Chính trị - Xã hội
Thành phố không khói thuốc: Nói thì dễ...
Đà Nẵng đề ra nhiều chương trình, mục tiêu phòng, chống tác hại thuốc lá nhằm xây dựng thành phố không khói thuốc. Mong muốn là vậy, nhưng khi chuyện cấm hút thuốc nơi làm việc, nơi công cộng hiện vẫn dừng ở mức độ… đặt ra cho vui, chưa thể biết đến bao giờ môi trường mới trong lành thực sự.
Bảng nhắc nhở thực hiện Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá tại trạm y tế xã. |
Ngăn chặn thuốc lá bằng nhiều cách
Theo chương trình phòng, chống tác hại thuốc lá của thành phố Đà Nẵng, trong 6 tháng cuối năm 2015, có hàng loạt hoạt động nhắm đến nhiều đối tượng và diễn ra tại nhiều địa điểm để tuyên truyền một thông điệp chung: “Không nên hút thuốc lá”. Đối tượng được tập trung hướng tới là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên, du khách và các cán bộ lãnh đạo trong thành phố. Hình thức “ngăn chặn” thuốc lá được thực hiện thông qua báo, đài, loa phóng thanh, tờ rơi, áp-phích, hội thảo, hội nghị, tập huấn, văn nghệ, dân vũ…
Bên cạnh đó, hoạt động giám sát việc thực hiện phòng, chống tác hại thuốc lá ở các cơ quan, đơn vị cũng được coi trọng và triển khai liên tục hơn. Mỗi đoàn giám sát do Sở Y tế thành lập gồm 3 thành viên. Mỗi ngày, đoàn giám sát từ 2-3 đơn vị và thời gian giám sát kéo dài trong 6 tháng. Mỗi đơn vị được giám sát từ 1-2 lần trong năm 2015. Toàn bộ nội dung và kết quả kiểm tra sẽ được báo cáo trực tiếp đến Sở Y tế và Văn phòng Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá - Bộ Y tế.
“Nể nang khi nhắc nhở nhau”
Những kế hoạch trên cho thấy Đà Nẵng muốn nói “không” với thuốc lá. Tuy nhiên, việc “cai” khói thuốc cho thành phố còn là quá trình dài lắm gian nan.
Bác sĩ Nguyễn Út, Phó Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, cho biết thuốc lá là nguyên nhân cơ bản gây ra 25 bệnh nguy hiểm như ung thư, tim mạch, phổi tắc nghẽn… đối với người trực tiếp hút và cả với người ngửi khói thuốc. Để hạn chế tình trạng hút thuốc lá phổ biến, từ năm 2010 đến nay, Đà Nẵng chọn 150 đơn vị, trong đó có 80 cơ quan hành chính sở, ban, ngành; UBND quận, huyện, phường, xã; 40 cơ sở y tế và 30 cơ sở giáo dục làm thí điểm mô hình nơi làm việc không khói thuốc lá.
Từ những mô hình trên, Sở Y tế nhận thấy việc thực hiện quy định cấm hút thuốc lá tại nhiều nơi chỉ mới dừng ở khâu xây dựng nội quy trên lý thuyết, còn thực tế vẫn “mạnh ai nấy hút”. Hầu như không nơi nào áp dụng xử phạt hành vi vi phạm Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá. Ngay cả các cơ sở y tế, giáo dục, mầm non, công sở, quy định cấm hút thuốc cũng có mà như không.
Theo Sở Y tế Đà Nẵng, lý do khiến Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá bị “phớt lờ” là: lãnh đạo của nhiều cơ quan, đơn vị không quyết liệt chỉ đạo thực hiện luật hoặc chưa gương mẫu; chế tài không đủ mạnh, thiếu sự phân công theo dõi giám sát; ý thức chấp hành quy định, luật định của nhiều cán bộ, công chức, viên chức còn kém. Đặc biệt, tình trạng nể nang nhau, ngại nhắc nhở giữa những người cùng làm trong một môi trường khiến các quy định phòng, chống thuốc lá gần như bị “vô hiệu”.
Ngoài ra, theo bác sĩ Nguyễn Út, còn một số tác động khác góp phần làm cho hiệu quả phòng chống thuốc lá chưa cao là thuế và giá thuốc lá có tăng nhưng chưa đáng kể. Đà Nẵng chưa có đơn vị y tế triển khai riêng bộ phận tư vấn điều trị hỗ trợ cai nghiện thuốc lá. Tình hình nhập lậu, buôn bán thuốc lá giả, thuốc lá nhái nhãn mác và kinh doanh trái phép các sản phẩm thuốc lá vẫn tồn tại. Trẻ vị thành niên vẫn thoải mái mua thuốc lá…
Bài và ảnh: HƯỚNG DƯƠNG