Chính trị - Xã hội
Tình trạng "thắt cổ chai" tăng mạnh
Tình trạng các loại phương tiện giao thông đậu, đỗ chiếm lòng, lề đường tạo nên hiện tượng “thắt cổ chai” gây ùn tắc giao thông, đang có xu hướng bùng phát mạnh trong thời gian gần đây.
Ô-tô đậu, đỗ chiếm hết lòng đường, buộc người đi mô-tô phải chen vào làn đường dành cho ô-tô. |
Bùng phát tình trạng “thắt cổ chai”
Cách đây vài năm, trên các tuyến đường ở khu vực trung tâm thành phố, tình trạng nhiều ô-tô đậu, đỗ tạo nên hiện tượng “thắt cổ chai” chỉ mang tính cá biệt trên vài con phố lớn và thời gian cũng chỉ xảy ra vài chục phút vào các giờ cao điểm.
Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng này rất phổ biến ở các con phố trung tâm và kéo dài suốt cả ngày, thậm chí cả đêm. Rất nhiều đoạn đường ở trung tâm như Nguyễn Chí Thanh, Trần Bình Trọng, Lý Tự Trọng, Phan Bội Châu, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Lợi, Phan Châu Trinh, Trần Phú, Thái Phiên, Trần Quốc Toản... tình trạng trên kéo dài 24/24 giờ. Vào các giờ cao điểm, giao thông khá hỗn loạn khi cả mô-tô, xe thô sơ phải chen lấn với ô-tô để đi.
Ở các tuyến đường lớn như Nguyễn Văn Linh, Điện Biên Phủ, Lê Duẩn, Nguyễn Hữu Thọ... cũng không tránh khỏi tình trạng “thắt cổ chai”, thậm chí có nơi nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã biến đường thành ga-ra ô-tô. Tại các tuyến đường tập trung đông người như khu vực siêu thị, bệnh viện, trường học, các khách sạn lớn... không những ô-tô chiếm hết làn đường dành cho làn xe thô sơ mà còn đỗ xe ngay trên vỉa hè để người đi bộ phải đi xuống lòng đường.
Cần xã hội hóa dịch vụ giữ ô-tô
Số liệu của Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) thành phố cho biết, trong tháng 7 vừa qua, thành phố có 475 ô-tô đăng ký mới, nâng tổng số ô-tô trên địa bàn thành phố lên 48.422 chiếc. Mặc dù so với tháng 6 giảm 50 chiếc, nhưng với mức tăng dao động bình quân nhiều năm qua trên dưới 500 ô-tô mỗi tháng thì việc thành phố đạt ngưỡng 100.000 ô-tô là không còn xa nữa.
Đây là con số mà gần 10 năm trước các chuyên gia về tổ chức giao thông quốc tế đã cảnh báo thành phố Đà Nẵng cần phải có nhiều biện pháp hữu hiệu và quyết liệt nhằm tránh tình trạng các con phố bị “co” lại và mật độ ô-tô dày đặc. Cũng chính vì mối quan ngại này, cuối tháng 7 vừa qua, UBND thành phố đã ký Quyết định số 5216 về việc điều chỉnh quy hoạch giao thông tĩnh trên địa bàn thành phố.
Trong đó sẽ xây dựng 158 bãi đỗ xe, với tổng diện tích trên 3,8 triệu m2, trong số này quận Hải Châu sẽ có 22 bãi và quận Thanh Khê là 14 bãi. Tuy nhiên, đây là công việc không đơn giản, nhất là đối với hai quận trung tâm Hải Châu và Thanh Khê, số lượng ô-tô nhiều trong khi quỹ đất dành cho bãi đậu, đỗ ô-tô ít.
Các chuyên gia về tổ chức giao thông trong và ngoài nước khi làm việc với lãnh đạo thành phố đều có chung quan điểm là thành phố nên sớm xây dựng cơ chế đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực này. Trong khi tìm kiếm các nhà đầu tư lớn đủ năng lực xây dựng những bãi giữ xe hiện đại, tiện lợi và có sức chứa lớn thì thành phố nên hỗ trợ các tổ chức, cá nhân có quỹ đất ở khu vực trung tâm thành phố tham gia mở dịch vụ giữ xe.
Đối với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách như taxi, xe buýt thì yêu cầu có bãi đỗ xe là một điều kiện kinh doanh bắt buộc. Các địa điểm kinh doanh dịch vụ thu hút đông người như siêu thị, chợ, các trung tâm vui chơi giải trí cũng yêu cầu phải đảm bảo tiêu chí có chỗ đậu đỗ ô-tô và mô-tô mới cấp phép hoạt động. Một khi làm tốt công tác này, phần việc còn lại các lực lượng chức năng phải làm là xử lý những trường hợp chiếm dụng lòng đường làm nơi để xe. Có như vậy mới giải quyết được tình trạng “thắt cổ chai” tràn lan như hiện nay.
Bài và ảnh: TRẦN LUÂN SƠN