Chính trị - Xã hội

Khai thác tiềm năng du lịch bán đảo Sơn Trà

Bài cuối: Cẩn trọng khi quy hoạch

07:37, 21/08/2015 (GMT+7)

Theo các nhà làm du lịch, thông tin quy hoạch bán đảo Sơn Trà (BĐST) thành vùng du lịch quốc gia của Chính phủ đã mở ra nhiều cơ hội cũng như thách thức cho ngành du lịch thành phố Đà Nẵng trong việc khai thác và bảo tồn khu rừng già này.

Cây đa di sản bị xâm hại (khắc tên, đánh dấu lên thân cây).
Cây đa di sản bị xâm hại (khắc tên, đánh dấu lên thân cây).

Giải pháp để các điểm dừng chân không bị xâm phạm bởi con người vào thiên nhiên, cũng như giải pháp để quảng bá điểm đến hấp dẫn này là bài toán khó mà ngành du lịch thành phố cần sớm tìm ra đáp án.

Lựa chọn đồ án quy hoạch phù hợp

Cuối tháng 6-2015, Bộ VH-TT&DL công bố, phổ biến và triển khai Quyết định số 2350/QĐ-TTg ngày 24-12-2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng duyên hải Nam Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Theo đó, xác định phát triển Đà Nẵng trở thành trung tâm du lịch của tiểu vùng du lịch phía Bắc, BĐST được quy hoạch thành vùng du lịch quốc gia.

Hưởng ứng chủ trương này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, Đà Nẵng sẽ ưu tiên khai thác tiềm năng du lịch tại BĐST theo hướng phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch tâm linh; đồng thời, chú ý phát triển du lịch đường thủy, kết nối sông Hàn với các bãi biển xung quanh bán đảo.

Năm 2012, UBND thành phố đặt hàng cho Công ty Skidmore, Owing & Merill LIP của Mỹ (viết tắt là S.O.M) nghiên cứu lập quy hoạch phát triển du lịch cho BĐST nhằm tạo điều kiện để khu rừng già này được đầu tư mạnh theo hướng phát triển du lịch bền vững. Trong thời gian chờ quy hoạch tổng thể từ Tổng Cục Du lịch vào cuối năm nay, BĐST vẫn được đầu tư một phần theo bản đồ án đặt hàng của Công ty S.O.M.

Nhiều nhà làm du lịch cho rằng, ngành du lịch thành phố cần tính toán để lựa chọn đồ án quy hoạch phù hợp, khai thác hết lợi thế và tiềm năng của BĐST, tránh gây những tác động không mong muốn. Đặc biệt, cần có ý kiến của các cơ quan quân sự không chỉ đối với khu vực bán đảo mà ngay cả với các dịch vụ lặn ngắm san hô như: quy định về độ sâu, khoanh vùng, đồng thời không được có yếu tố nước ngoài đối với các dự án đầu tư tại BĐST.

“Việc quy hoạch BĐST thành khu du lịch quốc gia đã tạo ra cơ hội lớn cho ngành du lịch Đà Nẵng, nhất là việc khai thác thêm một sản phẩm điểm đến hấp dẫn trong tình hình du lịch sinh thái ở Đà Nẵng vẫn còn thiếu như hiện nay. Làm sao đầu tư, quy hoạch đúng hướng để phát triển bền vững, có sản phẩm đúng nghĩa, vừa bảo vệ môi trường thiên nhiên, vừa phát triển kinh tế địa phương là điều mà các ngành chức năng, lãnh đạo địa phương cần hết sức quan tâm”, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hội Lữ hành thành phố đề xuất.

Vừa quy hoạch, vừa bảo tồn

Với 985 loài thực vật, trong đó có 22 loài quý, hiếm được liệt vào Sách đỏ Việt Nam; 191 loài san hô cứng tạo rạn, 3 loài cỏ biển, 72 loài rong biển, 162 loài cá…, thảm động thực vật tại BĐST được cho là hết sức đa dạng. Bên cạnh đó, BĐST còn sở hữu tài nguyên nhân văn độc đáo như Trạm radar 29, sân bay trực thăng, đỉnh bàn cờ, Chùa Linh Ứng, Bảo tàng Đình Đồng, Nghĩa địa Y-Pha-Nho, Khu du lịch Nhất Lâm Thủy Trang Trà.

Ven bờ biển BĐST hiện còn nhiều bãi biển hoang sơ, hấp dẫn du khách khám phá thiên nhiên kỳ thú. Điều này đặt ra thách thức cho ngành du lịch thành phố trong công tác quy hoạch để bảo tồn hết những giá trị về thiên nhiên, nhân văn và lịch sử nơi đây.

Thời gian qua, không ít người lo lắng về công tác bảo vệ, bảo tồn thiên nhiên hoang dã khi những hình ảnh về các loài động, thực vật quý hiếm ở rừng Sơn Trà bị chọc tiết được đưa lên phương tiện thông tin đại chúng; hình ảnh Cây di sản bị khắc, vẽ bậy lên thân; hay rác thải còn rải rác bị du khách thải ra dọc tuyến phượt. Bên cạnh đó, những khu nghỉ dưỡng cao cấp, những dự án ven biển đang xây dựng dang dở trong rừng Sơn Trà cũng là mối quan ngại của nhiều người yêu mến “viên ngọc quý” này...  

Ông Nguyễn Đức Vũ, Phó Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng (gọi tắt là BQL) cho biết, trong các tuyến, điểm du lịch có kế hoạch khai thác tại BĐST, BQL đều có các buổi làm việc các đơn vị liên quan để có sự thống nhất cao mới đi đến mở tuyến, điểm. Thế nhưng, theo khảo sát của chúng tôi, ngoài một số ít tour du lịch đến BĐST do BQL khai thác thì hầu như các tour, tuyến đến BĐST còn mang tính tự phát.

“Bất cập lớn nhất hiện nay là trong khi ngành du lịch muốn đưa du khách lên bán đảo, khuyến khích du lịch sinh thái với những tour đi bộ xuyên rừng, thâm nhập thực tế để ngắm các loài linh trưởng quý hiếm thì đó lại là khó khăn cho cán bộ kiểm lâm trong công tác bảo vệ, quản lý”, ông Cao Trí Dũng nói.

Tăng cường công tác phối hợp

Theo các hãng lữ hành, để phát triển du lịch bền vững, có tính ổn định cao trong các sản phẩm (điểm đến, tour, tuyến du lịch trên cạn, dưới nước), cần sự phối hợp của các ngành chức năng và các doanh nghiệp làm du lịch.

“Lâu nay, doanh nghiệp rất khó khăn trong việc thiết kế các tour lên BĐST. Hầu như các tour đến Sơn Trà chủ yếu là tham quan chùa Linh Ứng. Một mặt do sản phẩm điểm đến vẫn chưa có, dù nơi đây rất nhiều tiềm năng, mặt khác công tác quản lý rừng đặc dụng vẫn còn khá lỏng lẻo”, bà Lê Tuyết Linh, Trưởng phòng Chuyên đề - Liên kết, Công ty CP Du lịch Việt Nam (Vitours) chia sẻ.

Các hãng lữ hành cho biết, việc đưa tour, tuyến về BĐST không khó, cái khó là tính ổn định cũng như sự hấp dẫn từng tour, tuyến để kéo du khách quay lại. Trong khi đó, BQL không đủ chức năng, tính pháp lý trong việc kinh doanh các dịch vụ tour, tuyến.

“Nên chăng BQL lập ra một đơn vị có chức năng liên kết với vài doanh nghiệp làm du lịch để hợp thức hóa các điều kiện pháp lý trong vấn đề bán sản phẩm du lịch Sơn Trà cho du khách. Từ đó, việc khai thác, kinh doanh sản phẩm điểm đến cũng như việc đầu tư, khai thác khu du lịch này mới bảo đảm; các hãng lữ hành có điều kiện tiếp cận và yên tâm quảng bá, đưa tour, tuyến đến BĐST mà không sợ bị lỗ”, ông Cao Trí Dũng góp ý.

Bên cạnh đó, các nhà làm du lịch còn “mở” ra cho BQL theo hướng xã hội hóa, cho các doanh nghiệp đấu thầu tự bỏ kinh phí khai thác tour, tạo sản phẩm điểm đến cũng như đầu tư một số công trình, hạng mục phục vụ du lịch như nhà vệ sinh công cộng, trạm dừng chân, nơi ăn uống… “BQL chỉ quản lý bao quát chung về mặt Nhà nước. Có như vậy mới mong phát triển các tour, tuyến bền vững cũng như phân cấp quản lý dễ dàng, đúng tính pháp lý; tạo ra sản phẩm du lịch thực thụ, ổn định, hấp dẫn để du khách quay trở lại”, ông Nguyễn Văn Tài, Phó Giám đốc Chi nhánh Bến Thành Tourist tại Đà Nẵng cho hay.

Việc phát triển đội ngũ hướng dẫn viên cũng rất quan trọng. Theo Hội Lữ hành Đà Nẵng, hầu hết các công ty lữ hành phải thuê thuyết minh viên (TMV) của BQL hoặc các chuyên gia để làm hướng dẫn viên du lịch khi có tour về BĐST. Hiện đội ngũ TMV của BĐST có khoảng 20 người làm việc thời vụ và 8 người trong Tổ trật tự du lịch của BQL vừa làm nhiệm vụ, vừa làm TMV.

“Lực lượng TMV của bán đảo Sơn Trà hiện vẫn thiếu và yếu. Khi có tour về BĐST, BQL mới gọi đội ngũ này làm TMV nên rất khó “giữ chân” họ. Qua nhiều khóa đào tạo và tập huấn, nhiều bạn không trụ vững vì tour lên BĐST còn hạn chế”, ông Nguyễn Đức Vũ, Phó BQL cho hay.

Theo ông Trần Trà, Chủ nhiệm CLB Hướng dẫn viên du lịch Đà Nẵng, trong số gần 1.500 thành viên trong CLB, có những hướng dẫn viên chưa một lần đặt chân đến BĐST (!). Ông Cao Trí Dũng góp ý, ngành du lịch thành phố nên đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên điểm của BĐST am hiểu về tiềm năng cũng như giá trị của khu rừng già để giới thiệu cho du khách mỗi lần họ đến Đà Nẵng…   

Bài và ảnh: TRỌNG HUY

.