.
Chuyện tổ, chuyện thôn

Đổi thay ở "xóm quạt"

Ở xóm quạt, có một thời chính quyền địa phương đau đáu về nạn thất học và trộm cắp vặt, điều này giờ đã lùi xa vào dĩ vãng. Con đường trải nhựa đều tăm tắp chạy ngang những ngôi nhà khang trang báo hiệu xóm quạt nay khác rồi.

Xóm quạt từng là khu vực có mặt bằng dân trí và điều kiện sinh kế thấp nhất ở phường An Hải Đông (quận Sơn Trà). Thời bao cấp, đàn ông trong xóm chủ yếu đi phụ hồ, kéo xe ba gác, xe bò; phụ nữ ở nhà làm quạt giấy. Có lẽ vì vậy mà xóm được gọi tên là “xóm quạt”. Đời sống khó khăn là nguyên nhân khiến cha mẹ không có điều kiện quan tâm đến con cái.

Một bộ phận thanh - thiếu niên của xóm quạt hư hỏng từ đó. Trước đây, nghe tên xóm quạt thì người dân quanh khu vực ai cũng sợ, bởi cái xóm đường đất đỏ tối om, thường xuyên có những thanh niên say xỉn đánh nhau, mâu thuẫn giữa bà con lối xóm diễn ra như cơm bữa…

Chuyện học của “xóm quạt” một thời cũng là nỗi lo lắng của chính quyền địa phương khi xóm đứng đầu bảng trong khu vực có con em bỏ học giữa chừng, hiếm có học sinh tốt nghiệp THPT. Các tổ chức, hội, đoàn thể phải thường xuyên đến từng nhà động viên phụ huynh, khuyến khích cho con em đến trường.

Từ khi thực hiện Chỉ thị 21 của Thành ủy, “xóm quạt” được chia thành 3 TDP: 62, 63, 64 với 88 hộ dân, hơn 450 nhân khẩu. Đưa tôi đi quanh xóm để “khoe” về sự đổi thay của “xóm quạt”, ông Lê Đình Trí, tổ trưởng TDP 64, không giấu niềm xúc động, bởi từ khi con đường nhựa được hoàn thành vào cuối năm 2012, bộ mặt của “xóm quạt” cũng đổi khác, người dân được chính quyền địa phương hỗ trợ mỗi gia đình vay 15 triệu đồng để sửa nhà cửa. Con đường cũng không phải “mượn tên” K59 Lê Hữu Trác nữa mà đường hoàng mang tên Nguyễn Thiện Kế, chạy thẳng ra đường Võ Văn Kiệt.

“Xóm quạt” bây giờ ánh điện soi sáng từng ngõ ngách. Những ngôi nhà tạm bợ trước kia được thay bằng nhà kiên cố, vững vàng trước mưa bão. Người dân trong xóm cũng chuyển hướng từ lao động phổ thông sang kinh doanh dịch vụ ăn uống; làm mộc; cho thuê mặt bằng, phòng trọ… Đời sống kinh tế đi lên, tuy chưa mạnh mẽ.

Đổi thay nhất phải kể đến là chuyện học ở “xóm quạt”. 5 năm trở lại đây, toàn xóm không còn học sinh bỏ học. Các hội, đoàn thể cũng không còn đến tận nhà dân động viên mà các bậc cha mẹ tự ý thức khuyến khích con trẻ đến trường. Đáng mừng là những năm về sau này, năm nào xóm cũng nhận tin vui 3-4 em đỗ đại học, cao đẳng. Kỷ lục nhất là năm 2014, xóm có 5 em đỗ đại học. Nhiều gia đình bây giờ cha mẹ vẫn làm lao động phổ thông nhưng con cái đều học hành giỏi.

Tiêu biểu có gia đình bà Nguyễn Thị Hồng (TDP 64) có cả hai con đang học Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng); hay gia đình ông Võ Hồng Sơn (TDP 63) có hai con vừa tốt nghiệp đại học, một người làm giảng viên Trường Cao đẳng Việt - Hàn và một người làm việc tại ngân hàng. Tin vui về giáo dục cứ mỗi năm đến một nhiều hơn. Ý thức giáo dục tăng lên rõ rệt song hành với nhận thức về văn hóa. Nạn trộm cắp vặt cũng theo đó mất đi.

“Xóm quạt” bây giờ khác lắm. Số hộ nghèo chỉ đếm trên một bàn tay. Người dân tự nguyện đóng góp các quỹ trong năm, tham gia sôi nổi các hoạt động tập thể do địa phương phát động. Ông Nguyễn Văn Phúc, tổ trưởng TDP 63, tự hào: “Trước đây, khu vực “xóm quạt” luôn lẹt đẹt chót bảng trong các hoạt động của phường An Hải Đông nhưng nay đã vươn lên vị trí trung bình - khá so với toàn phường. Đó là nỗ lực chung tay của 3 TDP trong xóm”.

QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.