Chính trị - Xã hội

Ba người con của Quảng Nam - Đà Nẵng trong Cách mạng Tháng Tám

06:38, 02/09/2015 (GMT+7)

Chúng ta, khi tìm hiểu, nghiên cứu về Cách mạng Tháng Tám thường chỉ đi sâu vào những sự kiện và nhân vật gắn liền với Cách mạng Tháng Tám trên đất Quảng Nam-Đà Nẵng.

Song chúng ta biết rằng nhiều chiến sĩ cách mạng sinh ra, được giác ngộ, rèn luyện và trưởng thành trên mảnh đất lịch sử này đã có những đóng góp xuất sắc, những cống hiến lớn lao trong Cách mạng Tháng Tám ở các địa bàn khác, nhiều đồng chí ở bên Hồ Chủ tịch trong những năm tháng không thể nào quên ấy. Việc tìm hiểu, nghiên cứu các sự kiện và nhân vật này là rất cần thiết và rất thú vị.

Trong điều kiện tư liệu hạn hẹp, tôi chỉ xin có một đôi điều về 3 người con của Quảng Nam-Đà Nẵng Cao Hồng Lãnh, Lê Văn Hiến, Phan Bôi, trong thời gian trước và trong Cách mạng Tháng Tám đến những ngày đầu cuộc kháng chiến chống Pháp.

Phan Thêm, Năm Thêm, Cao Hồng Lãnh (1906-2008) có lẽ là người tiêu biểu cho lớp thanh niên tân học đầu tiên của Phố Hội, chia tay với ý thức “Tôn quân thảo tặc” của lớp sĩ phu Cần Vương và tiếp tục con đường của các nhà Duy Tân cứu nước với bộ 3 Quảng Nam kiệt xuất: Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp.

Cuộc vận động Duy Tân cứu nước đầu thế kỷ bị đàn áp đẫm máu, nhưng các hoạt động mới mẻ của một thời ngắn ngủi ấy vẫn có sự hấp dẫn mạnh mẽ với Năm Thêm và các bạn. Ông mở nhà sách Đức An làm nơi phổ biến tân thư, truyền bá tư tưởng dân chủ. Ông lập đội bóng Rạng Đông và các nhóm nghệ thuật dân tộc để tập hợp lớp trẻ.

Từ những hoạt động này, ông là người chủ trì thành lập Chi bộ Việt Nam thanh niên Cách mạng đồng chí hội đầu tiên ở Quảng Nam và trở thành một nhà Cách mạng chuyên nghiệp. Phần lớn hoạt động Cách mạng của ông là ở nước ngoài, chủ yếu ở Trung Quốc.

Khi Bác Hồ từ Nga qua căn cứ Diên An để về phía Nam trong đội hình Giải phóng quân Trung Hoa tìm cách về nước tổ chức và lãnh đạo Cách mạng, là người am hiểu vùng đất phía nam Trung Hoa, đặc biệt là vùng biên giới Việt-Trung, Cao Hồng Lãnh được giao nhiệm vụ đón Bác. Như chúng ta đều biết, thời gian này Bác ở Pắc Bó, Cao Bằng, Cao Hồng Lãnh và nhiều đồng chí cán bộ cao cấp của Đảng được ở gần Bác, cùng Bác xây dựng tổ chức Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh), xây dựng khu giải phóng, xây dựng đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (22-12-1944), tìm mọi cách thiết lập quan hệ với lực lượng Đồng minh chống Phát-xít, chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa.

Cao Hồng Lãnh cùng với các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng được Bác cử đi Diên An học về quân sự, chuẩn bị cho sự ra đời nhóm tướng lĩnh cao cấp đón thời cơ lớn. Nhưng trong thời gian chờ xe đi Diên An, khi được biết Liên Xô đã giành những thắng lợi có ý nghĩa bước ngoặc, chiến tranh Thế giới thứ 2 sắp kết thúc, thời cơ ngàn năm có một của Cách mạng Việt Nam đang tới, Bác đã cho gọi 3 người trở về.

Cao Hồng Lãnh là đại biểu tham dự Quốc dân Đại hội Tân Trào và là thành viên trong nhóm cán bộ gần Bác nhất, giúp Thường vụ Trung ương Đảng xử lý những vấn đề nóng bỏng, phức tạp trong những ngày Cách mạng Tháng Tám và sau đó. Lúc này vận nước ngàn cân treo sợi tóc. Ở miền Nam, quân đội Thực dân Pháp núp bóng mượn thế quân đội Anh được Đồng minh cử đến miền Nam giải giáp quân Nhật đã tràn vào với ý đồ đánh nhanh, chiếm ngay miền Nam. Ở miền Bắc thì quân Tưởng Giới Thạch tràn vào đem theo một lũ Việt gian bán nước với mưu đồ diệt Cộng cầm Hồ. Thế nước thù trong giặc ngoài vô cùng nguy hiểm.

Cao Hồng Lãnh được cử tham gia Đoàn công tác do đồng chí Hoàng Quốc Việt dẫn đầu vào Nam Bộ truyền đạt chỉ thị của Trung ương xử lý những vấn đề nội bộ, hướng đến đoàn kết nhất trí chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống xâm lăng. Khi tham gia Đoàn phái viên Trung ương, qua các tư liệu không thấy nói đồng chí đã làm gì, phát biểu như thế nào, chỉ thấy nói đồng chí Hoàng Quốc Việt có viết bài trên báo Tổ quốc kêu gọi nhân dân Nam Bộ bình tĩnh, kiềm chế trước hành động gây hấn, khiêu khích của Pháp và có tranh luận to tiếng với đồng chí Trần Văn Giàu (Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ).

Chắc chắn là từ trải nghiệm của chuyến đi, thấy hết những khó khăn của cuộc kháng chiến ở vùng đất phía Nam xa xôi, Cao Hồng Lãnh được phân công hay là ông tự nhận phụ trách một tổ chức có tên là Phòng Nam Bộ lo việc tiếp tế hậu cần cho Nam Bộ, sau này đường dây được mở rộng từ Hồng Kông, Hoa Nam vùng Hải ngoại mà ông rất thông thạo.

Sau ngày Cách mạng Trung Quốc thắng lợi 1949, ông được cử là Tổng Lãnh sự nước ta ở Quảng Châu, Trung Quốc, và một trong những nhiệm vụ chủ yếu của ông là tiếp nhận và vận chuyển những viện trợ của các nước bạn nhanh nhất, có hiệu quả nhất phục vụ cuộc kháng chiến chống Pháp.

Lê Văn Hiến (1904-1997), là con một gia đình lao động nghèo. Ông rất thông minh hiếu học. Khi học ở Huế, ông được tiếp thu những tư tưởng tiến bộ và nuôi dưỡng ý chí đấu tranh vì độc lập tự do. Ông là người chủ trì thành lập Chi bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội đầu tiên ở Đà Nẵng. Là một viên chức Bưu điện ngoại hạng, ông được các quan chức và đồng nghiệp cả người Pháp, người Nam nể trọng. Đây cũng là thuận lợi để ông tiến hành các hoạt động cách mạng công khai, hợp pháp.

Ông là người cùng với Phan Bôi, Trịnh Quang Xuân tổ chức chỉ đạo cuộc xuống đường của đông đảo nhân dân Đà Nẵng đón tiếp và trao kiến nghị cho Gô Đa, đại diện cho Mặt trận bình dân Pháp. Ông còn được giao làm nhiều việc lo tài chính cho Đảng như mở hiệu sách Việt Quảng, mở lò chén, buôn bán nông sản. Ông bị địch bắt nhiều lần và bị giam cầm ở Kon Tum 2 lần. Ông là tác giả cuốn Ngục Kon Tum tố cáo chế độ nhà tù tàn bạo của thực dân Pháp, sách được xuất bản năm 1938 được học giả Đặng Thai Mai dịch ra tiếng Pháp đăng trên báo Lao Động.

Ở ngục Kon Tum trở về, ông tích cực tham gia chuẩn bị Cách mạng Tháng Tám và được cử làm Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa của thành phố Đà Nẵng. Trong lúc này, dù ông không dự Đại hội Quốc dân ở Tân Trào, ông vẫn được Đại hội bầu vào Ủy ban Mặt trận giải phóng dân tộc (tức Chính phủ lâm thời).

Và đây cũng là thời điểm xảy ra một sự kiện đáng ghi nhớ của đời ông.

Ngày 15-8-1945, Nhật đã đầu hàng vô điều kiện. Quân đội Nhật ở Đông Dương được tập kết về một số điểm chờ đại diện Đồng minh đến tiếp nhận đầu hàng, giải giáp rồi hồi hương. Quân đội Nhật từ Đà Nẵng đến Quy Nhơn được tập kết về Đà Nẵng. Lúc này toàn dân ta hưởng ứng lệnh Tổng khởi nghĩa toàn quốc, cuộc Cách mạng Tháng Tám diễn ra sôi nổi trên toàn quốc. Quân đội Nhật không can thiệp vào những chuyển biến chính trị ở Việt Nam. Ta cũng chủ trương tạo điều kiện để quân Nhật án binh bất động, thực hiện suôn sẻ việc tập kết giải giáp và hồi hương. Nhưng ở một số nơi, do sự manh động quá khích của một số người trong lực lượng khởi nghĩa đã xảy ra va chạm với quân Nhật. Ở Quảng Nam có xung đột tại Điện Bàn, Đại Lộc, Tam Kỳ, hơn 50 người hy sinh.

Đồng chí Lê Văn Hiến lúc này là Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa thành phố Đà Nẵng được tin quân đội Nhật sẽ điều một số đơn vị vào đàn áp lực lượng khởi nghĩa ở Quảng Ngãi vì bị lực lượng khởi nghĩa tiến công. Đồng chí quyết định đi Quảng Ngãi trao đổi với các đồng chí lãnh đạo ở đây đảm bảo kiểm soát được tình hình không để xảy ra xung đột lớn gây tổn thất cho cách mạng.

Sau khi trao đổi, bàn bạc với các đồng chí lãnh đạo Quảng Ngãi, khi ra về khỏi thị xã thì bị dân quân một địa phương bắt lại và cho là Việt gian. Đồng chí bình tĩnh giải thích và yêu cầu đưa về trụ sở Ủy ban, nếu xử thì có tuyên án và xử công khai trước quân sĩ và dân chúng và xin được nói vài lời trước khi chết “Tôi nói để dân chúng Quảng Ngãi ít ra cũng biết họ đã xử tử một người như thế nào. Giết Việt gian, hành động ấy rất cách mạng, tôi kính cẩn nghiêng mình trước hành động ấy. Còn nếu đồng bào cạn xét mà giết lầm, tôi chết chẳng có chút gì ân hận, anh em vì sốt sắng với Cách mạng mà làm thế, tôi vì sự sai lầm ấy mà chết. Cái chết oan ấy cũng vì Cách mạng, vì tiền đồ dân tộc”.

Sau đó đồng chí thấy có một sự hoài nghi trong cán bộ, dân chúng, đồng chí lại yêu cầu xin hoãn việc xử tử một hôm để hỏi Ủy ban tỉnh. Rồi đồng chí viết thư cho Tỉnh bộ và Tỉnh bộ Quảng Ngãi cử ngay người đến giải quyết vụ việc. Đồng chí được trả tự do và trở về Đà Nẵng ngay lo việc khởi nghĩa.

Qua sự kiện này ta thấy Lê Văn Hiến là một người có tầm nhìn chiến lược và có ý thức trách nhiệm với sự nghiệp chung. Đồng chí tự phân tích tình hình và tự quyết định việc đi Quảng Ngãi không có sự phân công của tổ chức, không có ai giao nhiệm vụ.

Khi lâm vào tình cảnh cực kỳ nguy hiểm, đồng chí tỏ ra là người có bản lĩnh, bình tĩnh và khôn ngoan. Đồng chí ý thức được làm Cách mạng có thể gặp những rủi ro, có khi bị tước đi mạng sống và xác định đó cũng là hy sinh. Chính nhờ suy nghĩ đúng đắn ấy, đồng chí đã bình tĩnh khôn khéo.

Chỉ một ngày sau khi chủ trì cuộc mít-tinh lớn mừng thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Đà Nẵng và ra mắt Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời (28-8-1945) mà đồng chí là Chủ tịch, Lê Văn Hiến đã bàn giao công việc ra Bắc nhận nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ Lao động trong Chính phủ lâm thời. Trên đường ông nhận được lệnh của Hồ Chủ tịch, dừng ở Huế đón và tháp tùng cựu hoàng Bảo Đại ra Hà Nội nhận lãnh nhiệm vụ cố vấn đặc biệt của Chính phủ. Rồi lại dừng ở Vinh, đón Hoàng thân Lào Su Pha Nu Vông ra Hà Nội gặp cụ Hồ để bàn nhiều việc liên quan đến Cách mạng hai nước.

Là Bộ trưởng Bộ Lao động trong Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam mới, đồng chí có nhiều đóng góp cho việc xây dựng bộ máy đội ngũ ngành lao động và ban hành những chính sách lao động phù hợp, trong đó có việc áp dụng (có sửa đổi) Bộ Luật Lao động 1936, Bộ Luật ra đời trong thời kỳ Mặt trận bình dân, tương đối tiến bộ.

Tháng 12-1945, một sắc lệnh của Hồ Chủ tịch cử Bộ trưởng Lê Văn Hiến làm Đặc phái viên của Chính phủ ở Nam Trung bộ và Nam bộ cùng với đồng chí Hoàng Quốc Việt, Cao Hồng Lãnh. Chuyến đi rất gian khổ và nguy hiểm này kéo dài 2 tháng 18 ngày. Sau đó đồng chí được cử làm Bộ trưởng Bộ Tài chính. Ông đã nhận lãnh hơn 20 nhiệm vụ khác nhau trong bộ máy lãnh đạo cấp quốc gia, 5 lần giữ chức Bộ trưởng và hàm Bộ trưởng.

Ông được Bác Hồ giao những việc lớn, bên cạnh đó Người còn dặn riêng ông một số việc đòi hỏi sự quảng giao, sự chu đáo và tầm văn hóa như thay mặt người thăm hỏi hai bà Hoàng hậu, vợ hai vị Vua yêu nước Thành Thái và Duy Tân, thông báo Chính phủ có dành một khoản trợ cấp hằng tháng cho hai bà.

Phan Bôi (1911-1947), là con một gia đình có truyền thống yêu nước và hiếu học, em ruột nhà trí thức Cách mạng nổi tiếng Phan Thanh (1908-1939).

Khi học ở Huế, tham gia phong trào Cách mạng của học sinh sinh viên và bị đuổi học, Phan Bôi ra Hà Nội làm công nhân nhà in Ngô Tử Hạ và tham gia Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội, rồi trở thành chiến sĩ cộng sản và hoạt động ở Sài Gòn. Ngày 8-2-1931, Phan Bôi diễn thuyết cổ động Cách mạng ở sân vận động. Cảnh sát ập tới, Lý Tự Trọng người bảo vệ cuộc mít-tinh nổ súng bắn chết tên cảnh sát nhưng cả Phan Bôi và Lý Tự Trọng đều bị bắt. Phan Bôi bị đày đi Côn Đảo, Lý Tự Trọng bị kết án tử hình và bị xử tử.

Năm 1936, Mặt trận bình dân thắng thế, nhiều tù nhân chính trị, trong đó có Phan Bôi được trả tự do. Ông về Quảng Nam, chắp nối với tổ chức Cách mạng, tham gia chỉ đạo cuộc xuống đường của đông đảo nhân dân Đà Nẵng, đón tiếp và đưa kiến nghị cho Gô Đa. Ông ra Hà Nội hoạt động trong các cuộc đấu tranh công khai hợp pháp đòi dân sinh, dân chủ, nhất là trong hoạt động báo chí.

Chiến tranh thế giới nổ ra. Mặt trận bình dân chấm dứt hoạt động. Các thế lực thực dân phản động ra mặt đàn áp Cách mạng. Tháng 5-1940, Phan Bôi lại bị bắt, lần này ông cùng một số đồng chí bị đày đi Madagasca (Châu Phi).

Phan Bôi và các đồng chí tù Cộng sản luôn đấu tranh đòi cải thiện chế độ lao tù. Bị giam giữ ở một nước ngoài xa lạ, nhưng các ông luôn tìm mọi cách thực hiện công tác dân vận. Có chính nghĩa, đức độ, lại luôn thân thiện, các ông giành được cảm tình của nhiều người trong đội ngũ quản giáo và trong dân chúng bản xứ.

Chiến tranh thế giới thứ 2 chuyển động theo hướng Đồng minh ở thế thắng. Madagasca được lực lượng của Anh chống phát-xít chiếm và giao lại cho lực lượng Pháp, phe DeGaule. Các đồng chí ta nói rõ với họ mình là lực lượng chống phát-xít ở Việt Nam bị đi đày ở đây và được đối xử tử tế như những công dân tự do. Các đồng chí ta tranh thủ thời gian rãnh rỗi dạy nghề cho nhân dân địa phương, tuyên truyền lý tưởng giải phóng dân tộc, rất chan hòa và thân thiện với họ.

Lúc này, thế thắng của lực lượng Đồng minh chống phát-xít ngày càng mạnh, các đồng chí ta yêu cầu Đồng minh cho anh em về Việt Nam tham gia chống phát-xít. Họ bố trí máy bay thả các đồng chí nhảy dù xuống Việt Bắc và yêu cầu hợp tác cung cấp thông tin cho họ. Tháng 11-1944, Phan Bôi đã ở Việt Bắc.

Ngày 9-5-1945 Đồng minh với lực lượng chủ công là Hồng quân Liên Xô đã đè bẹp hoàn toàn phát-xít Đức, sau đó đã tiến công tiêu diệt đạo quân Quan Đông sừng sỏ của phát-xít Nhật, Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.

Hồ Chủ tịch ra thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa.

Sau khi Hà Nội tiến hành Tổng khởi nghĩa thắng lợi. Trung ương đón Bác về Thủ đô để tiếp tục chỉ đạo Tổng khởi nghĩa trong toàn quốc và chuẩn bị cho ngày 2-9. Tại Việt Bắc, Người có một cuộc họp với những trợ thủ gần gũi nhất, những cán bộ tâm phúc như Phạm Văn Đồng, Hoàng Văn Thái, Phan Bôi, Tô Dĩ, chị Châu. Người giao nhiệm vụ ở lại coi giữ căn cứ địa cho các đồng chí để khi cần thì có căn cứ vững mạnh đấu tranh với giặc.

Người hỏi “Thế nào, các cô các chú vui lòng cả chứ”.

Cách mạng ở vào hồi sôi sục nhất và đúng là ngày hội của quần chúng. Ai cũng muốn có mặt tại Thủ Đô, trung tâm các sự kiện lớn, nhưng mọi người đều thấy ý kiến của Bác quá đúng, nhiệm vụ Bác giao quá quan trọng nên tất cả đều nghiêm chỉnh chấp hành.

Nhưng chỉ sau đó ít lâu, Bác đã cho người đón Phan Bôi và một số đồng chí về Hà Nội. Từ đây, Phan Bôi có tên là Hoàng Hữu Nam, luôn ở bên cạnh Bác Hồ. Ông là Chánh Văn phòng  rồi Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Đồng chí Võ Nguyên Giáp là Bộ trưởng. Khi cụ Huỳnh Thúc Kháng đảm nhận chức Bộ trưởng thay đồng chí Võ Nguyên Giáp, Phan Bôi là Thứ trưởng, trợ lý cho Cụ Huỳnh.

Sau ngày ta ký hiệp định sơ bộ mồng 6 tháng 3 năm 1946 với Pháp để đảm bảo hiệp định được thi hành, Phan Bôi được cử làm Chính ủy quân đội tiếp phòng, một đội quân được lập ra để phối hợp với quân đội Pháp lúc này đã được vào Việt Nam tiếp nhận sự đầu hàng và giải giáp quân Nhật. Đồng chí còn là Đặc phái viên của quân sự Ủy viên hội và là người đại diện cao nhất của quân đội ta trong việc liên lạc về quân sự với quân đội Pháp. Từ sau ngày Cách mạng Tháng Tám đến những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, Phan Bôi là người gần gũi nhất của Bác Hồ. Chỉ trong thời gian từ 23-12-1946 đến 9-4-1947 Hồ Chủ tịch đã gửi cho Phan Bôi 69 lá thư. Đó là những mẩu giấy nhỏ, nhiều chữ viết tắt, có nhiều chữ Pháp, giao phó bàn bạc những việc quân cơ quốc kế. Có thư phê bình nhắc nhở, có thư đánh giá cao những đề xuất của Phan Bôi. Phan Bôi được xem và cũng tự nhận là một đầu sai, nghĩa là sẵn sàng phục vụ, người sai có thể là cấp chỉ huy của mình hay chỉ là người thân mật nhờ cậy. Có lần ông tự bạch, Cụ Hồ nói ông giới thiệu một người ra làm Bộ trưởng. Gần gũi tin cậy đến như thế là hiếm thấy.

Đau đớn thay, ngày 14-4-1947 ông đã tử nạn vì đuối nước.

Ba người Cao Hồng Lãnh, Lê Văn Hiến, Phan Bôi đều là những người tham gia các tổ chức tiền thân của Đảng và đều thuộc lớp đảng viên thời lập Đảng. Họ đều là những người thực sự có tài năng, đức độ và bản lĩnh. Họ xứng đáng là những khai quốc công thần.

Vậy mà họ luôn vui vẻ, tự giác nhận và hoàn thành nhiệm vụ được giao, không khi nào đòi hỏi một chút danh lợi địa vị. Khi Cách mạng bùng nổ, mọi lực lượng kéo về Hà Nội, họ vui lòng ở lại căn cứ địa Việt Bắc để khi hữu sự, khi cần thoái khả dĩ thủ.

Nhiều trường hợp họ không cần, không đợi sự phân công, tự mình xông vào chỗ khó khăn nguy hiểm để lo việc Đảng, việc dân. Ngay cả lúc ở cảnh hiểm nghèo có thể chết oan khuất họ cũng không hề nao núng, hối tiếc, luôn xem như thế cũng là hi sinh vì sự nghiệp. Nhờ thế họ đủ bình tĩnh, sáng suốt để vượt mọi thử thách.

Họ phải lo những việc quốc gia đại sự, khôn khéo đối phó với thù trong giặc ngoài mà vẫn chu đáo, ân cần trong từng việc nhỏ, có tầm văn hóa trong mọi cách ứng xử.

Cách đây 70 năm, những ngày này cả nước sôi sục khí thế Cách mạng, người dân lắng nghe Cụ Hồ đọc tuyên ngôn và đâu đâu cũng vang vang lời thề độc lập.

Cụ Hồ có bên người những trợ thủ đắc lực, những học trò kiệt xuất như Cao Hồng Lãnh, Lê Văn Hiến, Phan Bôi đã lãnh đạo thành công cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại và vững vàng chèo lái con thuyền Tổ quốc vượt qua những thử thách hiểm nghèo, thác ghềnh sóng gió.

Ngay lúc đó, Người đã nhìn thấy và cảnh báo hiện tượng hủ hóa, hóa theo ngôn từ bây giờ là quyền lực và sự tha hóa.

Chỉ 15 ngày sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập, trong thư gửi các đồng chí tỉnh nhà, Cụ Hồ đã cảnh báo “Đề phòng hủ hóa. Cán bộ ta nhiều người cúc cung tận tụy, hết sức trung thành với nhiệm vụ, với Chính phủ, với Quốc dân. Nhưng cũng có người hủ hóa, lên mặt làm quan Cách mạng, hoặc là động hành, độc đoán, dĩ công dinh tư. Thậm chí dùng pháp công để báo thù tư làm cho dân oán đến Chính phủ và Đoàn thể”.

Và một tháng sau thư gửi các đồng chí tỉnh nhà, Cụ Hồ lại chỉ ra 6 lỗi lầm chính của cán bộ các cấp là: Trái phép, cậy thế, hủ hóa (ăn muốn cho ngon, mặc muốn cho đẹp, càng ngày càng xã xỉ, thử hỏi tiền bạc ấy do đâu ra. Thậm chí lấy của công dùng làm việc tư quên cả thanh liêm đạo đức. Ông ủy viên đi xe hơi rồi bà ủy viên, cho đến các cô cậu ủy viên cũng dùng xe hơi của công. Thử hỏi những phao phí đó ai phải chịu), tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo (Tưởng mình ở trong cơ quan Chính phủ là thần thánh rồi. Coi khinh dân gian, nói phô, cử chỉ lúc nào cũng vác mặt quan Cách mạng lên, không biết răng thái độ kiêu ngạo đó thì sẽ mất lòng tin của dân, có hại đến oai tín của Chính phủ).

Nhớ về lớp chiến sĩ Cách mạng Tháng Tám, những người có trái tim như ngọc sáng ngời, chúng ta càng nhận thức rằng cuộc chiến đấu để chống lại những gì cũ kỹ hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ tốt tươi như Người đã viết trong di chúc là một cuộc chiến đấu khổng lồ, vẫn đang còn ở phía trước.

NGUYỄN ĐÌNH AN

.