Năm 1996, UBND huyện Hòa Vang (cũ) đã cấp cho nhiều hộ dân thôn Phước Sơn, xã Hòa Khương một số diện tích đất để sản xuất nông nghiệp, có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, hầu hết đất trong sổ đỏ được cấp trên thực tế lại do người khác sử dụng, người được cấp sổ chỉ quản lý đất trên giấy tờ.
Gần 20 năm tồn tại thực trạng trên, người có sổ ít quan tâm đến sổ, người dùng đất cứ dùng. Cho đến khi các dự án mở rộng đường DH8 và khu nước khoáng nóng Phước Nhơn tràn qua phần diện tích đất trong sổ đỏ, cả thôn Phước Sơn mới dậy sóng câu chuyện “sổ đỏ ảo” bởi giá trị đất được đẩy lên khác thường.
Xuất phát từ quyền lợi giá trị đền bù phần diện tích đất liên quan đến các dự án, cả chính chủ (người có sổ đỏ) và người đang sử dụng diện tích đất đều muốn quyền lợi bản thân được “chứng nhận”. Dù vụ việc chẳng có gì gây khó cho đơn vị chi trả tiền đền bù bởi căn cứ “giấy trắng, mực đen”, người có sổ đỏ dĩ nhiên là chính chủ có quyền nhận tiền đền bù. Nhưng câu chuyện này có “quá trình lịch sử” đáng để suy nghĩ trong công tác quản lý đất đai.
Năm 1996, bà Nguyễn Thị Câu và ông Phạm Đức Lành (đã chết) được UBND huyện Hòa Vang cấp cho sổ đỏ với diện tích đất trên 3.000m2. Gia đình bà Câu tiếp nhận giấy tờ nhưng đến khi nhận đất thực tế mới vỡ lẽ đất được cấp đang được người khác sử dụng. Người này cho biết, diện tích đất đó được một hộ dân khác ở thôn Nam Thành (xã Hòa Phong) khai hoang từ thuở “lập địa” bán lại cho mình. Bà Câu không đòi được đất. Cả thôn Phước Sơn có gần 20 người rơi vào tình cảnh như bà Câu.
Ông Nguyễn Tấn Hồng, cựu Trưởng thôn Phước Sơn, nay là Bí thư Chi bộ thôn, cho biết Phước Sơn có 128 hộ, có gần 20 hộ có sổ đỏ liên quan đến vấn đề “có sổ mà không có đất”. Trước đây, các hộ được cấp sổ đỏ chủ yếu là công nhân của Trại giống cây trồng Phước Sơn, được chính quyền quan tâm cấp đất để sản xuất.
Phần diện tích đất được cấp trong sổ đa phần do người thôn Nam Thành, xã Hòa Phong khai hoang, quản lý. Các hộ dân này đem bán lại cho người dân thôn Phước Sơn. Các hộ dân được cấp sổ đỏ khi đó cũng không đòi lại đất, mà mặc nhiên để việc mua bán (hợp đồng miệng hoặc có giấy viết tay) diễn ra, thậm chí họ mua chính mảnh đất của mình do chính quyền cấp. Tất cả đều thiếu cơ sở pháp lý.
Trở lại câu chuyện của gia đình bà Nguyễn Thị Câu. Sau khi không đòi được đất do chính quyền cấp, gia đình bà Câu đã phải bỏ tiền mua 5 sào đất để sản xuất. Cách đây 3 năm, gia đình bà gửi đơn lên UBND xã Hòa Khương mong muốn chính quyền can thiệp để người sử dụng đất trên sổ đỏ nhà bà trả lại đất “chính chủ” cho bà, nhưng sự việc dần rơi vào im lặng. Ông Đinh Ngọc Thiên, Chủ tịch UBND xã Hòa Khương, cho biết hồi đó ông chưa giữ chức chủ tịch nên không nắm rõ vấn đề. Trong khi, hiện nay giá trị các thửa đất nông nghiệp trong sổ đỏ của các hộ được cấp cùng năm 1996 đã hết giá trị sử dụng từ tháng 7-2015.
Chuyện đền bù đất giữa hộ “chính chủ” và hộ sử dụng đất tưởng dễ nhưng hóa ra phức tạp. Người có sổ dĩ nhiên được nhận tiền, còn người sử dụng đã mất tiền mua lại, mất hàng chục năm cải tạo, chăm bón, sản xuất trên mảnh đất đó cũng không đành “ngậm đắng” nhìn người khác nhận tiền. Nhiều người ở Phước Sơn lo sợ sẽ xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn dẫn đến mất an ninh trật tự. Có người thắc mắc, tại sao hồi cấp đất cho dân năm 1996, chính quyền huyện Hòa Vang (cũ) và các cơ quan chức năng chỉ biết trao đất cho dân trên giấy tờ mà không kiểm tra và bàn giao trên thực tế. Nếu các cơ quan chức năng chu đáo hơn thì chẳng có chuyện dở khóc dở cười như ngày hôm nay.
TRỌNG HUY