Hội nghị Thượng đỉnh thông qua Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững đã khai mạc trọng thể hôm qua 25-9 (theo giờ New York) tại trụ sở Liên Hợp Quốc (LHQ) với sự tham dự của 193 nước thành viên LHQ, trong đó có hơn 160 Người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc - Ảnh: Nguyễn Khang |
Đoàn đại biểu Việt Nam do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang làm Trưởng đoàn tham dự Hội nghị.
Sau lễ khai mạc, Hội nghị đã long trọng thông qua Văn kiện “Chuyển đổi thế giới của chúng ta: Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững” với 17 Mục tiêu và 169 chỉ tiêu cụ thể.
Trong ngày họp đầu tiên, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Moon và gần 60 Tổng thống, Thủ tướng phát biểu, hầu hết đều nêu bật tầm quan trọng của Chương trình nghị sự 2030, nền tảng cho sự phát triển bền vững của thế giới trong 15 năm tới, nhấn mạnh quyết tâm và cam kết thực hiện nghiêm túc chương trình nghị sự và các mục tiêu phát triển bền vững, bày tỏ hy vọng cộng đồng quốc tế cũng sẽ đạt được một thoả thuận mới về biến đổi khí hậu tại Paris tháng 12-2015.
Phát biểu trong ngày đầu tiên của Hội nghị thượng đỉnh, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nêu bật các thách thức lớn đang đe doạ hoà bình, an ninh và phát triển bền vững, nhất là nghèo đói, dịch bệnh, bất công xã hội, cạn kiệt tài nguyên, suy thoái môi trường, xung đột, khủng hoảng, tình trạng bạo lực, bất ổn, căng thẳng gia tăng…
Chủ tịch nước nhấn mạnh Chương trình nghị sự 2030 đã đề ra tầm nhìn chiến lược mới, phản ánh khát vọng chung của toàn nhân loại được sống trong một thế giới hòa bình, an toàn, công bằng, xanh và sạch, tạo khuôn khổ và định hướng mới cho mọi quốc gia trong việc ứng phó các thách thức chung về kinh tế, xã hội và môi trường.
Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam cam kết tập trung mọi nguồn lực, huy động tất cả các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cộng đồng và người dân để thực hiện thành công Chương trình nghị sự 2030 và các mục tiêu phát triển bền vững. Đồng thời, Chủ tịch nước nêu bật ba thông điệp lớn của Việt Nam.
Đầu tiên là các mục tiêu phát triển bền vững không thể trở thành hiện thực trong điều kiện chiến tranh, xung đột và bất ổn. Do đó, bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế là điều kiện tiên quyết để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững.
Thứ hai, cần có quyết tâm chính trị cao, phát huy tối đa nội lực và tiềm năng đất nước, đưa quan điểm bền vững trở thành định hướng thường xuyên, lâu dài và lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững vào mọi chiến lược và chương trình quốc gia, trong đó con người luôn ở vị trí trung tâm.
Chủ tịch nước cũng thông báo Việt Nam đang tích cực thực hiện Chiến lược quốc gia về phát triển bền vững 2011-2020, tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, đảm bảo công bằng xã hội, tiết kiệm tối đa tài nguyên và cải thiện môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thứ ba, cần tăng cường quan hệ đối tác toàn cầu vì phát triển bền vững, trong đó các nước phát triển có trách nhiệm hỗ trợ các nước đang phát triển thực hiện các mục tiêu trên, đặc biệt là hỗ trợ nâng cao năng lực, chuyển giao công nghệ, tạo thuận lợi trong thương mại, tiếp cận nguồn vốn...
Hội trường phiên họp Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc sau khi thông qua chương trình nghị sự sau năm 2015 |
Chủ tịch nước cũng thông báo Việt Nam và các nước ASEAN đang nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015, đồng thời cùng các nước liên quan duy trì hòa bình, an ninh trong khu vực nhằm tạo môi trường thuận lợi cho phát triển bền vững, trong đó có an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông.
Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam kiên trì chủ trương giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở tôn trọng Luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển của LHQ 1982, thực hiện nghiêm túc và đầy đủ Tuyên bố về ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC) và thúc đẩy sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Cuối cùng, Chủ tịch nước bày tỏ mong muốn Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững sẽ được thực hiện vì lợi ích chung của nhân loại và Việt Nam sẽ đóng góp tích cực, có trách nhiệm vào các nỗ lực chung để không một cá nhân, một nước nào bị tụt hậu trong tiến trình này.
Theo Tuổi trẻ