Chính trị - Xã hội
Phát huy truyền thống, đưa sự nghiệp văn hóa tiếp tục phát triển
Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 28-8-1945, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra tuyên cáo thành lập Bộ Thông tin Tuyên truyền, tiền thân của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH-TT&DL). Để ghi nhận những cống hiến to lớn của ngành, Chính phủ đã cho phép lấy ngày 28-8 hằng năm làm Ngày truyền thống ngành văn hóa Việt Nam.
Việc đưa tuồng xuống phố là hình thức quảng bá về nghệ thuật tuồng. Ảnh: NGỌC HÀ |
Qua 70 năm không ngừng đổi thay và phát triển, ngành văn hóa trưởng thành cùng quê hương, đương đầu với những thách thức, những đòi hỏi của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hoạt động của ngành góp phần xứng đáng vào truyền thống lịch sử - cách mạng, truyền thống văn hóa của một vùng đất anh hùng; cùng cả nước xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Xây dựng con người và môi trường văn hóa
Nhận thức được tầm quan trọng của Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII, về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đến nay, Đà Nẵng xây dựng và phát triển thành một trong những đô thị lớn của cả nước. Trong đó, việc xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh được xác định là một trong những yếu tố bảo đảm sự phát triển bền vững và thắng lợi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Nói về những thành tựu nổi bật, trước hết, đó là việc từng bước xây dựng, hoàn thiện con người Đà Nẵng về tư tưởng, trí tuệ và nhân cách; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nếp sống văn minh đô thị. Bên cạnh đó, đã tổ chức nhiều chương trình nghệ thuật, sự kiện văn hóa có quy mô lớn như: Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, Cuộc thi Trình diễn pháo hoa quốc tế, chương trình nghệ thuật Duyên dáng Việt Nam 27, triển lãm ảnh nghệ thuật khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên… và các chương trình biểu diễn, chiếu phim nhân dịp các ngày lễ, kỷ niệm; đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng.
Riêng năm 2014, ngành đã tổ chức 314 buổi biểu diễn, thu hút 4.591.000.000 lượt người xem. Đặc biệt, thành phố tổ chức thành công Cuộc thi Trình diễn pháo hoa quốc tế từ năm 2008 đến nay, qua đó góp phần nâng tầm hình ảnh thành phố và giới thiệu cho bạn bè trong nước và quốc tế về văn hóa, con người Đà Nẵng và đất nước Việt Nam.
Đối với sự nghiệp văn học-nghệ thuật (VHNT), đã có những phát triển lành mạnh, đúng định hướng và chuyển mình khá toàn diện. Thành phố luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ văn nghệ sĩ có những sáng tác tốt. Các tác phẩm VHNT bám sát thực tiễn sinh động của thành phố, khắc họa khá đậm nét những giá trị truyền thống lịch sử và cách mạng của quê hương.
Đội ngũ văn nghệ sĩ đông đảo với hơn 900 hội viên sinh hoạt trong 9 hội chuyên ngành là thành viên của Liên hiệp các hội văn VHNT thành phố, trong đó có khoảng 370 hội viên thuộc các hội chuyên ngành Trung ương đã được tạo điều kiện đi thực tế sáng tác, tổ chức các cuộc thi sáng tác. Qua đó, các tác phẩm có chất lượng được xét khen thưởng và trao giải…
Công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di sản văn hóa cũng có những bước tiến bộ. Thành tựu nổi bật nhất trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh là việc nghiên cứu lập hồ sơ xếp hạng di tích. Năm 1997, thành phố có 4 di tích cấp quốc gia, đến nay có 18 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 47 di tích xếp hạng cấp thành phố. Trong đó, làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước, nghề điêu khắc đá truyền thống và nghệ thuật tuồng xứ Quảng đã được Bộ VH-TT&DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia…
Một thành tựu đáng ghi nhận là công tác xây dựng, nâng cấp các thiết chế văn hóa luôn được Đảng bộ và chính quyên thành phố quan tâm. Những năm qua, thành phố đã đầu tư xây dựng, nâng cấp nhiều công trình văn hóa có quy mô lớn, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động văn hóa nghệ thuật.
Nhiều công trình được đưa vào sử dụng phục vụ văn hóa, triển lãm, văn nghệ, các sự kiện lớn như: Nhà hát Trưng Vương, Bảo tàng Đà Nẵng, Trường Trung học văn hóa nghệ thuật, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Cung Thể thao Tiên Sơn, Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố, Bảo tàng Mỹ thuật... Năm 2014 và 2015, thành phố cũng đã quan tâm đầu tư khá lớn để nâng cấp xây dựng các trung tâm văn hóa - thể thao, thiết chế văn hóa, khu vui chơi giải trí tại các quận, huyện, phường, xã, tạo những điểm phục vụ nhu cầu sinh hoạt, giải trí tinh thần cho nhân dân.
Các thiết chế văn hóa được đưa vào sử dụng đã phát huy vai trò. Thư viện Khoa học tổng hợp hiện có khoảng 208.601 tài liệu/75.000 tên, trong đó có 196.177 bản sách. Hằng năm, bổ sung khoảng 8.000-9.000 bản sách mới, 50-100 tài liệu điện tử, 239 loại báo, tạp chí; trung bình hằng năm thu hút 259.121 lượt bạn đọc. Từ năm 2008 đến nay, Bảo tàng điêu khắc Chăm hằng năm thu hút khoảng 180.000 lượt khách đến tham quan. Số lượng khách tham quan đến Bảo tàng Đà Nẵng cũng không ngừng tăng.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát triển sâu rộng. Công tác tuyên truyền, vận động, bình xét, công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa hằng năm luôn được Ban chỉ đạo các cấp tổ chức thực hiện đúng quy định. Qua phong trào, đời sống nhân dân được nâng lên, ý thức tự giác của các hộ gia đình được nâng cao, hình thành nhiều nét đẹp trong đời sống cộng đồng, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống.
Hiệu quả từ việc xây dựng tổ dân phố, thôn văn hóa, cơ quan, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa đã góp phần tạo lập môi trường văn hóa lành mạnh ở địa bàn cơ sở, bài trừ các tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Hoạt động giao lưu văn hóa, hợp tác quốc tế về văn hóa từng bước được mở rộng, góp phần giới thiệu, quảng bá văn hóa Đà Nẵng đến với công chúng trong và ngoài nước, thông qua các chương trình biểu diễn giao lưu văn hóa với các nước Lào, Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Nga… Bảo tàng Điêu khắc Chăm đưa hiện vật đi triển lãm tại nước ngoài, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng phối hợp các tổ chức quốc tế, Đại sứ quán các nước tổ chức các liên hoan phim Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Úc, liên minh châu Âu (EU)…
Tiếp tục phát triển theo hướng văn minh, hiện đại
Kết luận số 75/KL-TW ngày 12/11/2013 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 33/NQ-TW đã định hướng xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, có bản sắc riêng; xây dựng môi trường văn hóa, đời sống và phát triển con người phù hợp với văn minh đô thị.
Để thực hiện mục tiêu trên, trong thời gian tới, toàn ngành sẽ tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả “Năm văn hóa, văn minh đô thị”; tham mưu tăng đầu tư toàn diện cho văn hóa; khai thác có hiệu quả các công trình và các thiết chế văn hóa đã và đang được đầu tư xây dựng; tạo điều kiện để các hiệp hội, văn nghệ sĩ sáng tạo các tác phẩm VHNT có giá trị, dàn dựng các chương trình biểu diễn nghệ thuật có chất lượng… Chú trọng bảo tồn, tôn tạo và phát huy các di tích lịch sử - văn hóa.
Phát huy kết quả của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, tạo sự chuyển biến rõ rệt về môi trường văn hóa. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước, kịp thời ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm quy định pháp luật; đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa; tiếp tục thu hút và thực hiện chính sách đãi ngộ đối với các chuyên gia, văn nghệ sĩ, diễn viên tài năng, đồng thời chú ý công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực văn hóa chất lượng cao cho ngành…
Với bề dày truyền thống 70 năm qua, đội ngũ những người làm công tác văn hóa thành phố hôm nay tiếp tục đoàn kết, nhất trí, phát huy tinh thần sáng tạo và bản lĩnh, xây dựng ngành văn hóa có bước phát triển mới; góp phần bảo tồn, phát huy các tinh hoa văn hóa truyền thống của quê hương, dân tộc và sự phát triển chung của nền văn hóa nước nhà. Hơn hết là sự đồng lòng của người dân cùng chính quyền thành phố trong mọi chủ trương để xây dựng thành phố Đà Nẵng giàu đẹp, văn minh và thân thiện.
NGÔ QUANG VINH
Thành ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP. Đà Nẵng