.

Ba điều tâm niệm

Những ngày mùa thu năm nay, kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám, nhiều nhân chứng đã kể lại với chúng ta về những ngày sôi nổi, hào hùng, 1 ngày bằng 20 năm, người người tràn ra đường, đi như nước vỡ bờ, quên ăn, quên ngủ, người nào cũng như hóa thân thành một người khác say đắm hơn, mạnh mẽ hơn.

Sức mạnh đó là gì? Cội nguồn nó ở đâu?

Khát vọng độc lập tự do đã dồn nén hàng mấy chục năm trường. Ý chí “chúng ta nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ” khi có thời cơ đến đã bùng cháy.

Năm 1924, lúc tình hình đất nước còn đen tối, rất đen tối, Hồ Chí Minh đã phát hiện ra điều này: “Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước. Chính nó đã gây nên cuộc nổi dậy chống thuế năm 1908, nó dạy cho những người cu li biết phản đối, nó làm cho những người nhà quê phản đối ngầm trước thuế tạp dịch và thuế muối.

Cũng chủ nghĩa dân tộc đã luôn thúc đẩy các nhà buôn An Nam cạnh tranh với người Pháp và người Trung Quốc, nó đã thúc giục thanh niên bãi khóa, làm cho những nhà cách mạng trốn sang Nhật Bản và làm vua Duy Tân mưu tính khởi nghĩa 1916… Giờ đây, người ta không thể làm gì được cho người An Nam nếu không dựa trên động lực vĩ đại và duy nhất của đời sống xã hội của họ”.

Hơn 40 năm sau, trong Hồi ký Nhìn lại quá khứ, R. Mắc-namara, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ (1961-1968), thấy rõ bài học thất bại cay đắng đã thừa nhận: “Chúng ta đánh giá thấp sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc, thúc đẩy một dân tộc đấu tranh cho lý tưởng và các giá trị của nó”.

Chúng ta tưởng như R. Mắc-namara vừa đọc “Báo cáo về Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ” mà Hồ Chí Minh viết ở Mát-xcơ-va năm 1924. Ông hiểu rõ và tán thành điều mà Hồ Chí Minh phát hiện.

Chính là với điều mà Hồ Chí Minh đã khẳng định “người ta sẽ không thể làm gì được cho người Việt Nam nếu không dựa trên (phát huy) động lực vĩ đại và duy nhất của đời sống xã hội của họ”, Người và Đảng của Người đã tổ chức và lãnh đạo các cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam đi đến thắng lợi.

Người thấy rõ “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một lực lượng vô cùng mạnh mẽ to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và cướp nước”.

Cuộc vận động lớn thi đua ái quốc mà Người khởi xướng gắn chặt 2 yếu tố thi đua và yêu nước. Thi đua chỉ thực sự có ý nghĩa, có sức mạnh khi động lực của nó là lòng yêu nước. Chính Người đã đem hồn thiêng sông núi vào thi đua, làm cho thi đua thấm nhuần và thể hiện tinh thần yêu nước. Người kết luận “Thi đua là yêu nước, yêu nước phải thi đua, những người hăng hái thi đua là những người yêu nước nhất”.

Những ngày này, chúng ta thường nói đứng trước thời cơ lớn và những thách thức lớn, làm thế nào để giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời lại chủ động hội nhập đứng vững và đi lên trong cuộc cạnh tranh toàn cầu? Làm thế nào để rút ngắn, thu hẹp khoảng cách tụt hậu giữa nước ta với các nước trong khu vực và trên thế giới, sánh vai với các cường quốc năm châu?

Như Hồ Chí Minh đã dạy: Tiến vào cuộc chiến đấu khổng lồ giữa những gì mới mẻ tốt tươi với những gì đã cũ kỹ hư hỏng. Chúng ta chỉ có một động lực vĩ đại và duy nhất đó là lòng yêu nước. Chúng ta không thể bằng lòng với những nội dung và phương thức thi đua xưa cũ, xơ cứng. Chúng ta phải dày công nghiên cứu có những cách làm mới mẻ, bồi đắp phát huy lòng yêu nước, động lực của phong trào thi đua với những năng động sáng tạo để từ đó có thể khơi dậy nguồn lực vô tận của mỗi người Việt Nam.

Sống trong đời sống, người ta dù là người bình thường nhất ai cũng có thể có những thành tích, những cống hiến nhất định và mong muốn được xã hội nhìn nhận đúng, có sự tôn vinh đúng mức những thành tích của mình. Đó là tâm lý thông thường của con người.

Cũng có những người có đóng góp đáng kể cho cộng đồng, nhưng họ yêu cầu không công bố, không có bất kỳ một sự thừa nhận nào, không nhận một sự vinh danh nào.

Đó là những người cao thượng, không mưu cầu danh lợi, chỉ biết cống hiến vô tư. Vì sao họ lại có thể vượt qua thói thường? Có thể vì họ là những người đã được rèn luyện theo tinh thần vô ngã vị tha, và có thể vì nhiều nguyên nhân khác. Dù thế nào đó là cũng là những người cần được kính trọng tôn vinh, tất nhiên thật lặng lẽ.

Xã hội càng phát triển, sự nhìn nhận tôn vinh càng đa dạng phức tạp. Thời phong kiến, sự nhìn nhận tôn vinh cao quý nhất là từ đức vua, rồi đến hệ thống quan lại của đức vua và đến các cộng đồng, phổ biến nhất là cộng đồng làng xã.

Mặc dù được cho là cao quý nhưng rồi các thứ bậc vinh dự ấy lại được chính quyền phong kiến đem bán. Cùng với những phó lý đương, phó lý cựu, có nhiều phó lý mua. Mà phàm cái gì đã có giá thì cũng có thể sẽ mất giá. Hiện tượng mua danh này cũng góp phần làm cho bệnh háo danh ở xứ ta phát triển (hay ngược lại, vì dân ta háo danh nên chính quyền đưa ra việc bán danh để kiếm tiền).

Trong thời bao cấp, việc khen thưởng gần như là độc quyền của Nhà nước và có cấp bậc tôn ty chặt chẽ, rõ ràng. Có thể thấy, ở cấp thấp nhất với các cá nhân là lao động tiên tiến (thường được gọi vui là lao động phiên phiến) đến chiến sĩ thi đua từ cơ sở đến toàn quốc và cao nhất là anh hùng. Với các tổ chức thấp nhất là tổ lao động xã hội chủ nghĩa và cao nhất là đơn vị anh hùng. Kèm theo các danh hiệu là huân chương các loại. Với những quy định chặt chẽ về thi đua khen thưởng, ít có chuyện tự phong hay mua bán các danh hiệu cao quý. Song cơ chế đó cũng đã tỏ ra có điểm không phù hợp với thực tế cuộc sống và những nỗ lực vì cộng đồng của nhân dân. Hồ Chủ tịch khi biểu dương và tặng huy hiệu của Người cho những người tốt việc tốt đã nhận xét: “Những chiến công và những thành tích nổi bật thì ai cũng có thể thấy được. Còn những việc nhỏ thôi nhưng ích nước lợi dân thì hay bị xem thường” và Người quan tâm đến những việc nhỏ hay bị xem thường ấy.

Việc nhìn nhận xếp hạng và vinh danh những người và tổ chức có đóng góp cho xã hội trên các lĩnh vực là việc cần thiết. Nó động viên người và tổ chức được khen phấn khởi vươn lên những đỉnh cao mới. Nó nêu gương cho cộng đồng, nhất là những người và tổ chức hoạt động cùng một lĩnh vực học tập, phấn đấu đuổi kịp và vượt lên. Tất cả đều góp phần thúc đẩy phát triển sáng tạo.

Điều cần phải bàn là do quản lý lỏng lẻo, không bài trừ tận gốc những hiện tượng tiêu cực trong thi đua khen thưởng, thói háo danh trục lợi nảy nở, sinh sôi nhanh trong thời kỳ chuyển đổi, chúng ta để cho bệnh thành tích phát triển và trở thành phổ biến trong lĩnh vực này.

Chúng ta đều biết những tiến bộ phát triển thật sự không thể do diễn và giả làm nên, phải làm thật, phấn đấu thật, nỗ lực thật.

Trung thực phải được xem là phẩm chất hàng đầu của người cách mạng của một con người. Nếu con người hướng tới một thành tích thật cần thiết cho con người và xã hội và bằng nỗ lực thật của mình thì cần được hoan nghênh, ủng hộ.

Xã hội ngày càng phát triển, nhất là với những tiến bộ vượt bậc của công nghệ thông tin, trong thế giới phẳng tương tác xã hội ngày càng dễ dàng và có hiệu ứng mạnh.

Chúng ta không xem thường “tâm lý bầy đàn”, “đám đông vô thức”, nhưng chúng ta hướng tới những đám đông chủ động, tích cực, độc lập, hướng tới dư luận xã hội lành mạnh. Trong cuộc vận động thi đua ái quốc, với các tương tác xã hội, chúng ta coi trọng việc học tập và làm theo các điển hình tiên tiến, những người tốt việc tốt. Đây là một nội dung, một yêu cầu hàng đầu của thi đua ái quốc. Sức mạnh nêu gương là một sức mạnh vĩ đại, nếu phong trào thi đua không có những tấm gương, những điển hình tiên tiến không lan tỏa thì thật thi đua còn mấy ý nghĩa.

Thời kỳ đánh Mỹ cực kỳ gian khổ ác liệt, chúng ta luôn nghe vang lời thơ:

Mỗi gié lúa đều muốn thêm nhiều hạt
Gỗ trăm cây cũng muốn hóa nên trầm
Mỗi chú bé đều nằm mơ ngựa sắt
Mỗi con sông đều hóa sóng Bạch Đằng

Và những hình ảnh Võ Thị Thắng, Trần Thị Lý, Nguyễn Văn Trỗi, Lê Mã Lương sao mà gần gũi thế.
Ngày ấy, trong những con người bình thường trong mỗi chúng ta đều như có tố chất anh hùng. Và không có gì quá phức tạp, quá trở ngại khi trở thành anh hùng, nên mới có cảnh “ra ngõ gặp anh hùng, về nhà gặp dũng sĩ”.

Bây giờ, những người tốt, những việc tử tế được ghi nhận vinh danh không phải là ít. Nhiều báo chí, phương tiện truyền thông thường có chuyên mục về chủ đề này. Nếu có một cuộc điều tra cẩn thận thì chắc cả về thời lượng, diện tích trang, tần suất, những bài về chủ đề này hơn hẳn những chuyện vụ án, những chuyện hình sự. Vậy mà sao nhiều lúc chúng ta cứ cảm thấy những người tốt như bị ném đá, như bị cô đơn. Chúng ta đều biết lâm vào thế ấy chẳng phải tại họ. Vậy thì tại ai? Vì sao?

Cái tốt, điều thiện, việc tử tế là sản phẩm thường ngày của nhân dân. Từ những sản phẩm ấy làm cho nó thành tác phẩm ở giữa lòng cuộc sống, có sức lan tỏa, chủ yếu là trách nhiệm của các cơ quan truyền thông.

Các cơ quan truyền thông phải làm cho công chúng thấy những người tốt, việc tử tế, điều thiện là đông đảo, ở thế thượng phong, nhất định sẽ sinh sôi nảy nở có tương lai. Nếu không làm được như thế có khác nào chấp nhận để con người sống mà không biết tin vào ai, hướng tới đâu.

Trong thế giới phẳng, các phương tiện truyền thông có sức mạnh ghê gớm, đồng thời cũng có trách nhiệm lớn lao.

Hơn 50 năm trước, Hồ Chủ tịch đã yêu cầu “miêu tả cho hay, cho chân thật, cho hùng hồn những người, những việc đó bằng văn, bằng thơ, bằng vẽ và bằng các nghệ thuật khác, đó là trách nhiệm của các nhà báo, các văn nghệ sĩ”.

Ngày nay, công chúng còn yêu cầu các phương tiện truyền thông sinh động hơn, sắc bén hơn, hấp dẫn hơn, những người tốt, việc tử tế, điều thiện qua các phương tiện truyền thông phải được tâm phục, khẩu phục.

Phát hiện, bồi dưỡng để có được một điển hình tiên tiến, một người tốt, việc tốt không phải là việc khó lắm, nhưng từ đó có một tấm gương sống động lan tỏa trên phương tiện truyền thông đi vào lòng người thì chắc là việc không dễ. Và để từ khuyến thiện phải đi tới trừng ác từ sức mạnh lan tỏa của những tấm gương đó. Người ta tin rằng cái ác, điều xấu nhất định sẽ bị cô lập, tiêu vong và thấy mình phải tham gia vào cuộc đấu tranh làm cho cái ác, điều xấu không còn nữa trên thế gian này.

Tôi có ảo tưởng không? Có yêu cầu quá cao với các phương tiện truyền thông không?

NGUYỄN ĐÌNH AN

;
.
.
.
.
.