Chính trị - Xã hội

Không rải vàng mã trên đường phố

07:42, 04/08/2015 (GMT+7)

Khi thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2105”, việc rải vàng mã trên đường phố được bàn đến, bởi đây là vấn đề mang tính tâm linh nhưng ảnh hưởng đến môi trường sống, đến nét đẹp văn minh đô thị. Làm sao để mọi người ý thức và hành động đúng, luôn cần những bước đi phù hợp trong thực hiện.

Thời gian đến, Công an thành phố sẽ tiến hành xử phạt nếu các chủ cơ sở làm dịch vụ tang lễ cho rải vàng mã trên đường đi.
Thời gian đến, Công an thành phố sẽ tiến hành xử phạt nếu các chủ cơ sở làm dịch vụ tang lễ cho rải vàng mã trên đường đi.

Không đẹp từ rải vàng mã

Việc rải vàng mã trên đường đưa tang là một thói quen mang nặng tín ngưỡng dân gian với lý giải làm vậy để người chết biết đường mà từ cõi âm về thăm nhà; vì vậy có người làm theo chỉ vì sợ nếu không rải thì thiên hạ bàn tán. Tuy nhiên, vẫn chưa một ai có thể chứng minh được việc rải vàng mã sẽ giúp “đưa đường, dẫn lối” người đã khuất như thế nào. Chỉ có một thực tế thấy rõ nhất là việc rải vàng mã đã vô hình chung gây ra ô nhiễm môi trường.

Ở mặt tiền đường Cách mạng tháng Tám (quận Cẩm Lệ), hầu như ngày nào gia đình chị T. cũng phải chịu cảnh vàng, bạc giả bay vào nhà sau mỗi đám tang đi qua. “Mỗi đám tang đi qua, hầu hết những người ở mặt tiền đường này đều phải chịu cảnh “tiền bay vào nhà”, nhất là những đám tang rải nhiều mà gặp lúc trời gió”, chị T. nói.

Theo chị T. thì trước đây đám tang đi ngang thường hay mở cửa, như để chia buồn cùng tang quyến. Nhưng mấy năm trở lại đây, mỗi lần nghe trống kèn thì gia đình phải đóng cửa lại và che đậy mọi thứ ở phía ngoài vì sợ vàng mã bay vào nhà.

Trên tuyến đường Điện Biên Phủ cũng tương tự. Mỗi tháng ít nhất có khoảng 20 đám tang đi trên tuyến đường này để lên nghĩa trang Hòa Sơn. Một số đám tang không rải vàng mã, mà chỉ trống kèn. Tuy nhiên, nhiều đám tang đi ngang là rải vàng mã trên đường, kèm thêm gạo muối, gây bức xúc cho người dân hai bên đường.

Sẽ xử phạt nếu rải vàng mã, tiền giả

Ông Nguyễn Văn Thiện, Trưởng ban Nghĩa trang (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng) cho rằng, để giảm dần và tiến đến không rải vàng mã trên đường, trước tiên phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Trong đó chú trọng tuyên truyền xuống tổ dân phố, để từng hộ dân cam kết thực hiện nếp sống văn hóa, để làm sao khi gia đình nào đó có tang thì họ thực hiện, không rải gạo muối, vàng bạc. “Chúng tôi sẵn sàng ủng hộ, vận động bà con không được rải vàng mã trên đường. Mỗi người làm dịch vụ lễ tang cần phải là một “tuyên truyền viên” trên lĩnh vực này”. Làm như vậy, thời gian đến sẽ thuyết phục được người dân”, ông Thiện nói.

Còn theo Đại tá Trần Thanh Nhơn, Trưởng phòng Cảnh sát Phòng, chống tội phạm về môi trường, vàng mã không được Nhà nước công nhận. Khi hàng hóa không công nhận, không có tính pháp lý, khi xả ra ngoài đường thì trở thành việc xả rác ra môi trường. Hiện trên địa bàn thành phố có 15 cơ sở làm dịch vụ tang lễ. Trước hết, những cơ sở này phải tuyên truyền, vận động và phải là những người nói “không” với hiện tượng rải vàng mã trong đám tang.

Đại tá Trần Thanh Nhơn cho rằng, người làm dịch vụ lễ tang phải có hợp đồng rõ ràng với gia đình có tang; cam kết không được rải vàng mã trên quãng đường từ nhà đi đến nghĩa trang (trừ những đoạn dừng cúng, đốt ở trong thùng). Nếu gia đình không chấp hành thì không hợp đồng, làm như vậy để góp phần bỏ dần thói quen rải vàng mã, bảo đảm văn hóa, văn minh đô thị cho thành phố.

“Từ cuối tháng 7-2015, sau khi các chủ cơ sở làm dịch vụ tang lễ đã ký cam kết với Công an về việc bảo vệ môi trường, nếu chủ cơ sở bị nhắc nhở 2 đến 3 lần mà tái diễn chở tang trên đường để xảy ra tình trạng gia đình rải vàng mã, gạo muối, sẽ xử phạt nặng, rút giấy phép”, Đại tá Nhơn khuyến cáo. Đối với trường hợp gia đình đi xe máy theo đám tang và rải vàng mã thì sẽ có biện pháp nghiệp vụ để phát hiện và xử lý.

“Phải làm sao để không còn tình trạng rải vàng mã, gạo muối trên đường, khi đó việc xây dựng một thành phố văn hóa, văn minh đô thị mới thành công được”, Đại tá Nhơn tâm sự.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

.