Chính trị - Xã hội

KỶ NIỆM 70 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG TÁM VÀ QUỐC KHÁNH 2-9 (1945 - 2015)

Sáng tạo giải quyết vấn đề dân tộc và phương pháp cách mạng

08:20, 20/08/2015 (GMT+7)

(Tiếp theo và hết)

3. “Một cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi biết tự bảo vệ”

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 23-9-1945, thực dân Pháp nổ súng tấn công xâm lược nước ta tại Nam Bộ; tiếp đến ngày 19-12-1946 cả dân tộc Việt Nam phải cầm súng tiến hành cuộc chiến tranh giải phóng kéo dài 9 năm (1946-1954) nhằm bảo vệ những thành quả của Cách mạng Tháng Tám, bảo vệ nền độc lập dân tộc non trẻ, quyền tự do của nhân dân và sự thống nhất toàn vẹn của đất nước.

Tuy nhiên, một số người cho rằng, do Đảng ta không khôn khéo nên chúng ta phải đổi độc lập, thống nhất với giá quá đắt! Liệu có thể tránh được cuộc chiến tranh khốc liệt kéo dài 30 năm không? Những văn kiện đã được lưu hành công khai trước đây và những tài liệu công bố gần đây trong quan hệ Việt - Pháp (1) cho thấy rằng, trong hoạt động ngoại giao thời kỳ 1945-1946, Đảng và Chính phủ ta đứng đầu là Hồ Chủ tịch đã làm những gì có thể làm được để tránh cuộc chiến tranh xảy ra. Ngay cả khi Việt Nam chỉ là một quốc gia tự do trong khối Liên hiệp Pháp theo quy định của Hiệp định sơ bộ ngày 6-3-1946 cũng không ngăn được thực dân Pháp tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ hai.

Chúng ta muốn hòa bình nhưng hòa bình trong độc lập, tự do và chúng ta đã nhân nhượng đến giới hạn cho phép. Không đừng lại ở đó, ngay sau khi chiến tranh nổ ra, Chính phủ ta và Hồ Chủ tịch đã hàng chục lần đề nghị Pháp thương lượng hòa bình để kết thức chiến tranh. Cuộc chiến tranh thần thánh của nhân dân ta với đế quốc Pháp là do dã tâm của kẻ thù muốn nô dịch nước ta, bắt nhân dân ta trở lại làm kiếp tôi đòi cho chúng. Chính đế quốc Pháp là nguyên nhân chính đã gây ra cuộc chiến tranh chống nhân dân ta.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “vang dội năm châu, chấn động địa cầu”, buộc các nước lớn và các bên tham chiến ký hiệp định Genève năm 1954 thừa nhận nền độc lập của Việt Nam, cuộc chiến tranh chống Pháp kết thúc. Theo quy định của hiệp định, sau hai năm sẽ tiến hành cuộc tổng tuyển cử để thống nhất đất nước. Nhưng đế quốc Mỹ với âm mưu xâm lược nước ta, đã có ý đồ phá hoại ngay khi hiệp định chưa được ký. Mỹ  thay chân Pháp thực hiện chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta. Mỹ và tay sai đã lê máy chém khắp miền Nam, tiến hành 4 chiến lược chiến tranh hòng bóp nghẹt dân tộc Việt Nam. Như vậy, kẻ thù buộc nhân dân ta phải “ôm cây súng”, tiếp tục tiến hành cuộc chiến tranh hơn 21 năm vì độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc.

Trong hai cuộc chiến tranh giải phóng thần thánh chống Pháp và chống Mỹ, Đảng và nhân dân ta đã sáng tạo và làm phong phú thêm phương pháp cách mạng trong đấu tranh giành chính quyền. Đó là bạo lực cách mạng gồm hai lực lượng: lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang với hai hình thức đấu tranh: đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang, kết hợp đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang, trong đó lực lượng chính trị là nòng cốt, lực lương vũ trang và đấu tranh vũ trang hỗ trợ cho lực lượng chính trị và đấu tranh chính trị của quần chúng. Cuộc chiến đấu mang tầm vóc thời đại đó đã cổ vũ các dân tộc trên thế giới đứng lên tự giải phóng.

Như vậy, với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, nhân dân ta đã tiến hành cuộc  chiến đấu thần thánh 30 năm, đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ, nhằm thực hiện quyết tâm bảo vệ nền độc lập của dân tộc Việt Nam mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố với thế giới trong Tuyên ngôn Độc lập đọc trước quốc dân đồng bào ngày 2 tháng 9 năm 1945: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và thật sự đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Thực tiễn lịch sử đó chứng minh chân lý: giành được độc lập đã khó, giữ được nền độc lập đó càng khó hơn, bởi một cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi biết tự bảo vệ (Lênin) (2).

4. Vĩ thanh

Lịch sử nhân loại phát triển luôn theo quy luật khách quan, nhưng lại in đậm dấu ấn của nhận thức và hành động chủ quan của con người, vì vậy, lịch sử phát triển của mỗi dân tộc thể hiện rất phong phú và đa dạng. Lịch sử chỉ xảy ra một lần, nhưng viết và nghiên cứu phải qua nhiều lần, không chỉ thế hệ này mà qua các thế hệ khác; thời gian càng lùi xa thì bức tranh lịch sử được dựng lại chân thực hơn, khách quan hơn. Thế hệ sau luôn luôn mong muốn tiếp nhận những công trình lịch sử phản ánh chân thực đầy đủ về quá khứ, để từ đó rút ra những bài học cho hiện tại.   

Ngày nay, trong biến đổi phức tạp và khó lường của thế giới đương đại, nhận thức lại lịch sử để rút ra bài học cho hiện tại là cần thiết, nhưng không thể giáo điều theo những nguyên lý có sẵn mà cho rằng Cách mạng Tháng Tám không phải là một cuộc cách mạng xã hội; hoặc áp đặt những hiện tượng lịch sử bên ngoài mà nắn dòng lịch sử nước ta và bắt hiện thực lịch sử phải theo tư duy khuôn mẫu, áp đặt chủ quan của mình.

Những tư tưởng đó không phải là thiện ý đối với sự phát triển của đất nước trong quá khứ lẫn hiện tại, mà thực chất là phủ nhận con đường phát triển của dân tộc mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Đảng và nhân dân ta lựa chọn từ năm 1930; từ phủ nhận đấu tranh giai cấp, để đi đến phủ nhận những thành tựu to lớn mà Đảng và nhân dân ta phải giành được trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, là vong ân bội nghĩa với hàng triệu đồng bào đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc. Mục đích cuối cùng của họ là phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng trong lịch sử để đi đến phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng trong hiện tại và đưa dân tộc ta phát triển chệch hướng XHCN.

PGS, TS. TRƯƠNG MINH DỤC

Học viện Chính trị khu vực III


(1)  Xem thêm: Philippe Devillers giới thiệu: Paris - Sài Gòn - Hà Nội. Tài liệu lưu trữ của cuộc chiến tranh 1944-1947, bản dịch tiếng Việt của Hoàng Hữu Đản, Nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh, 1993.

(2)  Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.3.

.