: 5 người.
6 tháng sau, 5,3 ha rừng phòng hộ ở tiểu khu 10 (thôn An Định, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) đã bị chặt hạ. Trong suốt gần 1 tháng, lâm tặc ngang nhiên dùng dao, rựa, cưa máy cắt gỗ thành từng khúc đưa đi tiêu thụ, thậm chí mang cả xe cơ giới vào san ủi 16 m2 mặt bằng, múc 160m2 đất làm ao; mở mới 300 m đường xương cá, sửa 880 m đường lâm nghiệp cũ.
Mức độ nghiêm trọng là vậy, nhưng 1 tháng sau kiểm lâm địa phương mới phát hiện. Hậu quả, đã có 2.436 cây gỗ có đường kính 10-24 cm và 9.344 cây gỗ có đường kính 5-10cm bị chặt hạ.
8 đối tượng, trong đó 6 người đến từ Nghệ An, đã bị cơ quan chức năng bắt giữ; hiện 1 người bị tạm giam, 7 đối tượng được cho về địa phương chờ xử lý.
Từ giải trình của ông Lương, đại biểu Tạ Tự Bình chất vấn liệu việc củng cố, kiện toàn lại lực lượng Kiểm lâm còn bất cập? Công tác phối hợp giữa các địa phương chưa tốt? Và phải chăng “mất bò, mới lo làm chuồng” khi rừng đã bị chặt hạ mới cho người lên cắm chốt?
Ngay sau đó, trước thông tin ông Lương đưa ra về việc xử lý khiển trách kiểm lâm viên khu vực; không xét thi đua, phê bình Hạt trưởng, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Hòa Vang, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ cho rằng xử lý như vậy còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe và như vậy, sẽ vẫn còn tái diễn tình trạng chặt phá rừng.
Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố yêu cầu chính quyền địa phương, các đơn vị phối hợp xử lý nghiêm các vụ phá rừng nói trên.
“Phải xử lý mạnh tay, đủ sức răn đe… Đối với vụ ở tiểu khu 10, phải xử lý tối đa, xử tột khung để giữ rừng, giữ “lá phổi” của thành phố.” - đồng chí Trần Thọ nhấn mạnh.
Đồng thời, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố yêu cầu lãnh đạo huyện Hòa Vang, Chi cục Kiểm lâm chỉ đạo xử lý nghiêm cán bộ vi phạm, đủ sức răn đe để không tái diễn nạn phá rừng như vừa qua.
P.V