Chính trị - Xã hội
Hỗ trợ nạn nhân bom mìn: Cần giải pháp căn cơ
ĐNĐT - Mỗi năm cả nước có hàng ngàn người bị thương do bom mìn, vật liệu nổ. Làm thế nào để hỗ trợ hiệu quả cho nạn nhân bom mìn là vấn đề được đặt ra tại Hội thảo phục hồi chức năng nghề nghiệp cho nạn nhân bom mìn, do Cục Bảo trợ xã hội thuộc Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại Đà Nẵng ngày 20-8.
Tặng xe lăn cho người khuyết tật tại Đà Nẵng. |
Chưa có chính sách riêng
Ông Tô Đức, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ LĐ-TB&XH, cho biết mỗi năm cả nước có hàng ngàn người bị thương vong do bom mìn, vật liệu nổ. Hầu hết trong số họ đều có nhu cầu được trợ giúp chữa trị về mặt y tế để phục hồi chức năng vận động, hòa nhập cộng đồng.
Theo ông Đức, hiện vẫn chưa có chính sách riêng cho nạn nhân bom mìn mà hầu hết các ngành, các địa phương vẫn phải linh động lồng ghép vào các chính sách khác như các chính sách trợ giúp người khuyết tật, phát triển nghề công tác xã hội (CTXH) để hỗ trợ các đối tượng (trong đó có nạn nhân bom mìn)…
Ngoài ra, khó khăn còn đến từ chính nạn nhân bom mìn. Theo ông Đặng Văn Thảo, Phó Giám đốc Trung tâm nuôi dưỡng và cung cấp dịch vụ công tác xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế, hầu hết nạn nhân bom mìn là người khuyết tật, độ tuổi cao và nằm rải rác trên địa bàn các phường, xã nên việc đánh giá nhu cầu, lựa chọn để hỗ trợ học nghề cho họ hết sức khó khăn.
Đồng quan điểm này, ông Vũ Văn Khánh, Giám đốc Trung tâm cung cấp dịch vụ CTXH tỉnh Thanh Hóa, cũng cho biết các nạn nhân bom mìn hầu như không có nhu cầu học nghề hoặc có nhưng rất ít và các nghề học tại địa phương không có cơ sở dạy nghề. “Nhiều khi kết nối để gửi đối tượng đến cơ sở dạy nghề tại địa phương khác để đối tượng được học nghề, nhưng đối tượng không đi với lý do bệnh tật”, ông Khánh cho biết.
Tính đến nay, toàn địa bàn Đà Nẵng có hơn 350 người khuyết tật là nạn nhân bom mìn sau chiến tranh. Theo bà Trương Thị Như Hoa, Giám đốc Trung tâm CTXH Đà Nẵng, hầu hết người khuyết tật là nạn nhân bom mìn lớn tuổi, không có nhu cầu học nghề, nên chỉ yêu cầu được hỗ trợ sinh kế. "Hiện nay, họ chỉ học được một số nghề như làm nấm, trồng cây cảnh, điện dân dụng.... Tuy nhiên, làm thành phẩm mà “đầu ra” còn nhiều khó khăn nên nhiều người rất dễ bỏ nghề”, bà Hoa nói.
Đẩy mạnh quản lý trường hợp
Nhiều ý kiến cho rằng, xác định việc hỗ trợ nạn nhân bom mìn được phục hồi chức năng là hoạt động thiết thực nhằm giúp nạn nhân bom mìn được chăm sóc về y tế để tăng cường sức khỏe.
Hiện nay, đa số nạn nhân bị bom mìn bị khuyết tật, thương tật ở nhiều dạng khác nhau và thuộc hộ nghèo nên trong sinh hoạt và đời sống gặp rất nhiều khó khăn. Các hoạt động hỗ trợ hầu hết ở quy mô nhỏ lẻ nên nhiều đối tượng chưa được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ.
Số liệu nạn nhân bị ảnh hưởng bom mìn tại các địa bàn chưa sát thực vì chưa có cuộc điều tra rà soát. Vì vậy, cần có cuộc tổng điều tra rà soát nạn nhân bom mìn trên toàn quốc để có kế hoạch, giải pháp thiết thực và dài hơi hơn trong việc hỗ trợ chế độ chính sách cho nạn nhân bom mìn.
Theo nhiều đại biểu, quản lý trường hợp nhằm nắm thông tin, đặc điểm, hoàn cảnh kinh tế, khả năng tham gia thị trường nhằm đánh giá nhu cầu của từng nạn nhân bom mìn là cách làm khá hiệu quả tại một số địa phương.
Ông Tô Đức, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, cũng cho rằng cần đẩy mạnh hình thức quản lý trường hợp; đồng thời để tạo điều kiện cho các nạn nhân bom mìn có thể tiếp cận tối đa các dịch vụ CTXH cũng như giúp họ giải quyết những vấn đề khó khăn thì cần thiết lập, vận hành đường dây nóng tư vấn tại các Trung tâm CTXH nhằm hướng dẫn kịp thời, giúp họ hòa nhập cộng đồng, ổn định và vươn lên trong cuộc sống.
Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ