Là một trong 10 tỉnh, thành phố được chọn thí điểm hỗ trợ phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục giai đoạn 1 (2014-2017), thuộc đề án “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập, tư thục ở khu vực khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất đến năm 2020”, nhưng đến nay Đà Nẵng vẫn chưa rục rịch triển khai.
Trẻ sẽ không được phát triển đầy đủ nếu được nuôi, dạy tại những nhóm trẻ độc lập, tư thục thiếu điều kiện. |
Tiềm ẩn rủi ro cho trẻ
Bà Phạm Hoa Lê, Trưởng ban Tuyên giáo - nữ công Liên đoàn Lao động thành phố, cho biết hiện nay, trên địa bàn Đà Nẵng có 6 KCN thu hút khoảng 74.000 lao động, với 68% lao động nữ, khoảng 60% lao động ngoại tỉnh. Qua đợt khảo sát tháng 4 vừa qua tại các KCN (với 700 phiếu), có 55% công nhân lao động gửi trẻ tại nhóm trẻ độc lập tư thục.
Có nhiều lý do để công nhân lao động chọn gửi con tại các nhóm trẻ độc lập, tư thục; trong đó yếu tố tiện lợi được đặt lên hàng đầu. Chị T. (quê huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) làm việc tại KCN Hòa Khánh chia sẻ: “Công nhân liên tục làm tăng ca, tăng giờ nên gửi con tại các nhóm trẻ tư thục gần chỗ trọ, gửi sớm một chút, đón trễ một chút cũng không sao. Hơn nữa, chi phí gửi thấp, phù hợp với thu nhập của công nhân”.
Tuy nhiên, cái giá phải chấp nhận khi gửi trẻ ở các nhóm tư thục, độc lập là vấn đề chất lượng nuôi, dạy trẻ. Năm 2014, Hội LHPN thành phố đã có cuộc giám sát trực tiếp tình hình hoạt động của các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập, tư thục tại 8 phường, xã thuộc 4 quận, huyện (Liên Chiểu, Cẩm Lệ, Sơn Trà, Hòa Vang).
Đây là những địa bàn có nhiều nhóm, lớp mẫu giáo độc lập, tư thục nhận giữ con cho công nhân tại các KCN. Kết quả cho thấy, nhiều nhóm trẻ độc lập, tư thục tiềm ẩn những rủi ro, nguy cơ cho trẻ. Thứ nhất, địa điểm không thuận lợi nên ẩm thấp, ngay đường lộ (một số nhóm trẻ tại phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ; phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu…).
Thứ hai, thiếu sân chơi cho trẻ. Trẻ phải chơi trong phòng sinh hoạt chung của gia đình nên ngoài việc ăn, ngủ, trẻ rất ít được chơi trò chơi hay các hoạt động kỹ năng. Chưa kể việc người giữ trẻ không có khả năng xử lý những tình huống không may xảy ra với trẻ như bị hóc dị vật, bị sặc…
Cần triển khai nhanh đề án
Ngày 20-3-2014, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực KCN, khu chế xuất đến năm 2020” nhằm hỗ trợ thành lập những cơ sở gửi trẻ bảo đảm an toàn, tăng cường cơ sở vật chất và bồi dưỡng đội ngũ chăm sóc trẻ ở những nơi chưa được cấp phép.
Đề án được triển khai trong hai giai đoạn. Giai đoạn 1 (2014-2017) thí điểm hỗ trợ, phát triển ít nhất 200 nhóm trẻ tại 10 tỉnh, thành phố có nhiều KCN, khu chế xuất gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Cần Thơ. Giai đoạn 2 (2017-2020) duy trì tại 10 tỉnh, thành phố đã triển khai thí điểm, đồng thời triển khai tiếp tại 10 tỉnh, thành phố khác, nhằm đưa số lượng nhóm trẻ lập tư thục được hỗ trợ trong cả hai giai đoạn lên ít nhất 300 nhóm.
Tuy nhiên, đến nay, việc triển khai đề án này tại Đà Nẵng vẫn còn nằm trên giấy khiến nhiều cơ quan, ban, ngành tỏ ra sốt ruột. Là đơn vị được giao thực hiện đề án, Hội LHPN thành phố đã lập kế hoạch trình UBND thành phố phê duyệt.
“Gần một năm qua, chúng tôi đã trình lên thành phố 5 lần và đã chỉnh sửa theo yêu cầu. Trong đó có đề xuất định mức hỗ trợ cho từng nhóm trẻ độc lập, tư thục; kinh phí cho hoạt động tuyên truyền, tập huấn chuyên sâu về vệ sinh an toàn thực phẩm, tuyên truyền, nâng cao năng lực cho giáo viên giai đoạn 2015-2020.
Trong tháng 8 này, báo cáo cụ thể với lãnh đạo thành phố sau khi khảo sát một lần nữa các nhóm trẻ độc lập, tư thục có hơn 50% số trẻ là con của công nhân lao động tại các KCN, khu chế xuất. Hy vọng đề án được triển khai nhanh chóng, tạo điều kiện cho con công nhân lao động có được môi trường chăm sóc tốt”, bà Trần Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch thường trực Hội LHPN thành phố cho biết.
Trong khi chờ đợi triển khai đề án, Hội LHPN thành phố đã kịp thời vận động, hỗ trợ đồ chơi cho 8 nhóm, lớp; đồng thời tập huấn vệ sinh an toàn thực phẩm, tuyên truyền, nâng cao năng lực, nhận thức cho các chủ nhóm, lớp và giáo viên; giúp các nhóm, lớp có nhu cầu tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất để đáp ứng các tiêu chí theo quy định.
Bài và ảnh: NGỌC HÀ