.

Công an Đà Nẵng: 70 năm - một chặng đường

Trải qua 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng Công an thành phố Đà Nẵng liên tiếp giành nhiều chiến công, góp phần không nhỏ vào công cuộc bảo vệ chính quyền cách mạng, đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước.

Bài 1: Bảo vệ chính quyền cách mạng

Ngày 26-8-1945, phong trào khởi nghĩa giành chính quyền nổ ra tại Đà Nẵng và nhanh chóng giành thắng lợi. Ủy ban khởi nghĩa tuyên bố giải tán chính quyền tay sai, thành lập chính quyền cách mạng. Cũng chính ngày này, lực lượng Công an thành phố (CATP) Đà Nẵng ra đời.

Liên tiếp lập chiến công

Ngay sau khi ra đời, lực lượng CATP đã nhanh chóng triển khai các mặt công tác nhằm ổn định tình hình và thiết lập an ninh trật tự. Nhiệm vụ cấp bách và nặng nề lúc bấy giờ là phải vừa phải đấu tranh trấn áp bọn phản cách mạng, chuẩn bị đối phó cùng lúc với cả hai kẻ thù (quân Tưởng và quân Pháp); vừa phải tiếp tục xây dựng và phát triển lực lượng, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ. Tháng 4-1946, Chi bộ CATP Đà Nẵng được thành lập.

Tháng 12-1946, Ty Công an Đà Nẵng trên cơ sở nắm chắc tình hình hoạt động của các loại đối tượng chính trị phản động đã lập kế hoạch bắt tập trung gần 100 tên, gửi cho Công an Điện Bàn giam giữ; mặt khác tích cực làm trong sạch địa bàn trước khi chiến sự xảy ra, nhanh chóng chuyển hồ sơ đến nơi an toàn và phối hợp với các lực lượng khác hướng dẫn nhân dân tản cư, thực hiện “vườn không nhà trống”.

Tháng 1-1947, Ty Công an Quảng Nam và Ty CATP Đà Nẵng sáp nhập thành Ty Công an Quảng Nam - Đà Nẵng, trên cơ sở sáp nhập tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng để kịp thời chỉ đạo phong trào. Xác định rõ nhiệm vụ chính trị của mình, các lực lượng CATP Đà Nẵng đã tăng cường công tác đấu tranh trấn áp phản cách mạng, trừng trị nhiều tên việt gian ngoan cố, gián điệp, chỉ điểm và những tổ chức phản động của địch. Chỉ trong thời gian ngắn, CATP Đà Nẵng đã lập nhiều chiến công lớn; phối hợp với lực lượng khác tiêu diệt nhiều tên tay sai gian ác, đánh sập nhiều đồn bốt kiên cố của địch khiến chúng vô cùng hoảng sợ.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng Công an ở các vùng tự do tích cực chuẩn bị đối phó với âm mưu mới của địch. Công an các huyện được tăng cường, Công an xã được phân công giám sát các đối tượng phản cách mạng. Những cơ sở bí mật đều có kế hoạch bảo đảm liên lạc khi địch vây ráp hoặc chiếm đóng. Can phạm ở các trại giam được phân loại và chuẩn bị di chuyển khi có chiến sự xảy ra, hồ sơ tài liệu được chuyển về căn cứ... Cùng với đó, lực lượng Công an cũng đẩy mạnh đấu tranh chính trị và tham gia công tác binh vận.

Ngày 20-7-1954, Hiệp định Genève được ký kết, cuộc kháng chiến chống Pháp lâu dài, gian khổ và anh dũng của nhân dân ta đã kết thúc thắng lợi.

Tích cực chống Mỹ, giải phóng quê hương

Tháng 3-1961, Ban An ninh tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng được thành lập. Lực lượng an ninh đã kết hợp chặt chẽ giữa hoạt động bí mật và công khai để bảo vệ an toàn các căn cứ địa và cơ sở cách mạng; tập trung xây dựng cơ sở trong các cơ quan đầu não trọng yếu của địch để nắm tình hình và âm mưu của chúng, kịp thời có đối sách trong bảo vệ và tổ chức chiến đấu.

Xác định rõ Đà Nẵng là địa bàn chiến lược ở miền Trung, tháng 3-1962, Bộ Công an thành lập Trung tâm Tình báo A3 tại Đà Nẵng. Tháng 10-1964, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng tách thành hai đơn vị hành chính, Ban An ninh Đà Nẵng được thành lập mà nòng cốt là lực lượng tình báo A3.

Năm 1965, Mỹ ồ ạt đưa quân viễn chinh vào miền Nam và Đà Nẵng là nơi đổ bộ đầu tiên của chúng. Ngay khi quân Mỹ mới đặt chân lên Đà Nẵng, lực lượng an ninh Đà Nẵng đã phối hợp với quân dân Đà Nẵng tổ chức nhiều trận đánh vào các căn cứ, diệt nhiều tên lính Mỹ, góp phần làm nên “Vành đai diệt Mỹ” ở Hòa Vang.

Cuối năm 1967, Khu ủy khu V quyết định sáp nhập thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Đà thành Đặc khu Quảng Đà. Thời điểm này, Đại tá Mai Văn Dậu (hiện 93 tuổi, trú quận Hải Châu, Đà Nẵng), lúc đó là Trưởng Công an vũ trang huyện Nga Sơn (tỉnh Thanh Hóa), được điều vào khu V giữ chức Phó ban An ninh Đặc khu Quảng Đà. Đại tá Dậu kể lại: “Sau khi nhận trọng trách đặc biệt quan trọng này, tôi đã củng cố lại lực lượng và quán triệt toàn cán bộ, chiến sĩ nhận thức rõ nhiệm vụ, đẩy mạnh công tác huấn luyện cho lực lượng an ninh vũ trang; vừa có kế hoạch nắm vững địa bàn xác lập phương án, mục tiêu tấn công tiêu diệt địch, vừa xây dựng mạng lưới cơ sở nắm tình hình”.

Rạng sáng 31-1-1968, cuộc tổng tiến công và nổi dậy ở Đà Nẵng bắt đầu. Khi này, lực lượng an ninh đã tham gia các mũi tiến công đánh thẳng vào các mục tiêu trọng điểm của địch ở Đà Nẵng, làm chúng không kịp đối phó. Qua 10 ngày tiến công và nổi dậy, lực lượng an ninh đã cùng quân và dân thành phố loại khỏi vòng chiến đấu hơn 1.000 tên địch, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh, góp phần cùng quân và dân miền Nam đánh bại một bước quan trọng chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ.

Cuối năm 1974, trước thế chủ động và sức tiến công mạnh mẽ của ta trên khắp chiến trường miền Nam, địch ngày càng lâm vào thế bị động, lúng túng và suy yếu nhanh chóng. Nhận rõ thời cơ, lực lượng an ninh tích cực chuẩn bị mọi mặt cho chiến dịch giải phóng Đà Nẵng.

Sáng sớm 29-3-1975, các mũi tiến quân của ta dồn dập nổ súng tấn công vào Đà Nẵng. Đại tá Mai Văn Dậu cùng Trưởng ban An ninh Đặc khu Quảng Đà Hoàng Văn Lai chỉ huy hơn 200 đồng chí tham gia giải phóng thành phố Đà Nẵng. Lực lượng an ninh đã phối hợp với các lực lượng khác tiến công, chiếm lĩnh một số điểm trọng yếu như Nhà máy đèn, Nhà máy nước, Đài phát thanh, Nha Cảnh sát vùng I, Trụ sở Quốc dân đảng, Cơ quan CIA, Tòa Thị chính, Trại thẩm vấn Thanh Bình, Lãnh sự quán Mỹ... và 21 điểm của cảnh sát ngụy. Chiều 29-3-1975, Đà Nẵng được hoàn toàn giải phóng.

Trong chiến dịch giải phóng Đà Nẵng, lực lượng an ninh đã góp phần tích cực thực hiện chủ trương của Trung ương, của Khu ủy V đập tan âm mưu co cụm chiến lược của Mỹ - ngụy, ngăn chặn bọn địch ở quân khu I chạy về Sài Gòn, tạo điều kiện chi viện cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của ta vào sào huyệt của địch vào ngày 30-4-1975 lịch sử, giải phóng  hoàn toàn miền Nam.  

ĐẮC MẠNH tổng hợp

;
.
.
.
.
.